Sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là bộ luật giữ một vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào của Bộ luật Dân sự hiện hành cũng cần được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng.
Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tính đến ngày 28-4, qua 86 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các bộ, ngành, địa phương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Dự thảo Bộ luật sau khi được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân có 6 phần, với tổng số 708 Điều (giảm 4 Điều so với dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân), đã được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với Bộ luật Dân sự hiện hành Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là một trong những thay đổi đáng chú ý của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã nới rộng “khuôn khổ” về lãi suất cơ bản làm cơ sở tính lãi suất vượt trần từ 150% lên 200%.
Theo Chính phủ, hiện có hai loại ý kiến cơ bản về vấn đề này. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật và cho rằng, quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi và thống nhất trong thực tiễn thi hành pháp luật, vì đây là loại lãi suất luật định và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm công bố công khai theo quy định của Luật Ngân hàng. Việc áp dụng mức lãi suất trần theo cơ chế này vừa bảo đảm phù hợp được với tình hình phát triển chưa bền vững của nền kinh tế ở nước ta, vừa góp phần ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi trong thực tiễn giao lưu dân sự.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định một mức lãi suất cụ thể trong Bộ luật Dân sự để đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Việc sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là không phù hợp vì đây chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường, lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không.
Chính phủ nhất trí theo ý kiến đa số nêu trên và cho rằng, ngoài những lý do đã được phân tích ở loại ý kiến này thì việc quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố còn bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh về lãi suất vì lãi suất cơ bản không phải là cố định, khi có sự biến động về thị trường tiền tệ hoặc chính sách tiền tệ thì lãi suất này sẽ được Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh thích hợp. Mặt khác, dự thảo Bộ luật cũng đã quy định mức lãi suất trong hợp đồng vay có thể được thay đổi trong trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định, đây là vấn đề khó, phức tạp. Ông thông tin, từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện việc công bố lãi suất cơ bản. Do vậy cần phải quy định rõ và có thể lấy bình quân lãi suất của 3 nhóm ngân hàng làm cơ sở.
Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào chia sẻ, thực tiễn đang vướng ở chỗ nếu theo luật hiện hành (Điều 476), lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng nhưng theo luật các tổ chức tín dụng lại quy định lãi suất theo thỏa thuận. “Từ năm 2009 không công bố lãi suất cơ bản nữa, thực tế đó khiến chúng tôi rất lúng túng trong giải quyết, do đó vẫn phải quy định một mức lãi suất để có cơ sở xử lý” - ông Hào đề nghị.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét đang có sự xung đột giữa các hệ thống luật. Ông phân tích, hiện nay chúng ta có Luật Hình sự quy định tội cho vay nặng lãi; Luật Dân sự có quy định vượt trần cơ bản 150% là cho vay nặng lãi; Luật Ngân hàng Nhà nước có quy định trần lãi suất; Luật Các tổ chức tín dụng lại cho vay theo thỏa thuận. “Cần đưa ra phương án có bỏ lãi suất cơ bản hay không?... Còn nếu không bỏ cũng phải đủ lập luận, đây là vấn đề lớn, cần xếp lên hàng đầu khi cho ý kiến về dự thảo Bộ luật”, ông phát biểu.
Giải trình thêm trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ, trong quá trình thảo luận Dự án Luật sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước lúc đầu cũng không đồng tình công bố lãi suất cơ bản nữa mà đề nghị lấy lãi suất liên ngân hàng, nhưng sau đó qua nhiều lần thảo luận thì đồng ý là sẽ thực hiện, nhưng không phải công bố định kỳ, mà tùy theo thị trường và sự ổn định của đồng tiền.
Về việc nâng từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản, Bộ trưởng nêu thực tế hiện nay cũng đã có trường hợp vượt quá 200%, nên cần tính đến khuôn khổ thoáng hơn, còn nếu giữ 150% thì rất dễ bị xử lý cho vay nặng lãi.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vẫn cần có lãi suất cơ bản nhưng cân nhắc thêm việc nới rộng “khuôn khổ” về lãi suất cơ bản làm cơ sở tính lãi suất vượt trần từ 150% lên 200%.
Ngoài nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; về quyền nhân thân của cá nhân; về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu./.
Theo dangcongsan.vn