Thiên anh hùng ca của nhân loại

09:05, 08/05/2015

Năm nay, nhân loại tiến bộ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít 9-5. 70 năm đã trôi qua, nhưng ngày 9-5-1945 vẫn là cột mốc không thể phai mờ trong lịch sử loài người về sự chiến thắng của phẩm giá và lương tri trước những thế lực dân tộc cực đoan tàn bạo. Dẫu rằng, với những động cơ chính trị khác nhau, ở một số quốc gia thuộc Đông Âu và Liên Xô trước đây đang xuất hiện những quan điểm cơ hội, xét lại hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa của Ngày Chiến thắng, cũng như đóng góp của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít… song Ngày Chiến thắng 9-5 vẫn là Thiên anh hùng ca của nhân loại.

Cựu chiến binh tham gia Thế chiến II dự Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Mát-xcơ-va). Ảnh: Internet
Cựu chiến binh tham gia Thế chiến II dự Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Mát-xcơ-va). Ảnh: Internet

Chiến tranh thế giới thứ hai (từ 1939-1945), diễn ra trên nhiều mặt trận, ở nhiều châu lục, trong đó, mặt trận phía Đông (Xô - Đức) đóng vai trò quyết định toàn cục. Cách đây đúng 70 năm, ngày 9-5-1945, bằng cuộc chiến đấu dũng cảm vô song và sự hy sinh lớn lao, các lực lượng dân chủ và hoà bình, đặc biệt là nhân dân và Hồng quân Liên Xô anh hùng, đã đập tan chủ nghĩa phát xít Đức, giành lại hòa bình cho nhân dân các nước châu Âu.

Ngày 22-6-1941, vào 3 giờ 30 sáng, không tuyên chiến và cũng không đưa ra một yêu sách gì, phát xít Đức bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến Biển Ban-tích, chà đạp thô bạo lên hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức ký kết năm 1939. Theo “kế hoạch Bác-ba-rô-sa” được thảo ra từ tháng 6-1940, Hít-le đã huy động 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3.712 xe tăng, 47.260 khẩu pháo, 4.950 máy bay… chia ra làm 3 đạo quân, đặt dưới quyền tổng chỉ huy của thống chế Phôn Bơraosit, tiến đánh Liên Xô theo 3 hướng chiến lược: Từ Đông Phổ qua Ban-tích hướng tới Lê-nin-grát, từ Đông Bắc Vác-xa-va hướng tới Min-xcơ, Xmô-len-xcơ, Mát-xcơ-va và từ vùng Liu-bơ-lin hướng tới Gi-tơ-mia, Ki-ép, sau đó tới Đôn-bát.

Hít-le dự tính, Đức sẽ “đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng - trong vòng từ l tháng rưỡi đến 2 tháng - trước khi kết thúc chiến tranh với Anh”. Đi đôi với kế hoạch xâm lược về quân sự là kế hoạch cướp bóc tài nguyên và tàn sát người Nga một cách man rợ. Chỉ thị ngày 12-5-1941 của Bộ Chỉ huy tối cao Đức bắt buộc toàn thể sĩ quan, binh lính Đức phải “ghi nhớ và thực hiện: Hãy tiêu diệt trong mình mọi sự thương xót và đau khổ, hãy giết bất kỳ người Nga nào và không được dừng lại, dù trước mặt anh là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai. Chúng ta phải bắt thế giới đầu hàng… anh là người Đức, và là người Đức phải tiêu diệt mọi sự sống cản trở con đường của anh”.

“Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, nhân dân Liên Xô đã nhất tề đứng dậy, già trẻ, trai gái, triệu người như một, xông thẳng tới quân thù xâm lược. Những trận chiến đấu bảo vệ biên giới đã diễn ra hết sức dũng cảm, oanh liệt. Quân và dân Xô viết đã giữ từng tấc đất, từng ngôi nhà trong những điều kiện hết sức chênh lệch về quân số và vũ khí. Giữa tháng 7-1941, quân đội phát xít Đức ngày càng tiến sâu vào nội địa Liên Xô.

Tháng 12-1941, Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của Tướng G.K.Giu-cốp đã chuyển sang phản công ở Mát-xcơ-va và đẩy lùi quân đội phát xít Đức ra xa Mát-xcơ-va. Kế hoạch đánh chiếm Mát-xcơ-va của Hít-le đã sụp đổ tan tành. Với chiến thắng Mát-xcơ-va, lần đầu tiên sau 6 tháng chiến tranh, Hồng quân đã làm cho các đơn vị chủ lực của phát xít Đức phải chịu những tổn thất nặng nề nhất. Tướng Đức Vét-phôn thú nhận: “Quân đội Đức, trước đây được coi là không thể bị đánh bại, nay sắp bị tiêu diệt”. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong trận Mát-xcơ-va đã nâng cao vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế và nhân dân thế giới đòi hỏi phải liên minh với Liên Xô. Ngày 1-1-1942, tại Oa-sinh-tơn, đại diện lãnh đạo 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mỹ và Anh đã ký kết bản “Tuyên bố LHQ” chống phát xít trên thế giới.

Mùa hè năm 1942, Hít-le một lần nữa lại dốc toàn lực lượng tung vào mặt trận Xô - Đức, nhằm chiếm bằng được Xta-lin-grát (nay là Vôn-ga-grát). Ngày 21-8-1942, quân đội Liên Xô buộc phải chuyển từ tuyến phòng ngự bên ngoài Xta-lin-grát vào tuyến bên trong. Từ 13-9-1942, cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong Thành phố Xta-lin-grát lúc này trở thành “nút sống” của Liên Xô. Quyết không lùi một bước, các chiến sĩ Xô viết bảo vệ Xta-lin-grát đã chiến đấu bền bỉ tới giọt máu cuối cùng để giữ vững từng vị trí, từng tấc đất của thành phố. Ngày 19-11-1942, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công ở Xta-lin-grát. Trận Xta-lin-grát đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự cũng như về ý nghĩa xoay chuyển toàn cục cuộc chiến tranh. Quân Đức đại bại ở mặt trận Liên Xô, không còn đủ sức chống đỡ nên bị quân Mỹ - Anh dồn lên khu vực Đông Bắc Tuy-ni-di và phải hạ khí giới vào ngày 12-5-1943.

Mùa hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban-tích, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới Xô - Phần và buộc Phần Lan phải ký hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19-9-1944. Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Nam Tư, An-ba-ni và một phần đáng kể lãnh thổ Tiệp Khắc, Hung-ga-ri và Áo.

Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít. Ảnh: TL
Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít. Ảnh: TL

Ngày 16-4-1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béc-lin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hít-le. 5 giờ sáng 16-4-1945, sau 30 phút cho pháo bắn cực mạnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa phòng ngự của quân Đức, 140 đèn chiếu đặt mỗi cái cách nhau 200 mét đồng loạt bật sáng lên với hơn 100 tỷ nến chiếu sáng làm lóa mắt quân địch, bộ binh và xe tăng Hồng quân tiến lên vượt qua trận địa phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Ngày 19-4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béc-lin. Ngày 21-4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béc-lin. Chiều 30-4-1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh luỹ cuối cùng của bọn phát xít Hít-le. Trận đánh chiếm nhà Quốc hội là một trận đẫm máu.

Trong thế cùng, Hít-le và Gơ-ben đã tự sát. 15 giờ ngày 30-4, cờ đỏ đã cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội. Ngày 2-5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béc-lin. Vào lúc 22 giờ 43 phút ngày 8-5-1945 theo giờ Béc-lin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9-5 theo giờ Mát-xcơ-va), trước đại diện Bộ Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng Chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng Tư lệnh quân đội Đức - Cây-ten đã ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện. Tiếp đó, tháng 9-1945, quân đội Xô viết đã tiến công tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ, buộc phát xít Nhật phải ký Hiệp ước đầu hàng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai là một cuộc chiến tranh quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, lan rộng khắp toàn cầu, Chiến tranh thế giới lần thứ hai kéo dài 6 năm, gây ra thảm họa vô cùng to lớn đối với nhân loại: Binh sĩ và dân thường đã chết trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai là 100 triệu người. Trong đó, quân đội và nhân dân Liên Xô đã thương vong đến 60 triệu người. Tổn thất về vật chất của Liên Xô tính theo năm 1941 là 679 tỷ rúp. Mỹ và Anh là hai trong số những nước đồng minh chống phát xít cũng bị thiệt hại nặng nề về người và của. Nước Đức phát xít cũng gánh chịu thiệt hại lớn từ cuộc chiến do chính họ gây ra.

Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô và nhân dân các nước đồng minh chống chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai có ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc, ảnh hưởng rất lớn đến cục diện châu Âu và thế giới hiện đại.

Từ thảm họa của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, loài người nói chung, nhân dân yêu chuộng hòa bình nói riêng càng có trách nhiệm to lớn đối với việc gìn giữ nền hòa bình thế giới. Vì vậy, việc phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình là tiêu điểm của mọi vấn đề và hơn bao giờ hết, nó đã, đang và càng trở nên cấp bách đối với sự sống còn của các quốc gia, dân tộc; liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của cả loài người; luôn được các quốc gia, dân tộc quan tâm, lo lắng; cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

Thắng lợi của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở một mức độ nhất định, đã rửa sạch lớp bùn nhơ vẩn đục của chủ nghĩa phát xít gây ra, làm cho nền dân chủ, nhân quyền thế giới có được bước phát triển mới; đồng thời làm cho chế độ tư bản chủ nghĩa thoát ra được khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vốn đã lún sâu trong nửa phần đầu của thế kỷ XX.

Thắng lợi của Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã phá vỡ tình trạng lấy châu Âu làm trung tâm trong mối quan hệ quốc tế đã được hình thành từ thời cận hiện đại. Sau khi địa vị trung tâm của châu Âu bị phá vỡ, sự thống trị của châu Âu biến mất, Liên Xô và Mỹ đã phát triển nhanh chóng, trở thành hai cường quốc trên thế giới.

Thắng lợi của Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã dẫn đến cách mạng xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc..., mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức; tạo ra những nhân tố mới, điều kiện mới cả bên trong và bên ngoài có lợi cho phong trào độc lập dân tộc, tiến tới thành công sau thế chiến thứ hai. Tại các vùng châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh đã bùng lên những cơn bão táp cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay, từng bước sụp đổ. Phong trào giải phóng dân tộc dâng cao đã trở thành lực lượng quan trọng và là đối trọng trong việc chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhân dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam đã xây dựng được chính quyền dân chủ nhân dân và bước lên con đường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam, Trung Quốc, và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã cùng Liên Xô hình thành một hệ thống mới - hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Với thắng lợi của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô không những đã cứu loài người thoát khỏi thảm họa bị diệt vong của chủ nghĩa phát xít mà còn phát triển nhanh chóng, trở thành thành trì vững chắc của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Việc Liên Xô trở thành một cường quốc quân sự, chính trị duy nhất ở châu Âu và châu Á cũng như uy tín quốc tế của Liên Xô được nâng cao chưa từng có sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và việc hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ra đời sau cuộc chiến tranh này đều là thành quả của thắng lợi trong chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít. Liên Xô đã thoát khỏi tình trạng bị chủ nghĩa tư bản bao vây; đồng thời cùng các nước xã hội chủ nghĩa tạo thành một mặt trận xã hội chủ nghĩa chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình to lớn trên thế giới.

Đối với nước ta, chiến thắng của nhân dân Liên Xô và các nước đồng minh chống chủ nghĩa phát xít đã đem lại những điều kiện thuận lợi để nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách phát xít Nhật trong 5 năm, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp trong 87 năm, lật đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm; đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân làm chủ đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com