Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37

08:04, 07/04/2015

Phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng qua (6-4) tại Hà Nội và dự kiến diễn ra đến ngày 10-4. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thời gian làm việc ngắn nhưng khối lượng công việc rất lớn với việc cho ý kiến vào nhiều dự án luật quan trọng. Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới thành công hay không là do sự chuẩn bị từ bây giờ.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày thẩm tra sơ bộ về dự án Luật An toàn thông tin.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp.

Bảo vệ thông tin cá nhân phải là nội dung cơ bản

Theo khoản 15, Điều 3 của dự thảo Luật An toàn thông tin, thông tin cá nhân là “thông tin gắn với việc xác định rõ ràng danh tính, nhân thân của một con người cụ thể”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân là một vấn đề phức tạp; quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng là một nội dung cơ bản, quan trọng nhưng quy định trong dự thảo Luật có dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế.

“Cả giải thích thuật ngữ cũng như nội dung quy định tại chương này chưa có sự phân biệt trong việc thu thập, xử lý, sử dụng các thông tin do cá nhân thực hiện khai báo theo yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ (thu thập thông tin) với các thông tin cá nhân do cá nhân chủ động đưa lên mạng (ví dụ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh…). Do vậy, chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin này” - ông Dũng cho biết.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, Dự thảo cũng chưa chỉ ra được những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Hơn nữa theo các quy định liên quan tại dự thảo Luật thì có thể hiểu quy định này chỉ tập trung vào các việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức, cá nhân với mục đích thương mại, kinh doanh. Còn đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nhằm các mục đích khác hoặc do các cơ quan Nhà nước nắm giữ, xử lý lại chưa rõ cơ chế bảo vệ như thế nào.

Thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định có tính khả thi hơn về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở Bộ luật Dân sự, kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm, cần phải làm rõ khái niệm, nội hàm của an toàn, an ninh thông tin. Vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến mạng thông tin còn để trống, chưa biết làm thế nào. “Trong dự thảo Luật đề cập đến việc cấm các cơ quan cản trở trái pháp luật, vậy cản trở đúng pháp luật là cản trở như thế nào? Cơ quan, tổ chức nào có quyền cản trở và khi nào thì cản trở? Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề ai có quyền tự vệ khi bị tấn công?” - ông Ksor Phước đặt vấn đề.

Về các hành vi bị cấm, Chủ tịch Ksor Phước đề nghị cần phải làm rõ thêm vì “có cơ quan, tổ chức lợi dụng công cụ này để tò mò, khai thác bí mật của cơ quan khác hoặc của cá nhân”.

Nên thu hẹp lại phạm vi

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau từ thông tin bằng văn bản, thông tin bằng âm thanh hay thông tin được số hóa và được truyền đi dưới nhiều hình thức như truyền miệng, gửi văn bản hay truyền tải thông qua các phương tiện điện tử.

Điều 21 của Hiến pháp đã đề cập đến quyền được bảo đảm an toàn đối với thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Do đó, phạm vi thông tin cần được pháp luật bảo đảm an toàn là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng intetnet.

Trong khi đó, theo Tờ trình của Chính phủ và phần lớn nội dung của dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng (bao gồm mạng viễn thông và mạng internet). Việc bảo vệ thông tin được thu thập, lưu giữ, phổ biến qua các hình thức khác đã hoặc sẽ được quy định trong các văn bản pháp luật khác (như Luật Bưu chính, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước…). Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Luật thành Luật An toàn thông tin mạng hoặc Luật An toàn thông tin điện tử để bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa an toàn thông tin với an ninh thông tin; giữa bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt vấn đề, theo tờ trình của Chính phủ, một trong những mục đích ban hành Luật An toàn thông tin là để bảo đảm an ninh quốc gia. Vậy mục đích xây dựng luật có làm an ninh thông tin hay không? Nội dung dự thảo luật cũng đã có nội hàm liên quan đến an ninh thông tin.

“Vừa rồi, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) đã thảo luận và có nghị quyết về chiến tranh mạng. Quốc tế cũng chưa đưa ra định nghĩa chung về chiến tranh mạng, song nội hàm của nghị quyết này đề cập đến vấn đề an ninh thông tin. Vậy trong Luật An toàn thông tin có điều chỉnh, cập nhật theo tinh thần của IPU-132 vừa rồi hay không?” - ông Khoa đặt câu hỏi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chưa đánh giá rõ hơn các quy định của dự thảo Luật có xung đột với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc các cam kết tới đây Việt Nam hội nhập hay không.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng tên dự án luật có phạm vi rất rộng, gắn với cuộc sống, chỉ đạo, điều hành, cá nhân nhưng nội dung chủ yếu đề cập an toàn thông tin mạng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc ý kiến của cơ quan thẩm tra đổi tên bằng tên Luật An toàn thông tin mạng./.

Theo vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com