Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, sáng 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trình UBTVQH gồm 21 Chương, 316 Điều. So với Luật Tố tụng hành chính hiện hành, dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) giữ nguyên 131 Điều; sửa đổi, bổ sung 134 Điều của Luật Tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 51 Điều mới.
Đáng lưu ý, để khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tiễn xét xử của các Toà án, dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 như: Nguyên tắc tranh tụng; áp dụng án lệ; bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử; xét xử theo thủ tục rút gọn…
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện cho biết, qua thẩm tra, UBTP cơ bản tán thành với nhiều nội dung được nêu trong các quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật. UBTP thấy rằng đây là dự án Luật sửa đổi, bổ sung, vì vậy cần quán triệt quan điểm chỉ những vấn đề nào bất cập trong thực tiễn, đã có sự tổng kết, đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng thì mới sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.
Tuy nhiên, trong số các vấn đề còn có ý kiến khác biệt giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra, ông Hiện cho biết, đa số ý kiến UBTP không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. (Cụ thể, dự thảo Luật có quy định “Trong trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện”).
“Quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện bình luận.
Một điểm đáng lưu ý khác liên quan đến địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng hành chính. Theo ông Hiện, đa số ý kiến UBTP cho rằng, trong tố tụng hành chính, VKSND không phải là cơ quan tiến hành tố tụng mà là cơ quan tham gia tố tụng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn tham gia phiên tòa, phiên họp trong tố tụng hành chính của VKSND, đa số ý kiến UBTP đề nghị giữ như quy định hiện hành. Chỉ có một số ý kiến đề nghị VKSND có quyền đề nghị TAND áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án hành chính, đề nghị Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận khởi kiện…
Tại cuộc thảo luận, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tuy nhận được ý kiến đồng tình của cơ quan thẩm tra, song Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: “Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. Tuy nhiên, dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) mới chỉ quy định thủ tục rút gọn ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là chưa phù hợp”.
Mặt khác, dự thảo cần làm rõ được các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn (vụ án có tính chất đơn giản, rõ ràng, vụ án không có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các bên đương sự đồng ý xét xử theo thủ tục rút gọn...) đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng (hiện quy định như dự thảo là còn rất hẹp, chỉ áp dụng đối với khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính).
Ngoài ra, UBTP không đồng ý với quy định trong dự thảo mà theo đó thì bản án, quyết định sơ thẩm xét xử theo thủ tục rút gọn không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm được cơ quan thẩm tra nhìn nhận là không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014: “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”./.
Theo SGGP