Tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi "Toàn dân tập thể dục" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

04:03, 28/03/2015

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương khôi phục đất nước; trong đó có lĩnh vực chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm” đồng thời coi trọng việc tập luyện TDTT để nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, đồng thời trong ngày này, Người viết bài “Sức khoẻ và thể dục” đăng trên Báo Cứu quốc kêu gọi đồng bào cả nước tham gia tập luyện thể dục để tăng cường sức khoẻ. Bác viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Rước kiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 tại Thành phố Nam Định.
Rước kiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 tại Thành phố Nam Định.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”. Lời kêu gọi “Toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác động sâu sắc tới mọi người dân. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bác vẫn giữ được nếp luyện tập thể dục hằng ngày, là tấm gương cho người dân về tập thể dục. Năm 1959, Bác đến dự Đại hội TDTT toàn miền Bắc và phát động phong trào thể dục - vệ sinh yêu nước. Năm 1960, Bác gửi thư tới Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc nhắc nhở, động viên: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập TDTT. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào TDTT cho rộng khắp”. Để cụ thể hoá tư tưởng của Bác về “Dân cường nước thịnh”, ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 là “Ngày Thể thao Việt Nam” và được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. Trong thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển phong trào TDTT để thực hiện “Lời kêu gọi tập thể dục” của Bác Hồ như: Phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Xác định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động TDTT trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Việc phê duyệt chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định 641/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”…, đã góp phần định hướng, đưa phong trào TDTT cả nước phát triển lên tầm cao mới.

Hưởng ứng “Lời kêu gọi tập thể dục” của Hồ Chủ tịch, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào TDTT tỉnh ta đã sôi nổi ở khắp các xã, phường, thị trấn với tinh thần “Khoẻ vì nước”, “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên nền tảng phong trào TDTT đó đã xuất hiện nhiều gương mặt VĐV tài năng, thi đấu giành nhiều vinh quang trên các đấu trường thể thao quốc tế và khu vực như các VĐV: Vũ Thị Sen, Vũ Thị Men, Lâm Văn Tình, Hoàng Văn Sách…, trong đó nữ kiện tướng Vũ Thị Sen là người đầu tiên mang về cho thể thao Việt Nam tấm HCV quốc tế ở nội dung thi 200m bơi ếch tại Đại hội thể thao Ganefo châu Á năm 1966 và vinh dự được Bác Hồ gặp gỡ, biểu dương. Bước vào thời kỳ đổi mới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đưa phong trào TDTT ngày càng phát triển, trở thành nhu cầu không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phong trào TDTT tỉnh như Quyết định số 1231/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 23-5-2006 phê duyệt “Đề án xã hội hóa TDTT”; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 4- 6-2012 của UBND tỉnh về việc “Thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, “Đề án phát triển TDTT tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”… Với sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành, việc xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động TDTT được quan tâm đầu tư, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động thi đấu thể thao như: nhà tập luyện cầu lông, sân bóng đá, sân bóng chuyền, bàn bóng bàn, NVH thôn, NVH xã và duy trì tập luyện, tham gia thi đấu từ giải xã đến giải tỉnh. Đến nay, ở 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có gần 1.000 sân bóng đá mi ni, hơn 1.000 sân thể thao ngoài trời, bình quân 2 m2/người. Hệ thống cơ sở vật chất cho thi đấu thể thao thành tích cao như SVĐ Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Bể bơi Trần Khánh Dư được xây dựng, hoàn thành năm 2002; Cung Thể thao tỉnh gồm Nhà thi đấu đa năng và Bể bơi có mái che với tổng giá trị đầu tư trên 1.000 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2014 đã đưa tỉnh ta là một trong những địa phương có cơ sở vật chất hàng đầu cả nước. Với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, tỉnh ta đã được tín nhiệm đăng cai và tổ chức nhiều hoạt động TDTT cấp quốc gia, châu lục như: SEA Games 22, Vòng loại bóng đá châu Á năm 2004, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2004, 2005… Đặc biệt, năm 2014, tỉnh ta đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và 2 ngành: Công an, Quân đội đã góp phần nâng cao vị thế của thể thao tỉnh trên cả nước. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng đạt nhiều thành tựu. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường được đẩy mạnh, số trường thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất nội khóa và hoạt động ngoại khóa đạt gần 100%. Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang luôn được quan tâm và phát triển mạnh mẽ với các môn thể thao: võ thuật, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, quần vợt, bóng đá, bắn súng, bơi, chạy vũ trang nhằm phục vụ trực tiếp cho tác nghiệp chuyên môn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Phong trào TDTT trong cán bộ, CNVC những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị tập luyện, hằng năm các ngành đều tổ chức hội thao chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước, của ngành. Các giải TDTT phong trào ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức khoảng 650 cuộc thi đấu thể thao cấp cơ sở, 140 cuộc thi đấu thể thao cấp huyện, thành phố, 25 cuộc thi đấu thể thao cấp tỉnh gắn với các ngày lễ, tết và những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Hoạt động TDTT ở cơ sở đã bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Đại hội TDTT các cấp trong tỉnh lần thứ V-2005, lần thứ VI-2009, lần thứ VII-2013 có 100% xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức. Với những nỗ lực trong phát triển phong trào TDTT cơ sở, đến năm 2014, toàn tỉnh có 29,5% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; 18,5% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 1.470 CLB thể thao với hàng chục nghìn hội viên. Nhiều CLB chi từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng cho một giải đấu bằng nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như bơi chải, đấu vật, cờ tướng… được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện khôi phục, phát triển trở lại. Thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ là nền tảng vững chắc đưa thể thao thành tích cao của tỉnh gặt hái nhiều thành công. Trung bình mỗi năm các đoàn thể thao tỉnh đạt khoảng 100 huy chương quốc gia, quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trên toàn quốc, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam. Hiện tại, toàn tỉnh có 30 VĐV đạt cấp Kiện tướng, 25 VĐV đạt cấp I, trong đó nhiều VĐV có thành tích xuất sắc như Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Phạm Như Quỳnh, Lê Thuỳ Dung (bơi lội)… Chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2015), các ngành, địa phương trong tỉnh sôi nổi tổ chức phát động “Ngày chạy Ô-lim-pích vì sức khoẻ toàn dân năm 2015”, các hoạt động thi đấu thể thao như chạy việt dã, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, cờ tướng…, góp phần thu hút nhân dân tham gia, qua đó tăng cường sự đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Phong trào TDTT trong tỉnh mặc dù có bước phát triển tích cực nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ở một số nơi, các cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức được vai trò, tác dụng của sự nghiệp TDTT. Nguồn kinh phí sự nghiệp dành cho hoạt động văn hóa, thông tin, TDTT cấp xã quá thấp, nhiều nơi không đủ chi cho các hoạt động thể thao, đầu tư hệ thống sân bãi, dụng cụ tập luyện. Ở cấp huyện, kinh phí để tổ chức các giải thể thao không nhiều. Việc huy động các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, nhân dân cho hoạt động TDTT vẫn còn hạn chế. Thể thao thành tích cao mới chỉ tập trung môn bóng đá, điền kinh… trong khi các bộ môn khác còn bỏ ngỏ. Công tác đào tạo VĐV đang có dấu hiệu bị “hụt hơi” so với các tỉnh bạn, thể hiện rõ ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014… Để tiếp tục đưa phong trào TDTT tỉnh ngày càng phát triển, trong thời gian tới các ngành, các huyện, thành phố cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác TDTT trong cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và cán bộ VH-TT-TT về vai trò của hoạt động TDTT; hướng dẫn các đối tượng quần chúng tập luyện, tham gia thi đấu TDTT. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan văn hóa, phong trào xây dựng NTM. Phát triển các CLB, nhóm, tổ từng môn hoặc nhiều môn thể thao như cầu lông, bóng đá, điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, cờ tướng, bóng bàn, quần vợt, thể dục thẩm mỹ, thể dục thể hình, yoga, thể dục dưỡng sinh... ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xã, phường, thị trấn. Khuyến khích thành lập các đội thể thao, các CLB thể thao ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn và hỗ trợ phát triển TDTT cho người khuyết tật, người cao tuổi, các chức sắc tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ HLV, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT của người khuyết tật. Duy trì và hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao quần chúng ở các địa phương theo chu kỳ hằng năm chào mừng các ngày lễ lớn và hội thao chào mừng ngày truyền thống của ngành. Đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao trong quần thể trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã, thôn, tổ dân phố. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phát triển TDTT. Xây dựng các mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại các thôn, xóm. Phấn đấu đến năm 2020, số người tập luyện thể thao thường xuyên của tỉnh đạt 35% dân số, số gia đình thể thao đạt 25% tổng số gia đình trong tỉnh, toàn tỉnh có 2.300 CLB thể thao; đất dành cho hoạt động TDTT bình quân chung toàn tỉnh đạt 2,5 m2/người. Về phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, cần đổi mới cơ chế tổ chức, nội dung tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp, ứng dụng KHCN và y học thể thao vào tuyển chọn VĐV, đào tạo tài năng thể thao. Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công tác đào tạo tài năng thể thao thành tích cao; đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao để tham dự và giành thành tích cao ở các giải quốc gia, quốc tế hằng năm, hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII-2018.

Lời kêu gọi “Toàn dân tập thể dục” của Hồ Chủ tịch với tư tưởng “Dân cường thì nước thịnh” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 69 năm đồng hành cùng đất nước, đưa hoạt động TDTT trở thành một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta để đất nước ngày càng phát triển./.     

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com