Trong những ngày cả nước thi đua lập thành tích mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2015), chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Mạnh Thường, người đảng viên tiêu biểu ở thôn Hải Lạng Trang, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), đúng dịp ông vừa dọn về ở trong căn nhà mới khang trang. Cả cuộc đời phục vụ cách mạng, ở tuổi 94, ông được Đảng, Nhà nước hỗ trợ xây nhà theo diện người tham gia hoạt động kháng chiến, trên nền căn nhà cũ đã xuống cấp. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông khẳng định, con đường đến với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc của ông như một sự tất yếu.
Đảng viên 65 tuổi Đảng Đỗ Mạnh Thường, thôn Hải Lạng Trang, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng). |
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, năm 17 tuổi, ông xây dựng gia đình, nhưng chồng làm tá điền, vợ đi làm thuê vất vả quanh năm không đủ ăn. Năm 1938, ông vào Sài Gòn tính kế sinh nhai. Nhận thấy ở đâu cũng phải chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, đời sống khổ cực, được anh trai là Đỗ Văn Ngũ đang tham gia hoạt động cách mạng giáo dục, ông muốn đi theo anh trai. Đúng thời điểm này, ông Ngũ bị mật thám phát hiện, truy tìm gắt gao nên hai anh em phải về quê. Đến tháng 2-1944, hai anh em ông tìm lên Đại Từ (Thái Nguyên), bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Được giới thiệu vào Đội Thanh niên tự vệ, ông Thường tham gia cùng đồng đội và nhân dân địa phương cướp kho thóc của Nhật bí mật chuyển vào chiến khu La Bằng; phá cầu cản quân Nhật tấn công càn quét. Tháng 6-1945, hai anh em ông về quê gây dựng cơ sở cách mạng. Ông Thường được tổ chức giao phụ trách việc gây dựng cơ sở ở thôn Hải Lạng Trang. Ông đã tuyên truyền, giáo dục và xây dựng được đội thanh niên tự vệ ở thôn gồm 15 đồng chí. Thời điểm đó, giặc Pháp cho lập bốt gác ở phố Hải Lạng với ý đồ đàn áp tinh thần chống Pháp của nhân dân địa phương. Ông Thường đã thuyết phục các đồng đội giữ vững niềm tin, không lung lạc tinh thần, đồng thời dựa vào bà con chòm xóm để đấu tranh với địch. Tối 21-8-1945, đội tự vệ thôn được lệnh tham gia cùng bộ đội chủ lực tấn công lấy Phủ Nghĩa Hưng. Ngay sáng 22-8-1948, các đội tự vệ của xã Nghĩa Thịnh (trước đây là xã Nghĩa Hiệp và xã Vĩnh Thanh) theo lệnh của cấp trên đồng loạt cùng các địa phương khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Cách mạng, ông Thường là thành viên Ủy ban. Năm 1946, ông được giao làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, phụ trách chính trị viên xã đội. Năm 1949, ở tuổi 28, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông Đỗ Mạnh Thường đảm nhận nhiều công việc khác nhau: Bí thư Đảng bộ xã, Bí thư Nông hội huyện, Phó Chủ tịch rồi Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hưng… Ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đến năm 1981, ông nghỉ hưu trở về quê. Kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ già yếu, ông lại cùng vợ nhận thêm ruộng, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho các con. Đặc biệt, ông luôn giáo dục con cháu về truyền thống hào hùng của dân tộc, khuyên bảo các con cháu phải sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của ông cha trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích trong tham gia kháng chiến chống Pháp và trong công tác, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác. Trong đợt 2-9-2014, ông Đỗ Mạnh Thường vinh dự được trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng./.
Bài và ảnh: Minh Tân