Mùa xuân này là mùa xuân thứ 55 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trồng cây mừng Đảng, mừng Xuân. Cũng từ đấy, một phong tục đẹp “Tết trồng cây” đã hình thành trong đời sống, sản xuất của nhân dân.
Tết trồng cây đầu tiên và phong tục mới, tốt đẹp của mùa xuân
Mùa xuân năm 1960 có ý nghĩa quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Đại hội lần thứ III của Đảng được tổ chức để đề ra đường lối cho cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào thi đua lao động sản xuất của nhân dân sôi nổi khắp nơi. Một phong trào mới là Tết trồng cây mừng Đảng, mừng Xuân do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp phát động đã được nhân dân hưởng ứng và từ đó trở thành một phong tục đẹp trong mùa xuân của đất nước.
Để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào việc trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí làm công tác tuyên truyền và Người đã làm gương cho mọi người.
Lời kêu gọi: “Tết trồng cây” là bài báo Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ký bút danh Trần Lực đăng trên Báo Nhân Dân ra ngày 28-11-1959. Đây cũng là bài báo đầu tiên trong số bốn bài báo Người viết về cùng một đề tài, cùng một bút danh trong cuộc đời của Bác. Trong bài báo ấy, Bác Hồ đề nghị tổ chức Tết trồng cây lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi: Hằng năm, đồng bào nên tổ chức một đợt trồng cây vào mùa xuân. Người nêu lên việc trồng cây tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều, có gỗ để làm nhà, góp phần cải tạo thiên nhiên, môi trường và làm giàu cho Tổ quốc.
Mùa xuân năm 1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân còn ghi đậm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô trồng cây ở Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Đó là buổi sáng 11-1-1960. Trong khi hàng nghìn người dân Hà Nội đang đào hố để trồng cây thì Bác đến. Bác chào mọi người rồi nhanh nhẹn cầm lấy xẻng, xúc đất, vun cho một cây đa nhỏ vừa được đặt xuống hố.
Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây ở đây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước, nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.
Năm mươi lăm mùa xuân kể từ ngày ấy, bây giờ, Công viên Thống Nhất là một khu vui chơi giải trí lớn của Thủ đô Hà Nội, quanh năm rợp bóng cây xanh. Kỷ niệm về Tết trồng cây đầu tiên của Bác giờ đây là một cây đa đã lên xanh tốt, tỏa bóng sum suê bên hồ nước.
Từ đó, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến là Bác đi thăm đồng bào, chiến sĩ, cùng nhân dân trồng cây và khuyên bảo mọi người:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Mùa xuân năm 1969 là mùa xuân cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Người. Mặc dù không được khỏe, sáng mồng một Tết năm Kỷ Dậu 1969, sau khi đi chúc Tết, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không không quân tại Sân bay Bạch Mai, Hà Nội, Bác Hồ đến thăm và chúc Tết đảng bộ, nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Buổi trưa hôm ấy, Bác cùng nhân dân xã Vật Lại lên đồi Yên Bồ trồng cây lưu niệm.
Xuân này Bác Hồ kính yêu đã đi xa 45 năm. Nhưng những lời dạy bảo của Người về lợi ích của việc trồng cây sẽ còn mãi mãi. Những năm gần đây, thiên tai gây nên mất mát, tổn thất to lớn, tìm nguyên nhân, ý kiến của nhiều nhà khoa học thống nhất cho là diện tích rừng, nhất là rừng đầu nguồn đã bị tàn phá nặng nề. Thực tế ấy cũng cho chúng ta thấy thêm ý nghĩa sâu sắc trong những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài báo: “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” đăng Báo Nhân Dân ngày 25-3-1960 và bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 28-1-1961. Người chỉ ra rằng, có nhiều nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ là một đợt mà một năm thôi, chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và hiện thực. Do đó, trong đợt một thì làm ào ạt, về sau có vẻ nguội dần. Phải làm đúng khẩu hiệu: Trồng cây nào tốt cây ấy. Điều này mùa xuân năm 1969 trong bài báo “Tết trồng cây” đăng Báo Nhân Dân ngày 5-2-1969, Bác Hồ viết với một tầm nhìn xa, trông rộng của vấn đề: Trồng cây gây rừng, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, quốc phòng mà còn là để bảo vệ sản xuất như chắn gió, chống xói mòn, chống cát bay…
Trồng cây, gây rừng để cho đất nước càng ngày càng xuân
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều về hiệu quả trồng cây bảo vệ sản xuất và đời sống cho nhân dân. Người biểu dương những địa phương có phong trào mạnh, làm tốt việc trồng cây, bảo vệ cây, trồng cây nào sống cây ấy. Song Bác cũng phê bình không ít nơi trồng cây gây rừng chưa tốt cho nên diện tích đồi trọc còn nhiều. Bác chỉ ra nguyên nhân quan trọng là do cấp ủy và chính quyền những nơi đó chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp, kế hoạch lãnh đạo việc trồng cây, bảo vệ cây.
Biến đổi khí hậu, hậu quả của việc con người hủy hoại thiên nhiên, khai thác tàn phá tài nguyên, môi trường đã trở thành vấn đề của toàn nhân loại hiện nay. Việt Nam là một số ít nước được cảnh báo là nơi bị tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu.
Thực tế hậu quả do thiên tai gây ra cho đất nước ta như: biến đổi khí hậu, thiên tai là hết sức nặng nề. Bão, lũ, hạn hán, nước biển dâng… ngày càng khốc liệt làm cho cuộc sống của nhân dân ở những vùng bị tác động ngày thêm khó khăn, công cuộc xây dựng đất nước cũng bị tổn thất nặng nề…
Trong bối cảnh bị thiên tai nặng nề, khi đọc lại những bài báo Bác viết về Tết trồng cây, một giải pháp cần làm, thiết thực ngăn chặn thiệt hại do thiên tai gây ra đối với nhân dân ta nói chung và nhân dân các tỉnh ven biển, các tỉnh miền núi bị lũ lụt nói riêng là tập trung nguồn lực bảo vệ rừng hiện có và tích cực trồng rừng mới. Một hệ thống chính sách đồng bộ để phát triển rừng là vấn đề Nhà nước cần hoàn chỉnh sớm. Nên có quy hoạch lại đất đai, nhất là đất rừng, đất nông nghiệp, gắn quy hoạch đất đai với quy hoạch lại dân cư trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với tầm nhìn xa trong việc chống biến đổi khí hậu. Chương trình trồng 5 triệu ha rừng mà Chính phủ đề ra cần triển khai có trọng điểm. Và, cần tổng kết thực tiễn chính sách giao đất rừng cho nông dân để người dân có thể sống tốt với nghề rừng và có thể giàu lên từ nghề rừng. Nhất là các mô hình trồng rừng và bảo vệ rừng hiệu quả hiện nay. Nên tập trung cho vùng núi, vùng biển những ưu tiên về các chính sách để chống biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống cư dân ở những nơi đó như: xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đào tạo kỹ năng cho dân về chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, cùng hệ thống thông tin và cảnh báo thiên tai đến tận người dân… Xây dựng thể chế bảo đảm công bằng, dân chủ trong phân phối nguồn vốn và ăn chia trong các dự án trồng rừng, chống biến đổi khí hậu. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với trồng rừng, người làm rừng phải được bảo đảm cuộc sống để nuôi sống rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng trồng. Chúng ta có thể huy động lực lượng thanh niên trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trồng rừng, bảo vệ rừng, nhất là ở các vùng biên giới, hải đảo. Đặc biệt, phải có những giải pháp mạnh đối với những lực lượng phá hoại rừng, chặt rừng đầu nguồn, phá hoại môi trường sống…
Việc phát triển thủy điện như hiện nay cũng làm cho diện tích rừng của đất nước bị giảm đi, mặc dù đã có quy định việc trồng rừng thay thế nhưng việc trồng rừng thay thế không đáng kể. Hệ lụy của việc phát triển thủy điện không làm đúng như quy hoạch đã gây ra nhiều khó khăn cho dân, nhất là ở vùng xả lũ. Nên chăng phải tính toán và cân đối lại việc khai thác nguồn tài nguyên thủy điện của quốc gia. Không thể vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại tài nguyên, nguồn sống lâu dài của các thế hệ tương lai. Trong vấn đề này, chúng ta cần phát triển và nắm vững khoa học công nghệ tái tạo các nguồn năng lượng, nhất là có thể phát triển mạnh các công nghệ làm ra năng lượng từ mặt trời, gió và các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Những năm qua, đất nước ta đã phải đối mặt với những khó khăn mới trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu. Trong những công việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, việc đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế xanh… có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Chúng ta hãy cố gắng thực hiện lời Bác Hồ dạy, trồng cây gây rừng, trồng cây nào tốt cây ấy để cho đất nước ta càng ngày càng xuân./.
TS Phạm Văn Khánh