Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN sẽ ra mắt vào cuối năm 2015. Các thành viên ASEAN đang nỗ lực hoàn thiện AEC nhằm tạo một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài.
Với sự nỗ lực chung của Hiệp hội, đến nay, lộ trình xây dựng AEC đã thực thi được 81% khối lượng công việc, chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng này vào ngày 31-12-2015. AEC ra đời sẽ gộp nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo một thị trường chung của khu vực có số dân là 600 triệu người và GDP hằng năm ước đạt 3.000 tỷ USD. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, AEC có thể tạo thêm 14 triệu việc làm mới và thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng hằng năm của khu vực Đông Nam Á lên 7,1% vào năm 2025. Các nền kinh tế Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua, đồng thời "sản sinh" hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu mới và thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực. Giai đoạn "nước rút" 2014-2015 để tiến tới AEC đòi hỏi các doanh nghiệp của khối, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể chỉ bó hẹp tầm nhìn trong tỉnh, thành phố hay trong phạm vi quốc gia mà cần phải vươn ra toàn cầu.
Nhật báo Thời báo Eo biển của Xinh-ga-po dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Đông Nam Á mới đây cho biết, 80% số doanh nghiệp khi được hỏi đều tin tưởng AEC sẽ mở ra cơ hội kinh doanh tốt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của họ; 70% số này tin tưởng sự cạnh tranh gay gắt hơn sẽ khuyến khích các Cty ASEAN tham gia nhiều hơn vào thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp Đông Nam Á sẽ phải tích cực hơn vì sự hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng sẽ tạo cơ sở mới cho sự tăng trưởng của từng thành viên và của cả khu vực. Ma-lai-xi-a sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào thời điểm cực kỳ quan trọng khi mà AEC trở thành hiện thực. Bộ trưởng thuộc Văn phòng Thủ tướng Ma-lai-xi-a O.Ô-ma cho biết, nước này sẽ được hưởng lợi lớn từ AEC khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2015. Theo đó, Ma-lai-xi-a đặt mục tiêu xây dựng đất nước trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á, một nền kinh tế phát triển mạnh và một môi trường dành ưu tiên cho các hoạt động thương mại nhằm tăng cường vai trò là một cửa ngõ đầu tư vào các nước ASEAN.
Các quốc gia thành viên ASEAN đặt quyết tâm cao nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc tạo các dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và nguồn vốn phù hợp lộ trình đã được vạch ra trong kế hoạch thành lập AEC. Các nước ASEAN nhiều lần khẳng định cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn tại khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN đã và đang tiến hành đàm phán thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) ASEAN với các đối tác bên ngoài cũng như về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm mở rộng và làm sâu sắc quan hệ kinh tế giữa ASEAN với các đối tác FTA trong tương lai.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, từ nay đến cuối năm 2015 và các năm tiếp theo, các nước trong khu vực vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm AEC hình thành và hoạt động suôn sẻ. Đó là cần tiếp tục loại bỏ hàng rào thuế quan, cải cách để ASEAN trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn và làm giảm khoảng cách giữa hai nhóm nước trong ASEAN, gồm nhóm ASEAN-4 và ASEAN-6. Sau năm 2015, ASEAN cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để hướng đến một nền kinh tế chung tốt nhất về mặt pháp lý, thể chế, phản ứng nhanh, đối phó tốt với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu./.
Theo Nhân dân