Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

08:01, 06/01/2015

LTS - Ngày 25-12-2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn Nghị quyết.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 390/TTr-CP ngày 12-10-2014 về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi),

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Điều 2. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Điều 3. Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân

1. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

2. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

3. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Điều 4. Đối tượng, nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân

1. Đối tượng lấy ý kiến:

Các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Nội dung lấy ý kiến:

Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đăng Báo Nhân Dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp.

3. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân:

a) Góp ý trực tiếp bằng văn bản;
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
c) Thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
d) Các hình thức phù hợp khác.

4. Ý kiến của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gửi đến cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này hoặc Bộ Tư pháp theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc theo hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn.

Điều 5. Trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến

1. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến và báo cáo kết quả lấy ý kiến của cơ quan mình, ngành mình.

2. TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao tổ chức lấy ý kiến TAND các cấp, Viện KSND các cấp và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến, gửi Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp.

3. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ và các thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến tại địa phương mình, gửi Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp.

4. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức lấy ý kiến và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến gửi Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp.

5. Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, phản ánh các nội dung liên quan đến dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để cung cấp thông tin phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và đưa tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân. Trường hợp xây dựng chuyên mục góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì tổng hợp ý kiến góp ý trong chuyên mục.

Điều 6. Thời gian lấy ý kiến nhân dân

1. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5-1-2015 và kết thúc vào ngày 5-4-2015.

2. Sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 9 năm 2015 theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc theo hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Chính phủ xác định các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết này và tổ chức công bố dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân.

2. Cơ quan, tổ chức quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 5 của Nghị quyết này, căn cứ vào Nghị quyết này, Kế hoạch của Chính phủ và tình hình cụ thể của cơ quan, tổ chức, địa phương mình xây dựng Kế hoạch thực hiện và triển khai tổ chức việc lấy ý kiến, bảo đảm yêu cầu, tiến độ.

3. Báo cáo kết quả lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này gửi về Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) trước ngày 15-4-2015.

4. Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

5. Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định hiện hành./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com