Quần đảo Hoàng Sa trong châu bản triều Minh Mệnh và Thiệu Trị
Dưới hai triều Minh Mệnh (1820-1840) và Thiệu Trị (1841-1847), vua tôi nhà Nguyễn luôn thể hiện trách nhiệm cao trước tổ tiên và trăm họ về chủ quyền của Đại Nam (tên nước ta lúc đó) tại quần đảo Hoàng Sa. Châu bản của các triều vua này đã phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến việc xác lập chủ quyền như: sai người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, quy định chế độ thưởng phạt cho quan binh được sai phái ra quần đảo Hoàng Sa...
Trước đó, từ năm 1816, đích thân Vua Gia Long đã cử đơn vị thủy quân đi thuyền tới quần đảo Hoàng Sa, cắm cờ trên đảo, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Đại Nam tại đây. Về sau, Vua Minh Mạng tự tay dùng bút phê vào từng tờ tấu của các bộ, thể hiện sự quan tâm trực tiếp, sâu sắc, có trách nhiệm và thường xuyên của người lãnh đạo cao nhất nước đối với vấn đề Hoàng Sa và chủ quyền đất nước. Bộ Công hằng năm phái binh thuyền (có trang bị vũ khí) đến Hoàng Sa, để quản lý cương hải nước nhà.
Dưới đây là một số châu bản tiêu biểu về việc thực thi quyền chủ quyền của vua quan triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.
Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)
Ngày 27 tháng 6
Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)
Tác giả: Nguyễn Văn Ngữ, chức Thủ ngự Đà Nẵng
Nơi lưu trữ: Trung tâm lưu trữ quốc gia I
Ký hiệu: Quyển 43, tờ 58
Dịch nghĩa:
Thần là Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc:
Giờ Dần ngày 20 tháng này, chủ thuyền buôn Phú Lãng Sa1 là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Lữ Tống2 buôn bán, việc đã tâu báo. Giờ Dần ngày 27 chợt thấy Tài phó Y-đóa và 11 thủy thủ đi một chiếc thuyền nhẹ vào cửa tấn3, nói canh hai ngày 21 tháng này, thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn tám thước. Thương thuyền đã bàn bạc dọn gấp hai rương4 tiền bạc công cùng một số dụng cụ, lương ăn, chia nhau lên hai chiếc thuyền nhỏ theo gió trở về bờ. Nhưng thuyền của Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, tiền bạc đi sau chưa thấy về. Thần lập tức sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm. Nay xin tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn. Còn các phái viên là bọn Lê Quang Quỳnh đều nói bị mệt, kiệt sức, xin nghỉ ngơi vài hôm, sau khi bình phục sẽ lập tức về kinh để thi hành công vụ. Thần xin soạn tập tâu, kính cẩn tâu trình đầy đủ. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu.
Thần Nguyễn Văn Ngữ ký
[văn bản] có ấn của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng và Ngự tiền chi bảo
Chú thích:
1. Tức nước Pháp
2. Tức Phi Luật Tân
3. Thuật ngữ chỉ cửa biển
4. Rương: hòm
Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)
Ngày 27 tháng 6
Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)
Xuất xứ: Nội các
Nơi lưu trữ: Trung tâm lưu trữ quốc gia I
Ký hiệu: Quyển 43, tờ 61
Dịch nghĩa:
Thần Nguyễn Văn Ngữ, chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc:
Giờ Dần ngày 20 tháng này, chủ thuyền buôn nước Pháp là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Lữ Tống1 buôn bán, việc đã tâu báo. Giờ Dần ngày 27 chợt thấy Tài phó Y-đóa và 11 thủy thủ đi một chiếc thuyền nhẹ vào cửa tấn, nói canh hai ngày 21 tháng này thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn tám thước. Thương thuyền cùng bàn bạc chọn lấy hai rương tiền bạc công cùng một số dụng cụ, lương ăn, chia nhau lên hai chiếc thuyền nhỏ theo gió trở về. Nhưng thuyền của Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, tiền bạc đi sau chưa về. Thần lập tức sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm, việc đã báo lên. Đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn. Còn các phái viên là bọn Lê Quang Quỳnh đều nói bị mệt mỏi kiệt sức, mắc bệnh xin nghỉ ngơi vài hôm, sau khi bình phục sẽ lập tức về kinh để thi hành công vụ. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu.
Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)
Châu phê: Lãm (đã xem)
Ngày 28 tháng này vâng mệnh châu phê. Quan làm việc ở Nội các là Thị lang Hà Tông Quyền, Trương Đăng Quế vâng mệnh sao và xác nhận gửi cho thương thuyền.
Chú thích:
1. Lữ Tống: nay là Phi Luật Tân
Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837)
Ngày 13 tháng 7
Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837)
Xuất xứ: Bộ Công
Nơi lưu trữ: Trung tâm lưu trữ quốc gia I
Ký hiệu: Quyển số 57, tờ 244
Dịch nghĩa:
Bộ Công tâu:
Các viên Thủy sư Phạm Văn Biện do kinh sai phái, viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực do tỉnh sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn, đã có chỉ trách phạt, đánh đòn. Tất cả binh, dân thuyền được sai phái đi (Quảng Ngãi hai thuyền, Bình Định hai thuyền) đều cho về đơn vị cũ, nơi chốn cũ. Duy có việc Bộ thần đã xem xét công việc năm ngoái, các viên Quản suất, dẫn đường được sai phái đi Hoàng Sa thực hiện công vụ, khi trở về không mang theo bản đồ bị trách phạt, còn binh, đinh được thưởng một tháng lương tiền, dân phu được thưởng tiền hai quan.
Lần này trở về, trừ bốn viên là bọn Phạm Văn Biện đã bị trách phạt không cần nghị bàn thêm, còn các viên binh dân chiếu theo lệ ban thưởng gia ân, nhưng việc ban thưởng do bề trên quyết định, bộ thần không giám nghĩ bàn, duy có viên Giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, đã được sai đi hiệu lực, năm ngoái lại được sai phái đi hiệu lực ở Hoàng Sa, khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, vâng theo chỉ chuẩn cho giữ nguyên án phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu thì xét xử), lần này xét xử viên đó thế nào, xin tâu trình đợi chỉ.
Châu phê:
Vi binh tái sĩ sai phái (cho về làm lính, đợi sai phái tiếp)1
Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo
Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt
Chú thích:
1. Dòng châu phê được viết cạnh tên Trương Viết Soái
[links()]