Hoàng Sa - Vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

09:01, 09/01/2015

[links()]

Tài liệu, thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa

Văn bản phát hiện ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Lược dịch

“Nguyên Quý Hợi (1743), phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tín ở chỗ giáp ranh, kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758), khoản của thuyền thủ Trương phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện.

Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vỏ tàu, nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vỏ tàu ấy, phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy, giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19-9 năm Cảnh Hưng 20 (1759)”.

(Nguồn: Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao).
(Nguồn: Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao).

Đây là văn bản xử lý vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (nay là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường An Bằng (nay là xã Vinh An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Văn bản này cho thấy, năm 1759, Nhà nước Đại Việt thời Hậu Lê, dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786) đã có đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc bằng chữ Hán được viết trên giấy dó, nay được tìm thấy tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, được cất giữ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chính sử triều Nguyễn (bản in và mộc bản)

Bản chụp 1 trang văn bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, Q.10, ký hiệu A.2772/1-67, lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1 ghi chép về thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, vào năm Giáp Tuất (1734) có chép:

“Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư (cám ơn). (Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hoá vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hoá vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản)”.

(Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 164).

Bản chụp 2 trang văn bản sách Đại Nam thực lục chính biên, Q.165, ký hiệu R.777, lưu trữ tại Thư viện quốc gia Việt Nam

Sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 165, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại:

Bộ Công tâu nói: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ Giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.

Vua y lời tâu. Sai Suất đội Thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

(Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, bản dịch của Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 867).

Tờ lệnh của họ Đặng ở đảo Lý Sơn

Công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Đây là tờ lệnh cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định.

(Nguồn: Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao).
(Nguồn: Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao).

Tờ lệnh ghi rõ: “Các phái viên và lính thuỷ đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Xem xét và tuyển chọn trong tỉnh ba thuyền tốt cùng với các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thông thạo đường biển để sung làm thuỷ thủ trên thuyền… Cứ hạ tuần tháng ba thuận thời tiết mà đi”.

Tờ lệnh gồm có bốn trang - bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay, mỗi trang dài 36cm, rộng 24cm. Tuy chỉ vỏn vẹn mấy trang, nhưng tài liệu này chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa, không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com