Tự hào về quá khứ
Ngày 30-1-1950, đáp ứng tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt - Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia. Sau khi Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 10-3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc thư cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô. Tháng 11-1954, Đại sứ Liên Xô đầu tiên A.La-vơ-ri-sép đã trình Quốc thư tại Việt Nam.
Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-chin đón Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga, ngày 25-11-2014. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
Có nguồn gốc lịch sử sâu xa từ Cách mạng Tháng Mười Nga và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong suốt chặng đường 65 năm qua, vượt qua những thay đổi biến động trên thế giới, quan hệ Việt - Xô trước đây và quan hệ Việt - Nga ngày nay luôn luôn gần gũi và gắn bó, không ngừng tìm kiếm động lực mới để phát triển.
Sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, vô tư, chí tình và đầy hiệu quả về chính trị, kinh tế và quân sự của nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng với Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục nhận được sự giúp đỡ to lớn và toàn diện của Liên Xô. Hàng chục nghìn cán bộ, chuyên gia được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước. Trong giai đoạn này, sức mạnh của quan hệ Việt - Xô đã được tạo ra từ hình mẫu của tình nghĩa quốc tế trong sáng và thủy chung. Chính sự hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô đã góp phần tác động tới tiến trình lịch sử của Việt Nam.
Quan hệ Việt - Nga ngày nay đã kế thừa quan hệ Việt - Xô với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước. Sau những nỗ lực khôi phục và phát triển quan hệ song phương trong những năm 90 của thế kỷ XX, năm 2001, Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đến năm 2012 nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương trong thời kỳ mới.
Thành quả của hiện tại
Trong một thập kỷ triển khai quan hệ Đối tác chiến lược và hai năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt - Nga đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển ở mỗi nước. Kết quả đó đã thể hiện quyết tâm chính trị và cách tiếp cận mới của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường hợp tác song phương.
Về chính sách và cơ chế hợp tác, hai bên thực sự coi trọng và có nhu cầu hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, vị trí của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau tăng đáng kể. Nét nổi bật của quan hệ chính trị Việt - Nga là có độ tin cậy cao với các hình thức hợp tác đa dạng, đã thiết lập được cơ chế tiếp xúc cấp cao thường niên, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại LHQ cũng như các tổ chức do ASEAN làm nòng cốt. Hợp tác theo kênh Đảng, Quốc hội, các tổ chức xã hội, đoàn thể hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Liên bang Nga, tháng 11-2014. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
Hợp tác kinh tế Việt - Nga ngày càng được tăng cường với bốn lĩnh vực trụ cột gồm thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng điện. Kim ngạch song phương từ mức đạt khoảng 500 triệu USD vào năm 2001 đã lên tới gần 4 tỷ USD năm 2013, tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan đang tiến triển thuận lợi, hợp tác trong lĩnh vực đầu tư có nhiều khởi sắc.
Hợp tác dầu khí không ngừng phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế mỗi nước. Không chỉ dừng lại ở hướng truyền thống là thăm dò và khai thác, hai bên đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới là lọc hóa dầu, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy khí và việc Nga cung cấp dầu thô dài hạn cho Việt Nam. Trong thế kỷ XXI, ngành điện hạt nhân đang đặt dấu ấn mới cho quan hệ giữa hai nước với việc triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Nga, ngành điện hạt nhân sẽ phát triển bền vững tại Việt Nam, trở thành biểu tượng mới của hợp tác song phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước.
Nói đến quan hệ Việt - Nga không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng - an ninh và kỹ thuật quân sự. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, hai bên càng cần hợp tác chặt chẽ và thường xuyên trong lĩnh vực này, thiết thực đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Hợp tác nhân văn Việt - Nga tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối giữa hai dân tộc. Mỗi năm có hàng trăm nghìn du khách Nga đến với Việt Nam. Cộng đồng người Việt với gần 80 nghìn người hiện đang sinh sống tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình, hàng nghìn lưu học sinh Việt Nam đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín của Nga. Chính mối quan hệ, sự giao lưu và kết nối giữa nhân dân hai nước đã trở thành sợi dây bền chặt gắn kết hai quốc gia, góp phần không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Niềm tin vào tương lai
Với quá khứ đầy tự hào, những thành quả to lớn của hiện tại, với quyết tâm và mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của quan hệ Việt - Nga. Việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga cần tuân theo các định hướng lớn gồm tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, đưa hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu và thực chất, đẩy mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng trên cơ sở tin cậy, lâu dài, thúc đẩy hợp tác nhân văn, củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ Việt - Nga phát triển vững chắc.
Để thực hiện thành công các định hướng lớn, chúng ta cần không ngừng nỗ lực triển khai đồng bộ các nhóm biện pháp nhằm xây dựng chính sách và cơ chế hợp tác hiệu quả, đầu tư mọi nguồn lực để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển mạnh mẽ, phục vụ tối đa cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, trở thành nhân tố quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 11-2013, Tổng thống V.Pu-chin đã từng nói: “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược. Theo đúng nghĩa của từ này, hai nước chúng ta có quá khứ anh hùng trong lao động cũng như trong chiến đấu, trong đó có cả cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam. Hợp tác song phương giữa hai nước có triển vọng và tương lai tốt đẹp”.
Nhìn lại chặng đường 65 năm đã qua, có thể khẳng định quan hệ Việt - Nga được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và đã được kiểm chứng qua những biến động của lịch sử. Tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, phát huy truyền thống tương trợ và luôn ủng hộ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào chính là nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới./.
Theo chinhphu.vn