Ngày 28-11, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII thành công và bế mạc
* Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân dự
* Thông qua sáu Nghị quyết
* Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp
Chiều 28-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thành công tốt đẹp và bế mạc. Tới dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều đại biểu QH các khóa trước và đại biểu QH khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp thứ tám đã thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào và cử tri cả nước về tinh thần đoàn kết, làm việc dân chủ, trí tuệ và đầy trách nhiệm của các vị đại biểu QH; về sự nghiêm túc trong tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và các vị đại biểu QH; về sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, QH đã đưa ra và quyết định những nội dung quan trọng của đất nước...
Trước đó, trong phiên làm việc buổi chiều, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông trình bày dự thảo Nghị quyết này. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), với 405 đại biểu tán thành, bằng 81,49% tổng số đại biểu QH.
Theo Nghị quyết, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH, HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ. Về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu QH, HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Điều 10 của Nghị quyết nêu hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015; thay thế Nghị quyết số 35/2012/QH13 của QH.
Các vị đại biểu dự Kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN. |
QH biểu quyết thông qua Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng, với 459 đại biểu QH tán thành, bằng 92,35% tổng số đại biểu QH. QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với 397 đại biểu tán thành.
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, với 455 đại biểu tán thành (bằng 91,55% tổng số đại biểu QH). Nghị quyết nêu rõ: QH ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay; của các cơ quan của QH, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc giải quyết, trả lời 2.216 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến QH tại kỳ họp thứ bảy. QH yêu cầu các cơ quan của QH, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời 3.729 kiến nghị của cử tri gửi đến QH tại kỳ họp thứ tám; tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo QH tại kỳ họp thứ chín...
Trước đó, đầu giờ làm việc buổi sáng, QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, với 100% đại biểu QH tán thành. Tiếp đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật, với 100% đại biểu QH tán thành.
Thảo luận về dự án Luật Thú y, nhiều đại biểu đề cập trách nhiệm và việc công bố dịch bệnh. Theo đó, đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) và một số đại biểu cho rằng, việc giao cho Chủ tịch UBND cấp xã công bố dịch bệnh động vật (Điều 26) như dự thảo Luật là không hợp lý. Bởi, khi dịch bệnh xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và an toàn thực phẩm, trong khi nhân viên thú y ở cấp xã có trình độ chuyên môn hạn chế, không đủ điều kiện, phương tiện để đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh để đề nghị Chủ tịch UBND xã công bố dịch bệnh. Vì vậy, thẩm quyền công bố dịch bệnh thú y nên giao cho UBND cấp huyện là phù hợp, cấp huyện có đủ năng lực, điều kiện, lực lượng để thẩm định, đánh giá tình hình dịch bệnh xảy ra. Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) và một số đại biểu lại cho rằng, khi xảy ra các ổ dịch bệnh trên động vật thường liên quan đến nhiều địa phương, khi công bố, phải công bố cả vùng đệm, nếu quy định như dự thảo, nếu dịch bệnh xảy ra sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, việc ngăn chặn dịch bệnh sẽ không kịp thời và kém hiệu quả. Nhất là, nếu công bố không chính xác ổ dịch bệnh, sẽ làm ảnh hưởng đến việc phát triển chăn nuôi, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và người dân... Vì vậy, nên giao thẩm quyền công bố dịch bệnh thú y cho UBND cấp tỉnh là phù hợp.
* Sau lễ bế mạc kỳ họp, đã diễn ra cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng QH. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Ủy ban của QH, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài, đại diện nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Lãnh đạo Văn phòng QH cho biết: Sau 33 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong đó có 53 phiên họp toàn thể tại hội trường và 13 phiên họp tại tổ, kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra, thu hút sự quan tâm của cử tri và đồng bào cả nước.
Kết quả hoạt động của kỳ họp được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu: về công tác lập pháp, giám sát tối cao; về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng. Trong đó, có việc xem xét các báo cáo và giám sát chuyên đề; về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ nhiệm Văn phòng QH và lãnh đạo một số Ủy ban của QH đã trả lời, làm rõ một số vấn đề, nội dung được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm về công tác tổ chức kỳ họp, vấn đề cải tiến công tác phục vụ thông tin, báo chí đạt hiệu quả cao hơn./.
Theo Nhân dân