Thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tích cực đổi mới trong hoạt động giám sát, lựa chọn giám sát những vấn đề mà cử tri quan tâm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua hoạt động giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã có những kiến nghị, đề xuất xác đáng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hằng năm, Ban Kinh tế - Ngân sách đều xây dựng kế hoạch giám sát và cụ thể hoá thành chương trình công tác từng tháng, từng quý để tổ chức thực hiện. Trong hoạt động giám sát thường xuyên, Ban Kinh tế - Ngân sách tập trung giám sát hoạt động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý ngân sách ở địa phương; việc thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính... Thông qua công tác giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm cần khắc phục trong việc thi hành pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và ngân sách; đồng thời đề xuất, kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh về các chủ trương, giải pháp về lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Trong hoạt động giám sát thông qua kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát và kiến nghị đã được UBND tỉnh và các sở, ngành có các biện pháp khắc phục. Cụ thể, trước kỳ họp thứ 10 vừa qua, nhiều cử tri đề nghị tỉnh tạo điều kiện cung ứng nguồn giống tốt cho sản xuất nông nghiệp vì hiện nay phụ thuộc vào giống lúa của Trung Quốc bị sâu bệnh nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lương thực. Ban Kinh tế - Ngân sách đã đi khảo sát thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét, trả lời. Vấn đề trên đã được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 10. Khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Sở NN và PTNT đã tích cực du nhập, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh để thay thế; hỗ trợ Cty TNHH Cường Tân đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, chọn tạo giống, mua bản quyền giống lúa tốt cho tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Cty Syngenta xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai. Do đó, những năm tới, sẽ có thêm nhiều giống lúa để khảo nghiệm, đánh giá và đưa vào cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh giám sát chuyên đề quản lý Nhà nước về đê điều tại huyện Nghĩa Hưng. |
Trong công tác giám sát chuyên đề, Ban Kinh tế - Ngân sách chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, nổi cộm, bức xúc, được dư luận và cử tri quan tâm như: vấn đề xây dựng NTM, tình trạng vi phạm pháp luật về hành lang bảo vệ đê điều, điện nông thôn… Trước khi tiến hành các cuộc giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách tiến hành thu thập, nghiên cứu tài liệu, xây dựng đề cương giám sát cụ thể, đồng thời tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế. Trong tổ chức các đoàn giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách mời Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại diện các ngành liên quan của tỉnh và huyện tham gia để kịp thời nắm bắt thông tin và giải đáp các thắc mắc của các đơn vị, địa phương. Kết thúc mỗi cuộc giám sát, Đoàn giám sát đều có kết luận về các nội dung địa phương, đơn vị được giám sát cần thực hiện để khắc phục các hạn chế; kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền. Kết thúc mỗi chuyên đề giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đều gửi báo cáo kết quả giám sát tới Thường trực HĐND, UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết những kiến nghị để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế. Qua thực tế, những chuyên đề giám sát mà Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Điển hình như những tháng đầu năm 2014, trước thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi diễn ra khá nhiều tại các địa phương làm ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường đối với các tuyến kênh mương, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão, Ban Kinh tế - Ngân sách đã tiến hành giám sát hai chuyên đề: Hoạt động quản lý, KTCTTL của các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh và quản lý Nhà nước về đê điều trên địa bàn tỉnh. Đối với chuyên đề hoạt động quản lý, KTCTTL của các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh, sau khi giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương và UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi gắn với chương trình quốc gia về xây dựng NTM và bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đăng ký, bảo vệ công trình thủy lợi và hành lang công trình thủy lợi. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai… Sau đó, ngày 25-6-2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, lộ trình thực hiện các giải pháp xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh của từng sở, ngành, các huyện và Thành phố Nam Định; tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp xử lý vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát 8 chuyên đề với 75 cuộc giám sát tại các địa phương, đơn vị.
Hoạt động giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đã góp phần chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém của các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý ngân sách, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cũng như trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng