Quốc hội thông qua về Nghị quyết ngân sách năm 2015: Không để vượt mức trần nợ công (65% GDP)

08:11, 11/11/2014

Hôm qua 10-11, kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ 4. Trong tuần sẽ diễn ra một hoạt động được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm: lấy phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, trong sáng thứ bảy 15-11, sau khi nghe báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm ở phiên làm việc trước đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Thể thức lấy phiếu vẫn tiến hành theo Nghị quyết 35. Về đối tượng lấy phiếu, lần này có 50 chức danh, thêm một chức danh là Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần lấy phiếu trước, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện chưa đủ thời gian công tác theo quy định. Buổi chiều cùng ngày, ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu và Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Trong tuần, Quốc hội sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng pháp luật với việc thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND… Có hai dự án Luật dự kiến được trình Quốc hội biểu quyết thông qua, bao gồm Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; và thảo luận tại các phiên họp toàn thể về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cũng hôm qua, 10-11, danh sách dự kiến 5 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ tám đã được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội gồm các bộ trưởng: Công thương, Nội vụ, GTVT, KH và CN, LĐ-TB và XH. Trên cơ sở danh sách gợi ý này, Quốc hội sẽ chọn 4 vị đăng đàn.

Ngoài 4 bộ trưởng được chọn, theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trực tiếp báo cáo, giải trình thêm một số vấn đề về hoạt động điều hành của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội về danh sách chất vấn cũng nêu cụ thể các nhóm vấn đề được dự kiến cho mỗi bộ trưởng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời về việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu; sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời các nhóm vấn đề về việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan Trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương; kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó là thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của công chức, của người có thu nhập thấp; xem xét vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995. Tham gia cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ có Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, dự kiến sẽ trả lời chất vấn các vấn đề về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành Quốc lộ 1A; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải. Bộ trưởng KH và ĐT, Tài chính, Công an sẽ tham gia thêm trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT.

Bộ trưởng LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời một số nhóm vấn đề quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân trả lời các nhóm vấn đề về trách nhiệm của ngành KH và CN trong tăng năng suất lao động; giải pháp áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của bộ trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hoá, kiểm định công nghệ nhập khẩu theo quy định; thực hiện chuyển đổi các tổ chức KH và CN theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và việc phát triển nguồn nhân lực KH và CN; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN; thực trạng, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia…

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ bắt đầu vào thứ hai tuần tới (ngày 17-11), dự kiến kéo dài 2,5 ngày.

Sáng qua, 10-11, Quốc hội đã nghe Báo cáo của cơ quan thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật này. 

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật (bãi bỏ 36 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ trùng lặp giữa 3 Danh mục; bãi bỏ 9 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ và chuyển sang quy định các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ này) và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật). Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Cho ý kiến về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cao với danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ghi nhận, danh mục đã được xử lý gọn gàng, hợp lý; nâng cao tính minh bạch. Tuy nhiên, trong số những dự án phải “lọc” cần bổ sung loại dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, những dự án sử dụng nhiều nguồn lực quan trọng... phải xin chấp nhận chủ trương đầu tư. Đồng thời, cần minh bạch hóa những tiêu chí cụ thể để thẩm định các dự án loại này. “Nếu không, chính sự không minh bạch về tiêu chí sẽ triệt tiêu sự minh bạch, đơn giản của thủ tục đầu tư”, đại biểu nêu quan điểm.

Vẫn theo ông Lộc, riêng với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần phải duy trì thủ tục đăng ký đầu tư FDI. Một vấn đề khác là dự thảo này không xác định khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài”. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổ chức kinh tế có 51% vốn đầu tư nước ngoài trở lên được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Bày tỏ quan tâm đến các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận xét, dự thảo Luật còn chung chung: “Tôi đề nghị làm rõ ngay trong dự thảo trường hợp nào buộc phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trường hợp nào được tự động kinh doanh khi có đủ điều kiện”.

Những ngành, nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung một số ngành, nghề như sản xuất, kinh doanh xe lăn, chân tay giả, sản phẩm phục vụ người khuyết tật; sữa cho trẻ em và sản phẩm chuyên dùng cho trẻ em. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Đại biểu Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc yêu cầu chính xác hóa danh mục này. Ông phân tích: “Đóng tàu được ưu đãi là đúng, nhưng cần nêu rõ ra là đóng tàu để khai thác hải sản. Tương tự, cần bổ sung phát triển vận tải hành khách công cộng thì không chỉ ở các đô thị mới được ưu đãi, mà cả ở nông thôn và hải đảo nữa”...

Chiều qua 10-11, Quốc hội đã thông qua về Nghị quyết ngân sách năm 2015. Theo đó, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 với tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 911.100 tỷ đồng; nếu tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 921.100 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách Nhà nước là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao. Không cho phép ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Tổ chức đại hội Đảng các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015.

 Phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ của ngân sách Nhà nước, thu hồi các khoản tạm ứng. Không bố trí vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách. Trong trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng yêu cầu rà soát mục tiêu của 16 chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung bố trí vốn ngân sách cho các mục tiêu quan trọng, cấp bách, hoàn thành dứt điểm trong năm 2015. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai giai đoạn 2011-2015; tiến hành rà soát tổng thể để cắt giảm, lồng ghép, thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016-2020; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ mười. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước; trong điều hành ngân sách Nhà nước có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 chủ yếu để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách, thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Quốc hội cũng yêu cầu tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65% GDP), quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay về cho vay lại. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ quỹ tích lũy trả nợ. Tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay. Từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, giảm mức vay đảo nợ. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng./.

Theo ssgp



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com