Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

08:11, 03/11/2014

* Còn nhiều khó khăn khi thực hiện tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm

Ngày 31-10, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười một. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.

Giải quyết bài toán nợ công

Thảo luận về tình hình KT-XH của đất nước, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) và một số đại biểu cho rằng, cách phát triển kinh tế của Việt Nam có những hạn chế chưa khắc phục được; trong đó tham nhũng tràn lan ở các cấp, nợ công, nợ xấu chồng chất, đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát; kinh tế Nhà nước chiếm giữ nhiều tài sản lớn, được ưu tiên, phân bổ nguồn lực, nhưng không hiệu quả. Thời gian qua, tình hình nợ công tăng nhanh, khiến nhiều đại biểu QH và nhân dân băn khoăn, lo lắng. Thực tế cho thấy, ngành nào, địa phương nào, dự án nào cũng muốn tăng thêm tiền, đây cũng là vấn đề khiến nợ công tăng nhanh. Theo các đại biểu, thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo toàn diện, thiết thực hơn về vấn đề này.

Bên cạnh đó, QH đã "bấm nút" thông qua các công trình, dự án, cho nên, QH cần cân nhắc, chia sẻ, chịu trách nhiệm cùng Chính phủ giải quyết bài toán nợ công; QH cần giám sát việc sử dụng vốn vay, vốn huy động...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, QH và Chính phủ cần có ngay các chính sách phát triển dựa vào dân, khuyến khích sức dân, đồng thời ưu đãi doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung ưu đãi công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp. Có đối sách khôn khéo và kiên quyết, lành mạnh hóa hài hòa trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế dựa vào các định chế như: WTO, TPP, ASEAN, EU và các cường quốc.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) và một số đại biểu khác cho rằng, Chính phủ cần kiên quyết cắt giảm các công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng nghìn công trình trong đầu tư xây dựng cơ bản, thì sẽ có thêm vốn cho NSNN. Đây là nguồn quan trọng để đầu tư phát triển và cải cách tiền lương theo lộ trình đã đề ra.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát báo cáo giải trình một số vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm về kết quả tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM thời gian qua; thực hiện tái cơ cấu đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực, tăng cường quản lý, sản xuất trong nông nghiệp; nhất là việc nâng cao hiệu quả việc trồng lúa, phát triển chăn nuôi, nâng cao sức cạnh tranh; hỗ trợ ngư dân đóng tàu thuyền bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Không gây lãng phí NSNN

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện NSNN năm 2014; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Thảo luận về chi ngân sách, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Lê Nam (Thanh Hóa) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát một số chính sách đã ban hành trong việc công bố chính thức nguồn kinh phí để thực hiện theo lộ trình chính sách hỗ trợ người có công, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân,... trên cơ sở đó đề ra kế hoạch thực hiện bảo đảm phù hợp, hiệu quả cao.

Một số đại biểu phản ánh, vừa qua, nhiều chính sách đưa ra nhưng không có nguồn chi gây khó khăn và tư tưởng lo lắng trong xã hội. Mặt khác, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH, tình trạng thất thoát gây lãng phí trong xây dựng cơ bản chậm được khắc phục, một số dự án thi công, khởi công mới chưa được cân đối vốn, nợ đọng lĩnh vực xây dựng cơ bản lớn.

Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết những hạn chế nêu trên. Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, Chính phủ cần làm rõ tình hình thực hiện kế hoạch thu ngân sách, cần phân tích làm rõ hơn nguyên nhân của việc tăng thu ngân sách, nhất là các khoản thu đặc thù phát sinh tăng thu năm 2014; việc thu tiền nợ đọng thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế tác động đến tăng thu ngân sách. Trên cơ sở đó đánh giá thực chất việc tăng thu ngân sách để có cơ sở xây dựng kế hoạch thu ngân sách năm 2015.

Về những nội dung ưu tiên trong thời gian tới, nhiều đại biểu QH đề nghị Chính phủ cần chú trọng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần tăng quy mô thu NSNN, hạn chế việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế và miễn, giảm, gia hạn thuế trong trường hợp thật cần thiết nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Các đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị, mặc dù tình hình khó khăn, Chính phủ cần quan tâm bố trí nguồn lực cho lộ trình cải cách tiền lương. Những nguyên nhân, lý do Chính phủ đưa ra để lùi thời gian cải cách tiền lương là chưa thật sự thuyết phục.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ, QH xem xét cân đối tăng lương đúng lộ trình, thể hiện sự quan tâm, coi trọng phát triển nguồn nhân lực phát triển lâu dài của đất nước, tránh tạo áp lực, tư tưởng không tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.

Đối với vấn đề chống thất thu NSNN, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn đề xuất nhiều biện pháp quyết liệt, đó là: Chính phủ cần chỉ đạo địa phương giải quyết tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, đặc biệt là tình trạng gian lận, chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cần cắt giảm chi cho hội thảo, hội nghị, đoàn đi nước ngoài, tinh giản bộ máy hành chính, cơ quan, đoàn thể. Cần tiếp tục đổi mới nhận thức, cơ chế thưởng - phạt, khuyến khích phát hiện phòng, chống tham nhũng, công khai danh tính những công trình, dự án gây thất thoát, lãng phí.

Ngày 1-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười hai. QH dành một ngày thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015.

Tái cơ cấu doanh nghiệp chậm

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH đánh giá, hơn ba năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Cán cân thương mại cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là 62 huyện thuộc Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, mô hình tăng trưởng mới chưa thật sự định hình, cơ chế, chính sách về tái cơ cấu chưa đủ mạnh; tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) còn chậm; việc phân công, phân cấp, phân quyền quản trị, chủ sở hữu tài sản tại các DN Nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa có đánh giá toàn diện nền kinh tế để lượng hóa bằng các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể; cách thức triển khai nhiều vấn đề còn lúng túng; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa gắn kết chặt chẽ, chưa chủ động; việc kiểm tra, đánh giá trách nhiệm còn thiếu thường xuyên, nghiêm túc...

Chỉ rõ quá trình thực hiện tái cơ cấu DN Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế còn chậm, chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và một số đại biểu khác nhận định: Chúng ta tái cơ cấu, giảm tập đoàn nhưng các tập đoàn lại "đẻ" ra nhiều Cty con, khiến kết quả thoái vốn chưa đạt so với yêu cầu. DN Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP; khu vực kinh tế tư nhân chưa được phát huy hết thế mạnh; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm. Nguyên nhân chính của những hạn chế nói trên là khâu chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các đơn vị, DN chưa quyết liệt. Vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng xác định danh mục ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, đổi mới quản trị DN; sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế của DN. DN Nhà nước không được dựa dẫm bộ chủ quản, đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, mạnh dạn "cắt đuôi" nhóm lợi ích; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN.

Thiếu sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương với Ngân hàng Nhà nước

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH cho biết, trong vòng 15 năm trở lại đây, Việt Nam đã ba lần tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một lĩnh vực khá nhạy cảm với thị trường, xã hội. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, sự phát triển nhanh về số lượng các ngân hàng thương mại, chuyển đổi các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên ngân hàng thương mại cổ phần đô thị chưa thật sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng, tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động ngân hàng. Đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần chưa phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Nhiều đại biểu chưa đồng thuận với đánh giá về khó khăn trong xử lý nợ xấu do báo cáo chưa phân tích những khó khăn đó nằm ở đâu, từ khâu nào? Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chỉ ra, một trong những lý do khiến việc xử lý nợ xấu chưa đạt kết quả là do sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với Ngân hàng Nhà nước trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ, hiệu quả. Do vậy, các đại biểu cho rằng: Nợ xấu không đơn thuần là mua vào bán ra hay đẩy nợ xấu qua vấn đề khác, mà phải làm cho những tài sản hình thành từ vốn vay đem lại hiệu quả cho xã hội. Vì vậy, để giải quyết vấn đề nợ xấu, cần gắn giải pháp xử lý nợ xấu với vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo. Từ đó làm rõ vốn ảo, nợ ảo.

Các đại biểu QH đề nghị, thời gian tới, cần xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xử lý chéo; dần bỏ trần lãi suất huy động. Xác định rõ và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao về công tác tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Đầu tư công còn nhiều hạn chế, bất cập

Thảo luận về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), Y Khut Niê (Đác Lắc) và một số đại biểu cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công thời gian qua còn nhiều hạn chế, đầu tư dàn trải, cùng lúc phê chuẩn, triển khai nhiều dự án, nhưng không xác định công trình nào là trọng điểm. Cùng với đó, công tác giám sát thi công chưa chặt chẽ; việc xử lý các công trình, dự án có sai phạm chưa triệt để, rõ ràng; việc xử lý các dự án bố trí không đúng, thi công chậm chưa kịp thời; một số công trình, dự án khi hoàn thành kết quả không như mong đợi... Từ thực tế nêu trên, các đại biểu đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp chính xác, đầy đủ số tiền nợ trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay. Theo báo cáo, số nợ trong lĩnh vực này lên tới hơn 44 nghìn tỷ đồng, nhưng khi thống kê ở một bộ và 16 địa phương thì tổng số nợ đã 34 nghìn tỷ đồng. Theo các đại biểu, nợ có liên quan đến nhiều vấn đề, nếu không tổng hợp chính xác số nợ, sẽ không có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là thời gian tới, sẽ có những DN làm ăn thua lỗ, dẫn tới bị phá sản...

Để tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công đạt hiệu quả, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, cần rà soát các công trình, dự án; trong khi nguồn vốn có hạn, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án có ý nghĩa thiết thực. Đồng thời, xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp, theo hướng giảm cơ chế cấp vốn cho các công trình, dự án, tăng cơ chế tín dụng. Xác định rõ thẩm quyền của từng cấp đi liền với gắn trách nhiệm trong việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư. Tiếp tục cải cách hành chính, đi đôi đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, giảm chi phí vô lý, trái pháp luật, giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho DN.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, trong khi nguồn NSNN và nguồn thu còn gặp khó khăn, nợ công tăng..., Chính phủ cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư vào lĩnh vực đầu tư công. Trong đó, cần đẩy mạnh việc huy động các thành phần kinh tế, DN, tư nhân đầu tư vào các công trình, dự án. Nhà nước không nên quá tập trung vào lĩnh vực này, mà dành ưu tiên sử dụng nguồn vốn vào các lĩnh vực thiết yếu khác.

Chủ nhật, ngày 2-11-2014, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 3-11-2014, QH họp phiên toàn thể tại hội trường./.

Theo Nhân dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com