Phải có mô hình quản lý tập trung vốn Nhà nước để tránh tiêu cực, thất thoát

08:11, 12/11/2014

Sáng qua, 11-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Xác định rõ trách nhiệm của người đại diện

Vấn đề xác định rõ trách nhiệm của  người đại diện, người quản lý doanh nghiệp (DN) để tránh thất thoát vốn Nhà nước ở các DN là vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, Luật phải tạo được đột phá thể chế về tài chính công. Phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của các cá nhân, từ Chính phủ, địa phương đối với đại diện chủ sở hữu, theo đó cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Đây là cơ chế để chống thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước tại DN.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng nêu quan điểm, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch Cty trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của đơn vị. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải được kiểm toán hằng năm. Thông báo minh bạch, công khai thông tin hằng năm, tránh tình trạng báo cáo lãi giả, lỗ thật.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc: Bao nhiêu tập đoàn, DNNN gây thất thoát, lãng phí, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần nói rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong vấn đề này. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quy định ngay trong Luật, nếu gây hậu quả thì phải bồi thường, hoàn trả thiệt hại, tài sản chiếm đoạt trái phép.

Nhà nước không nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), cần quy định rõ những ngành, lĩnh vực Nhà nước phải tham gia 100%, những ngành Nhà nước tham gia một phần hoặc không cần tham gia. Điều này sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN. Với các DNNN đang hoạt động hiệu quả, không có yêu cầu thì Nhà nước không cần bổ sung vốn mà cho DN huy động từ các nguồn khác, Nhà nước dành vốn đó để làm các công trình cấp bách khác.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cũng nêu câu hỏi, Nhà nước nên đầu tư vào đâu? "Không nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được. Bàn tay Nhà nước chỉ nên vươn đến những lĩnh vực mà tư nhân chưa làm được, hoặc không làm. Ví dụ trong lúc này Nhà nước hãy hướng về đầu tư cho nông nghiệp, đóng tàu lớn cho ngư dân... Cần ghi rõ trong Luật "Những ngành, nghề mà Nhà nước ưu tiên đầu tư”, ĐB Đương nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Nhà nước chỉ đầu tư vốn mồi trong những lĩnh vực mà tư nhân chưa làm được. Sau đó rút ra để tư nhân đầu tư tiếp. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Du Lịch.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, trong tương lai, chỉ cần có 5-7 tập đoàn kinh tế Nhà nước, phải có đạo luật riêng, hằng năm báo cáo trước Quốc hội. Thế giới họ đã làm như vậy. Để thực hiện tốt chức năng, vai trò của của các tập đoàn Nhà nước, phải gắn với chiến lược phát triển chung và Quốc hội phải quyết định. Không thể giao hết cho Chính phủ được.

Quy định về tiền lương của lãnh đạo DN công ích

Đối với tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý DN, ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng, dự thảo còn chung chung. Thước đo để xác định là hiệu quả của DN và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Những dịch vụ công ích thì theo thước đo nào? Vì vậy, tiền lương của lãnh đạo DN công ích cần phải do cấp chủ quản có ý kiến.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đặt vấn đề này ở khía cạnh khác. “Vừa qua dư luận bức xúc vì một số đơn vị dịch vụ công ích, lương lãnh đạo rất cao. Trong khi lương người lao động thấp”. Vì vậy, có nên phân loại dịch vụ công ích, có nên quy định chênh lệch lương giữa lãnh đạo và nhân viên? “Nếu lương cao thì mới có động lực phát triển”, ông Tiên đặt vấn đề. Theo ông Tiên, nếu quy định cứng nhắc thì DN sẽ sợ, nắm tiền mà không dám đầu tư, thu nhập của DN kém mà xã hội cũng không được hưởng dịch vụ tốt.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu “Có lãnh đạo bộ trước khi nghỉ hưu ký bổ nhiệm tới 60 cán bộ, trong đó có nhiều người không đủ tiêu chuẩn. Ở cơ quan quản lý Nhà nước, quy trình chặt chẽ mà còn diễn ra như vậy thì ở DNNN, rất dễ xảy ra tình trạng này. Và thực tế đã có lãnh đạo DNNN trước khi nghỉ đã nhận hàng loạt người vào làm. Ở DN tư nhân, đồng tiền của họ nên không có chuyện này. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể để tránh tình trạng này diễn ra”, ĐB Cường nêu.

Thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy, về mô hình đại diện chủ sở hữu Nhà nước, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại DN, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước.

Về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy ý kiến của ĐBQH là xác đáng. Việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại DN sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN. Tuy nhiên, UBTVQH cũng cho rằng, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các DN có vốn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Luật không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các bộ, UBND... mà vẫn giao quyền cho Chính phủ. Đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình để từ đó có những đề xuất phù hợp, sát thực tiễn và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại DN.

Tuy đã có giải trình như vậy, nhưng nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng phải có cơ quan chuyên trách để quản lý vốn của Nhà nước. ĐB Trương Văn Vở đồng ý nghiên cứu để thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại DN. Đây là cơ hội để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước trong thời gian qua, gây mất lòng tin của nhân dân.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu, vốn Nhà nước đang nằm trong DNNN khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, phân tán, sử dụng không hiệu quả. “Chỗ thiếu thì phải đi vay, chỗ thừa thì gửi ngân hàng lấy lãi. Vì vậy, cần một đầu mối để quản lý số tiền 1 triệu tỷ đồng này, hằng năm phải báo cáo trước Quốc hội. Vì thế, cần phải có mô hình quản lý tập trung vốn Nhà nước để bảo đảm đồng vốn Nhà nước được sử dụng, quản lý, đầu tư hiệu quả, không thất thoát”, ĐB Ngân nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH sẽ xem xét lại và giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Theo sggp.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com