Cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia

08:11, 05/11/2014

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, hôm qua, ngày 4-11-2014, Quốc hội thảo luận tại tổ cả ngày về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế; Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; việc phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đa số các ý kiến đồng tình với quy định tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nhiều nguyên nhân, trong đó giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh, thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá hiện hành là 44,9%; thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới.

Qua nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá như sau: Từ ngày 1-1-2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1-1-2019 tăng từ 70% lên 75%.

Để hạn chế sử dụng rượu, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng này: Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên mức thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 1-1-2010); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia phải đi liền với chống buôn lậu

Theo đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), việc tăng thuế thuốc lá là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 66-70 nghìn người tử vong vì thuốc lá, chưa kể những người hút thuốc lá thụ động. “Không nên hy sinh sức khỏe của người dân để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp”, đại biểu Thùy Trang nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, nếu không sớm điều chỉnh tăng thuế suất và hạn chế sản xuất thuốc lá thì có tác hại lớn đối với các thế hệ đặc biệt là trẻ em. Theo đại biểu Duyền, do công tác quản lý hiện không tốt nên diễn ra tình trạng nhập lậu tràn lan, cho nên, đồng thời với việc sớm áp dụng mức thuế suất mới, phải thực hiện nghiêm kỷ cương, phòng, chống tốt tình trạng buôn lậu thuốc lá.

Nhấn mạnh tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia đi liền với quản lý Nhà nước đó là chống buôn lậu, đặc biệt là tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, cần phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền địa phương, nhất là ở biên giới, để xảy ra buôn lậu. “Đã đến lúc phải quan tâm đến việc kinh doanh tại chỗ. Cuộc chiến này rất quan trọng”, đại biểu Thông cho hay.

Cho rằng các mặt hàng ruợu, bia, thuốc lá phải kiểm soát đặc biệt, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) phản ánh ở nước ngoài khi mua các mặt hàng này phải trình căn cước để xác định độ tuổi, nếu để hút thuốc trong nhà hàng thì chủ bị phạt, nhưng ở nước ta thì ai cũng có thể mua được. “Trong khi đầu tư rất nhiều để bảo vệ sức khỏe nhân dân thì những yếu tố gây hại lại không kiểm soát được là lãng phí”, đại biểu Quân thẳng thắn nói.

Xóa nợ tiền phạt chậm nộp: Cần cân nhắc không sẽ "nhờn" luật

Về xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế, nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, quy định trên là cần thiết, tuy nhiên Chính phủ phải quy định rõ trong Luật các trường hợp gặp rủi ro, bất khả kháng như: Thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, hay trong trường hợp Nhà nước đang nợ doanh nghiệp… Bởi theo đại biểu, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp hết sức khó khăn, nếu không xem xét xóa tiền phạt chậm nộp thì sẽ tạo ra những khó khăn khách quan cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, không nên thực hiện theo như đề xuất của Chính phủ. Đại biểu Đặng Đình Luyến cho rằng, khi người vi phạm, Nhà nước ra quyết định xử phạt thì phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, bởi nếu không thực hiện sẽ dẫn tới "nhờn" luật.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần cân nhắc đối với xóa nợ phạt đóng thuế, bởi thực tế có những doanh nghiệp cố tình chây ì không nộp thuế, vì vậy không thể cào bằng đối với cả doanh nghiệp thực hiện tốt nhưng gặp khó khăn.

Đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: Việc xóa tiền chậm nộp thuế phải cân nhắc, sửa 2 hướng, một là bãi bỏ tỷ lệ phạt trong luật chung. Phạt theo lãi suất ngân hàng chứ không cố định. Thứ 2, không nên xóa mà giảm tỷ lệ nộp phạt xuống. Nếu doanh nghiệp khó khăn thì cho phép treo khoản thuế còn nộp chậm; nếu mãi không nộp thì xóa nợ thuế. “Giờ tự nhiên xóa thì ai hưởng, nợ đọng thuế chủ yếu là kinh doanh bất động sản. Tiền rất lớn mà xóa hết cho anh này thì đối tượng nào thụ hưởng ở đây?”, đại biểu Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Một số ý kiến cho rằng, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước thời điểm 1-7-2013 là quá rộng. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008...

Theo ĐCSVN

 



Mẫu giỏ quà Tết cao cấp Mua vang ý nhập khẩu giá tốt Vang đỏ ngọt nào ngon nhất?

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com