Bảo đảm quyền thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân

08:11, 24/11/2014

Ngày 21-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII, sang ngày làm việc thứ hai mươi tám. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; thảo luận dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, với 404 đại biểu tán thành, bằng 81,29% tổng số đại biểu.

Thảo luận dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu QH quan tâm thời hạn phục vụ tại ngũ.

Theo đó, các đại biểu Lê Việt Trường (An Giang), Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) và nhiều đại biểu tán thành quy định nâng thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ từ 18 tháng lên 24 tháng nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa QĐND trong tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trong thời bình, nhu cầu quân thường trực không quá cao, nguồn tuyển quân còn nhiều, cần tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, do đó, nếu thời hạn phục vụ tại ngũ giảm xuống 12 tháng là phù hợp. Liên quan nội dung này, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về những trường hợp được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ (Khoản 1 Điều 21), nhằm tránh vận dụng thiếu thống nhất, ảnh hưởng sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ (Điều 32) là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Nhưng về thời điểm gọi nhập ngũ, đại biểu Khúc Thị Duyên (Thái Bình) và một số đại biểu kiến nghị, nên để công dân được quyền đăng ký, lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện tốt nhất nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc cũng như tránh phát sinh tiêu cực trong việc gọi công dân nhập ngũ.

Đề cập yêu cầu thu hẹp diện đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình (khoản 1 Điều 41) để bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị rà soát diện đối tượng tạm hoãn phù hợp tình hình thực tế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị Luật cần tập trung xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Do đó, bên cạnh các quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Ban soạn thảo cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần tập trung cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định thẩm quyền của bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, lên Thủ tướng Chính phủ...

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng: Cần xây dựng một Chính phủ gọn nhẹ, trong đó quy định số lượng, tên bộ, cơ quan ngang bộ, kèm chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị ngay trong luật. Theo đó, chức năng chính của các bộ là xây dựng chiến lược để tham mưu cho Chính phủ, để xây dựng phát triển cũng như quản lý ngành. Mặt khác, nên tách chức năng quản lý kinh doanh và đặc biệt không để bộ đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Quan tâm nội dung về thẩm quyền của Chính phủ và các địa phương, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng: Cần quy định rõ thẩm quyền và chế độ trách nhiệm thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương. Đại biểu nêu thí dụ, chất vấn tại QH, nhiều đại biểu nêu vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa phương, lỗi tại ai?

Theo đó, nếu Chính phủ không quy định đầy đủ, không kiểm tra công vụ, thì lỗi tại Chính phủ. Nhưng nếu Chính phủ đã triển khai, mà hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn bày bán thì trách nhiệm thuộc về địa phương. Luật cũng cần làm rõ vấn đề này để minh bạch trách nhiệm.

Chia sẻ quan điểm nêu trên, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) và một số đại biểu khác nêu rõ: Dự án Luật cần làm rõ cơ cấu, chức năng các bộ trong Chính phủ. Bởi lẽ, trong thời gian qua, việc phối hợp giữa các bộ chưa tốt, thậm chí chồng chéo. Do đó, nhiều vấn đề, chương trình đề ra, lại thành lập một ban chỉ đạo để kết nối, điều hành thực hiện. Đáng nói hơn, hiện nay có những lĩnh vực không có bộ nào quản lý, cho nên, tình trạng cơ quan này làm đường vừa xong, bên kia đã đào lên xảy ra tràn lan, gây bức xúc trong người dân.

Thứ bảy, ngày 22-11-2014 và Chủ nhật, ngày 23-11-2014, QH nghỉ làm việc.

Hôm nay, thứ hai, ngày 24-11-2014, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; buổi chiều, biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi), Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi); thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; việc phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com