Tạo cơ sở pháp lý để giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả thiết thực

08:11, 14/11/2014

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và thảo luận về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi) và dự án Luật ATVSLĐ.

Mục tiêu là phòng ngừa tai nạn lao động

Tờ trình dự án Luật ATVSLĐ nêu rõ việc xây dựng Luật được chuẩn bị trên cơ sở thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng; bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Dự án Luật chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác ATVSLĐ; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất. Tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách bồi thường tai nạn lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động và xã hội...

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH nêu rõ: Việc xây dựng và ban hành Luật ATVSLĐ cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và nội luật hóa các công ước quốc tế về ATVSLĐ mà Việt Nam là thành viên. Có cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động. Chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khỏe do lao động thông qua những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc.

Thảo luận về dự án Luật ATVSLĐ, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác cho rằng, công tác ATVSLĐ thời gian qua tuy được nâng lên nhiều, song hiện nay một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện vấn đề này chưa tốt; cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, nhất là người không có quan hệ lao động (khoản 3, Điều 60) chưa rõ ràng. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người tham gia BHYT, để họ được hưởng BHYT khi xảy ra tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp.

Băn khoăn về cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ

Thảo luận về dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), nhiều đại biểu nhất trí với những quy định về Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư, bởi thực tế Ban công tác Mặt trận đã hoạt động hơn 20 năm qua, thực hiện tốt nhiều hoạt động liên quan cuộc sống của người dân. Trong đó, đáng chú ý là tiếp thu, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; là chỗ dựa tin cậy của chi bộ, tổ dân phố; giải quyết nhiều công việc của nhân dân ở khu dân cư... Để rõ hơn vị trí, vai trò của Ban công tác Mặt trận, có đại biểu đề nghị cần tách các quy định về Ban công tác Mặt trận thành một điều riêng.

Các quy định về chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ được nhiều đại biểu QH quan tâm, phát biểu ý kiến đóng góp. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và một số đại biểu băn khoăn, quy định đối tượng, phạm vi, nội dung và hình thức giám sát của MTTQ không có nhiều điểm khác với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự hỗ trợ, bổ sung cho công tác kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Các hình thức giám sát quy định trong dự thảo Luật chưa rõ ràng. Vì vậy, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn các hình thức giám sát của MTTQ ngay trong Luật. Có đại biểu cho rằng, việc giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Do vậy, không nên giới hạn, chỉ phản biện dự thảo các chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước mà phản biện cả khi chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, thực hiện nhưng bộc lộ bất cập. Việc phản biện này góp phần điều chỉnh kịp thời chính sách pháp luật, dự án, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân và hiệu quả công việc.

Các đại biểu QH còn ý kiến khác nhau về đoạn Mở đầu trong dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Theo đó, một số đại biểu cho rằng, không nên có đoạn Mở đầu để bảo đảm tính hệ thống của các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, nên giữ đoạn Mở đầu nhằm khẳng định truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đây là một đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam mà nhiều nước không có. Việc giữ đoạn Mở đầu ngắn gọn không làm ảnh hưởng kết cấu cũng như nội dung của Luật.

Công bằng trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự

Thảo luận tại tổ về dự án Luật NVQS (sửa đổi), đề cập thời hạn phục vụ tại ngũ (Điều 21), đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương) cho rằng, dự thảo Luật lần này quy định mọi đối tượng công dân thực hiện NVQS thời gian 24 tháng là phù hợp, khắc phục được những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện để mọi đối tượng công dân đều bình đẳng thực hiện NVQS. Thời hạn phục vụ trong quân đội 18 tháng không đủ điều kiện thời gian để giáo dục, huấn luyện chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do quy định thời hạn phục vụ tại ngũ hai loại khác nhau, nên hằng năm, các địa phương, đơn vị phải tổ chức tuyển quân và giải quyết xuất ngũ thành hai đợt, gây tốn kém thời gian, tiền của Nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, thời hạn phục vụ của công dân nên quy định một năm là hợp lý, để tạo điều kiện cho mọi công dân được tham gia NVQS... Đề cập đến đối tượng được tạm hoãn thực hiện Luật NVQS (Điều 41), đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) và một số đại biểu cho rằng, quy định đối tượng tạm hoãn trong dự thảo Luật còn quá rộng, gây nhiều khó khăn cho công tác xét duyệt, gọi công dân nhập ngũ, một số đối tượng sẽ lợi dụng chính sách để tránh thực hiện NVQS, gây bất bình trong nhân nhân. Vì vậy, cần thu hẹp đối tượng được miễn, hoãn thực hiện NVQS để bảo đảm công bằng. Có đại biểu đề nghị, Luật cần quy định những người hoàn thành nghĩa vụ về địa phương được ưu tiên đào tạo nghề, xin việc, hỗ trợ, cho vay vốn..., để công dân yên tâm thực hiện NVQS.

Hôm qua, thứ năm, ngày 13-11-2014, QH thảo luận ở tổ về các dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thú y./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com