Hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

08:11, 17/11/2014

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 14-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai mươi hai. Buổi sáng, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; biểu quyết danh sách những người được QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Thận trọng, công tâm trên cơ sở thông tin chính thức, kiểm chứng được

Buổi sáng, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015 và dự thảo nội dung Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết, với 462 đại biểu tán thành, bằng 92,96% tổng số đại biểu QH.

Tiếp theo chương trình, QH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, đây là lần thứ hai QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, sau khi những chức danh được lấy phiếu đã đảm nhận nhiệm vụ gần ba năm, cho nên đại biểu QH có thời gian để đánh giá kỹ hơn. Quy trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm là việc làm rất hệ trọng. Các đại biểu QH sẽ thay mặt đồng bào, cử tri cả nước đánh giá tín nhiệm đối với những chức danh mà QH bầu, phê chuẩn.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này đều là những người được QH tin tưởng, giao nhiệm vụ thực thi Hiến pháp năm 2013, xây dựng pháp luật, điều hành, quản lý phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Do đó, việc tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ trong Nghị quyết 35 của QH và nhằm đáp ứng niềm tin lớn lao của đồng bào, cử tri cả nước. Từng vị đại biểu QH phải khách quan, thận trọng, công tâm để có được lá phiếu chính xác. Tại các kỳ họp gần đây và kỳ họp lần thứ tám này, QH đã tiến hành thảo luận kỹ về tình hình đất nước trên mọi lĩnh vực KT-XH, quốc phòng - an ninh (QP-AN), đối ngoại; đánh giá, nhìn nhận tổng thể cả về công tác lập pháp, xây dựng pháp luật bên cạnh công tác điều hành, thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH... đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đà phát triển mới để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2015 và cả nhiệm kỳ... Do đó, các đại biểu QH có được căn cứ vững chắc để đánh giá tín nhiệm.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm nhằm thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ, tạo động lực phấn đấu, nỗ lực công tác trong toàn Đảng, toàn dân. Điều đáng mừng là sau lần lấy phiếu đầu tiên, các chức danh được QH đánh giá mức độ tín nhiệm đều đã nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để từ đó phấn đấu, nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác; quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn.

Đề cập những căn cứ để đánh giá tín nhiệm lần này, Chủ tịch QH cho biết, các báo cáo đã được những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị kỹ, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành khách quan, công tâm, chính xác. Các đại biểu QH cần dựa trên những thông tin chính thức, kiểm chứng được. Đối với những thông tin không chính thống, chưa được sàng lọc, kiểm nghiệm, hoặc chưa đủ căn cứ, các vị đại biểu QH cần cảnh giác, loại bỏ, chắt lọc và tiếp tục xác minh để có kết luận chính thức.

Tiếp đó, QH đã biểu quyết Tờ trình Danh sách 50 người được QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Làm rõ hiệu quả dự án Cảng HKQT Long Thành

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành, các ý kiến đều nêu rõ sự cần thiết đầu tư xây dựng một cảng HKQT hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển KT-XH và gắn với nhiệm vụ QP-AN. Trong đó, hình thành và phát triển một cảng HKQT trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.

Tuy nhiên, trong tình hình KT-XH của đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và một số đại biểu đề nghị cần xem xét thời điểm hợp lý đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Đồng thời, cần làm rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án và khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (khoảng 7,8 tỷ USD) chỉ là mức đầu tư ước tính, độ chính xác chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn và ngân sách Nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Nếu khả năng vay được từ nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng cần sự bảo lãnh của Chính phủ. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị, về phương án huy động vốn, cần huy động thêm nguồn vốn từ các thành phần ngoài Nhà nước để giảm tỷ trọng vốn Nhà nước đầu tư vào dự án, hạn chế tác động lớn đến nợ công.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và một số đại biểu đề nghị làm rõ hiệu quả KT-XH của dự án, bởi Báo cáo đầu tư dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, nhưng thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ, môi trường xã hội tốt, môi trường đầu tư thuận lợi... Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và nhiều đại biểu cho rằng, một cảng hàng không trung chuyển với quy mô lớn và hiện đại như Cảng HKQT Long Thành đòi hỏi năng lực quản lý, vận hành. Nhưng thực tế thời gian qua, các sân bay của nước ta với quy mô chưa đủ lớn nhưng trình độ quản lý, vận hành còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm năng lực quản lý, vận hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả khi Cảng HKQT Long Thành đi vào hoạt động.

Ngày 15-11, QH bước sang ngày làm việc thứ hai mươi ba, các đại biểu QH nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về những vấn đề liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm; nghe công bố kết quả kiểm phiếu và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trong ngày làm việc, QH thảo luận ở hội trường về các dự án Luật Bầu cử QH và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế.

Lấy phiếu tín nhiệm minh bạch và công khai

Sau khi Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, QH đã biểu quyết thông qua danh sách Ban Kiểm phiếu gồm 29 thành viên. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện với ba mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Mỗi đại biểu được phát 11 lá phiếu với tổng số 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm theo Danh sách đã được thông qua. Việc tiến hành lấy phiếu được thực hiện minh bạch, công khai theo đúng quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Dựa trên báo cáo của các bộ trưởng, trưởng ngành và thực tiễn (trong đó có kiểm kê tài sản), đại biểu QH sẽ lựa chọn mức đánh giá phù hợp. Rút kinh nghiệm lần lấy phiếu tín nhiệm trước, lần này đại biểu có 30 phút nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định.

QH đã tiến hành bỏ phiếu và cuối phiên làm việc buổi chiều công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho 50 chức danh QH bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó QH thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm với kết quả 451/451, bằng 100% số đại biểu có mặt nhất trí biểu quyết thông qua.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các đại biểu QH đã công tâm, trung thực thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Thảo luận ba dự án Luật

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định để thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND để cử tri lựa chọn và bầu những người thật sự tiêu biểu vào QH, HĐND các cấp...

Đối với tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu, một số đại biểu QH đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn, điều kiện đối với người ứng cử đại biểu để nâng cao chất lượng của đại biểu được bầu. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ các nguyên tắc lập danh sách cử tri bởi nội dung này được nêu trong dự thảo Luật chưa nhất quán, không còn phù hợp tình hình hiện nay, ảnh hưởng việc thực hiện quyền bầu cử của công dân. Các đại biểu: Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, việc bảo đảm bình đẳng giới cần quy định thành nguyên tắc xuyên suốt trong dự thảo Luật, cần đưa tỷ lệ nữ cao hơn nữa vào danh sách ứng cử và đề cử vào QH và HĐND các cấp; từng bước xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ. Việc nhận diện và giải quyết vấn đề giới bằng các biện pháp lập pháp cần được thể hiện rõ, thực chất và khả thi.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, đề cập đến việc tăng thuế suất thuế TTĐB, các đại biểu: Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và nhiều đại biểu đồng tình việc tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá và rượu, bia. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá và bia, rượu còn thấp, chưa phù hợp. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và một số đại biểu băn khoăn, nếu tăng thuế mặt hàng thuốc lá và rượu, bia sẽ gia tăng nạn buôn lậu thuốc lá. Hơn nữa, nếu tăng thuế quá mức, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thuốc lá và rượu, bia trong nước sẽ phải thu hẹp sản xuất, Nhà nước giảm nguồn thu, đời sống của một bộ phận người lao động sẽ gặp khó khăn... Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, tăng thuế đối với mặt hàng rượu, bia cần phải cân nhắc kỹ. Vì tăng thuế làm tăng giá cả, đánh vào người tiêu dùng, làm giảm doanh số sản xuất của doanh nghiệp.

Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế, quy định, xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014. Về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, những năm qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn, song quy định như nêu trên là không phù hợp. Việc xóa nợ ảnh hưởng tính nghiêm minh của pháp luật; tạo kẽ hở, tạo cơ chế "xin, cho" gây thất thoát tiền của Nhà nước... Do vậy, phải xem xét thời gian xóa nợ, hình thức khoanh nợ, giãn nợ phù hợp; chỉ nên xóa nợ cho những doanh nghiệp thật sự khó khăn...

Chủ nhật, ngày 16-11-2014, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 17-11-2014, QH bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn (phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp)./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com