Hoàng Sa - Vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

09:11, 21/11/2014

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Ngày 22-1-1974, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon về biến cố Hoàng Sa và ngày 28-1-1974, thông báo tới tất cả các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng hòa về hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong cuộc hành quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày 30-3-1974, tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng kinh tế LHQ về châu Á và Viễn đông (ECAPE), tại Colombo, Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

Ngày 2-7-1974, tại kỳ họp thứ 2 của Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển (UNCLOS III) diễn ra tại Caracas (20-6-1974 - 29-8-1974), đại biểu của Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng.

Ngày 14-2-1975, Việt Nam Cộng hòa công bố Sách Trắng về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

V. Nhà nước Việt Nam thống nhất đã tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ sau năm 1975

Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam đã đến. Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong mùa khô năm 1975, bao gồm các đảo và các quần đảo Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc...

Ngày 5-4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân đã triển khai kế hoạch chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. Lực lượng tham gia giải phóng gồm có các tàu của đoàn vận tải quân sự 125, đoàn 126 đặc công, tiểu đoàn 471, đặc công Quân khu 5 và tiểu đoàn 407 cùng lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hoà. Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương nhanh chóng đánh đảo Song Tử Tây trước để làm bàn đạp và rút kinh nghiệm đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa và các đảo còn lại của quần đảo. Và từ ngày 13 đến ngày 28-4, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã giải phóng và tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đang quản lý, đồng thời triển khai lực lượng tại các đảo và một số vị trí khác để bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Ngày 9-9-1975, đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng thế giới đã tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào hệ thống SYNOP của Tổ chức Khí tượng quốc tế với ký hiệu 48.860 và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 24-9-1975, trong cuộc gặp đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.

Ngày 5-6-1976, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có quyền bảo vệ chủ quyền đó.

Ngày 2-7-1976, Nhà nước CHXHCN Việt Nam được thành lập và hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Ngày 12-5-1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng. Đoạn 5 của Tuyên bố viết: các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở Điều 1 đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các Điều 1, 2, 3, và 4 của Tuyên bố này.

Tại phiên họp thứ 7 cuộc đàm phán về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cuộc đàm phán này bắt đầu từ ngày 9-10-1977, Trưởng đoàn Việt Nam Phan Hiền, đã bác bỏ vu cáo của phía Trung Quốc đối với việc Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Phan Hiền đề nghị với ông Hàn Niệm Long, Trưởng đoàn Trung Quốc, về việc đưa vấn đề hai quần đảo vào chương trình nghị sự, nhưng phía Trung Quốc từ chối.

Ngày 30-12-1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong Tuyên bố ngày 29-12-1978 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất bình bằng thương lượng hoà bình.

Ngày 15-3-1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Bị Vong Lục về vấn đề biên giới Việt - Trung. Điểm 9 của Bị Vong Lục đã tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1-1974.

Ngày 7-8-1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết sự tranh chấp về 2 quần đảo giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình.

Ngày 28-9-1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách Trắng: "Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa'', trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo.

Ngày 22-10-1979, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam tuyên bố phản đối việc Trung Quốc lập ra 4 vùng nguy hiểm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cắt ngang các đường bay quốc tế qua Biển Đông.

Ngày 28-11-1979, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ các quy định của Trung Quốc chỉ đạo hoạt động của máy bay dân dụng nước ngoài qua vùng trời quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện về “Tây Sa và Nam Sa”. Ngày 5-2-1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Trung Quốc trong văn kiện ngày 30-1-1980.

Tháng 6-1980, Hội nghị Khí tượng khu vực châu Á lần II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm như cũ.

Tháng 7-1980, tại Hội nghị địa chất quốc tế lần thứ 26 ở Paris (từ 7 đến 17-7-1980), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Phạm Quốc Tường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam đã gửi Công hàm cho Chủ tịch Hội nghị Địa chất quốc tế và Tổng Thư ký Hội nghị vạch trần và tố cáo hành động của Đoàn đại biểu Trung Quốc đã lợi dụng Hội nghị để tuyên truyền cái gọi là Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì chúng là sự kéo dài của lục địa Trung Hoa.

Tháng 12-1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam điện cho Chủ tịch Uỷ ban Đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 12-1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách Trắng: "Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”.

Tháng 10-1982, tại Hội nghị Toàn quyền của UIT, đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève.

Ngày 12-11-1982, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.

Ngày 11-12-1982, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 1-1983, Hội nghị Hành chính Thế giới về thông tin vô tuyến đã đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị sắp tới.

Cũng tháng 1-1983, Hội nghị Hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương họp ở Singapore, Trung Quốc muốn mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và FIR Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng.

Ngày 25-4-1984, Ủy ban Địa danh Trung Quốc công bố tên mới cho các đảo, bãi đá trong Biển Đông, trong đó có đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 6-5-1984, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc đặt tên của Trung Quốc.

Tại Hội nghị Tổ chức Thông tin Vũ trụ quốc tế (INTELSAT) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu của Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc sử dụng những bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa) là của Trung Quốc.

Tháng 12-1985, Việt Nam phê chuẩn Công ước Nairobi 1982, tuyên bố yêu cầu UIT sửa đổi Phụ lục AER2 của Thể lệ vô tuyến viễn thông, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, vì vậy Việt Nam không chấp nhận những thay đổi nào có liên quan đến các tần số đã được phân chia ở vùng 6D, 6F, 6G nêu trong biên bản Hội nghị hành chính thế giới về thông tin vô tuyến năm 1978.

Ngày 5-1-1986, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố việc Hồ Diệu Bang, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với Lưu Hoa Thanh, Trương Trọng Tiên, đi thị sát quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 1-1, là hoạt động phi pháp, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Ngày 28-11-1987, Thông tấn xã Việt Nam ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Mọi biện pháp hành chính và các hoạt động thăm dò khảo sát của nước khác ở khu vực 2 quần đảo này đều bất hợp pháp, không có giá trị và vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1988, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho LHQ, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các Công hàm ngày 16, 17, 23-3-1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14-4-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13-4-1988 thành lập tỉnh Hải Nam).

Tháng 4-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách Trắng "Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế".

Ngày 4-3-1992, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm phản đối “Pháp lệnh về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải của CHND Trung Hoa”. Công hàm khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 22-1-1994, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam có quyền kiểm soát đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu và quản lý Nhà nước 2 quần đảo này từ thế kỷ XVII.

Ngày 23-6-1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, trong đó, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình với các nước có liên quan. Quốc hội còn nhấn mạnh cần phân biệt vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với vấn đề phân định các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia theo đúng các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com