Những dấu mốc lịch sử trên Quảng trường Ba Đình

09:09, 02/09/2014
Lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình.
Lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình.

Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Vị trí Quảng trường Ba Đình nằm ở phía Tây cổng thành cổ Hà Nội. Cho tới đầu thế kỷ 20, khu vực này là một khoảng trống với bãi hoang, cùng hồ ao mới được san lấp. Người Pháp đã xây dựng ở đây một vườn hoa. Xung quanh vườn hoa này một số công trình công sở, biệt thự được xây dựng. Một trong những công trình được xây dựng sớm là Phủ Toàn quyền (1902), sau này là Phủ Chủ tịch. Về sau thêm các công trình quan trọng khác là Trường An-be Sa-rô (1919), nay là Cơ quan Trung ương Đảng và Sở Tài chính (1925), nay là trụ sở Bộ Ngoại giao.  

Cách mạng Tháng Tám thành công, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự kiện đó cùng tên Quảng trường Ba Đình đã được cả thế giới biết đến. Tên Ba Đình được đặt để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở vùng Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá (năm 1886-1887). Đã có rất nhiều sự lựa chọn địa điểm cho cuộc mít tinh ngày 2-9-1945, nhưng cuối cùng vườn hoa Ba Đình được chọn và trở thành Quảng trường Ba Đình.

Vào lăng viếng Bác.
Vào lăng viếng Bác.
Một phiên đổi gác của các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một phiên đổi gác của các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rặng tre bên Lăng Bác.
Rặng tre bên Lăng Bác.

Sau đó, Quảng trường Ba Đình có tên là Quảng trường Độc lập. Và trong thời gian Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đổi tên là vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, quân ta về tiếp quản Thủ đô và nơi đây lại được trả lại tên Quảng trường Ba Đình; cạnh đó Phủ Toàn quyền trở thành Phủ Chủ tịch.

Sau này có nhiều ý kiến đổi tên Quảng trường Ba Đình thành Quảng trường Độc lập hay Quảng trường 2-9 để gắn liền với sự kiện hơn, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ tên này vì nó đã đi vào lịch sử.

Từ sau năm 1954, có một số công trình được xây dựng thêm xung quanh khu vực Quảng trường Ba Đình, bên cạnh những kiến trúc thuộc địa cũ. Đó là Hội trường Ba Đình (hoàn thành năm 1963), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1975), Bảo tàng Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1990), Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc (hoàn thành năm 1994). Ngoài các công trình lớn như trên, trong quần thể kiến trúc ở Quảng trường Ba Đình có một số công trình nhỏ nhưng cũng rất quan trọng và ý nghĩa như Chùa Một Cột, khu vực nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch.

Cơ quan Trung ương Đảng.
Cơ quan Trung ương Đảng.
Phủ Chủ tịch.
Phủ Chủ tịch.
Trụ sở Bộ Ngoại giao.
Trụ sở Bộ Ngoại giao.

Quảng trường Ba Đình là nơi chứng kiến bao sự kiện lịch sử của đất nước, và đều gắn với mùa thu: Mùa thu cách mạng năm 1945, mùa thu trở về Hà Nội năm 1954; và mùa thu năm 1969, tại Hội trường Ba Đình, Việt Nam và bạn bè quốc tế đã thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba Đình trở thành đất mảnh đất thiêng cùng những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ, cùng những kiến trúc tâm linh hiện hữu: Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Và đặc biệt hơn nữa, với việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long ngay bên quảng trường, Ba Đình càng trở nên ý nghĩa và thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Cho tới bây giờ, Quảng trường Ba Đình vẫn là trung tâm chính trị - văn hoá, là nơi đã diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước. Và đây cũng là nơi có quy hoạch, cảnh quan và quần thể kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội./.

Theo: VOV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com