Luật Biển Việt Nam

06:09, 05/09/2014

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Phần IV Quản lý biển và chiến lược biển Việt Nam

Câu hỏi 43. Khái niệm về quản lý Nhà nước đối với các vùng biển?

Trả lời: Quản lý Nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người. Quản lý Nhà nước là sự tác động có tổ chức, có hệ thống, bằng pháp luật nhằm điều chỉnh có hiệu lực, hiệu quả các quan hệ xã hội theo ý chí của Nhà nước.

Trong điều kiện phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay, các mối quan hệ cần được điều chỉnh bằng pháp luật của Nhà nước là rất đa dạng, phong phú và phức tạp đang diễn ra trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. Điều đó tất yếu đòi hỏi cần phải tăng cường sự quản lý của Nhà nước, tức là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực của Nhà nước đối với quá trình kinh tế - xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong công cuộc phát triển kinh tế biển, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển.

Trong quản lý Nhà nước về biển, có 2 nội dung quan trọng:

- Sự tác động có tổ chức và điều chỉnh: tổ chức là sự thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa con người, giữa các tập thể để thực hiện một quá trình xã hội. Tổ chức là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện quá trình quản lý Nhà nước đối với các vùng biển. Điều chỉnh là sự quy định về mặt pháp lý thể hiện bằng các quy định quản lý, về quy tắc, quy chuẩn... nhằm tạo sự phù hợp giữa chủ thể và khách thể quản lý, tạo sự cân bằng, cân đối các mặt hoạt động của con người.

- Sự tác động mang tính chất quyền lực Nhà nước, tức là sự tác động bằng pháp luật và theo nguyên tắc pháp chế.

Quyền lực Nhà nước được thể hiện trong quản lý Nhà nước đối với các vùng biển là pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và khi ra quyết định quản lý, điều hành, các nhà chức trách phải dựa trên cơ sở pháp luật, đúng pháp luật.

 Rõ ràng là trong các nội dung quản lý Nhà nước về biển, Luật Biển có vai trò như là công cụ không thể thiếu được để điều chỉnh những loại quan hệ xã hội phát sinh, tồn tại ở trong môi trường biển.

 Câu hỏi 44. Tại sao nói Luật Biển Việt Nam là căn cứ pháp lý để tổ chức hệ thống các cơ quan và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về biển?

Trả lời: Luật Biển, trước hết với tư cách là công cụ quản lý biển, thông qua việc quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ, các chế độ, thể lệ, quy chế làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước, các công chức, bảo đảm cho bộ máy Nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao trong khi thực thi nhiệm vụ quản lý biển. Tuy nhiên, muốn phát huy được hiệu quả của "công cụ" đó, điều cần thiết và quan trọng hơn là việc thiết lập ra một hệ thống tổ chức, lực lượng quản lý biển đầy đủ đồng bộ, có quyền năng và có cơ chế chỉ huy, điều phối ăn khớp, nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương, điều chỉnh và phân chia phạm vi quản lý của các cơ quan quản lý tổng hợp các cấp.

Một trong những chức năng cơ bản của Luật Biển là chức năng bảo vệ. Đó là sự đảm bảo cho các quan hệ xã hội luôn luôn được điều chỉnh bởi pháp luật, tránh những xâm phạm, vi phạm xảy ra trên các vùng biển. Để bảo vệ các quan hệ xã hội, Nhà nước ban hành các quy phạm có chế tài quy định những hành vi vi phạm, các loại hình phạt, mức độ xử phạt và thi hành các quyết định xử phạt. Đồng thời, Luật Biển cũng quy định thẩm quyền của các cơ quan thực hiện việc ngăn chặn và xử phạt, bảo vệ pháp luật. Đó là những chức năng cơ bản của các cơ quan tài phán, như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh tra; các cơ quan hành chính như: UBND các cấp, các cơ quan chuyên trách của các bộ, ngành; thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp...

Câu hỏi 45. Cơ quan, lực lượng và quyền hạn của các tổ chức cơ quan, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý biển của Việt Nam theo quy định của Luật Biển Việt Nam?

Trả lời: Điều 7 Luật Biển Việt Nam đã quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về biển, như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về biển trong phạm vi cả nước;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về biển.

Điều 47, 48 Luật Biển Việt Nam đã quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển và nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm:

- Các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác.

- Lực lượng dân quân tự vệ của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, lực lượng bảo vệ của tổ chức cơ quan đóng ven biển và các lực lượng khác có trách nhiệm tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển khi được cơ quan có thẩm quyền huy động.

Về chế tài xử lý vi phạm đã được Luật Biển Việt Nam quy định tại các điều: 50, 51, 52, 53 Chương VI. Các quy định này đã chỉ rõ tính chất, mức độ vi phạm cần phải được xử lý thích hợp, theo đúng thủ tục pháp lý, bằng những hình thức như xử lý kỷ luật xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm dân sự, hình sự theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 46. Hệ thống thể chế quản lý biển, hải đảo của Việt Nam hiện nay?

Trả lời: Hiện nay, trong hệ thống thể chế quản lý biển, đảo Việt Nam chủ yếu có hai loại hình:

1. Các cơ quan quản lý Nhà nước về biển theo ngành:

Có khoảng 13 bộ, ngành cùng tham gia:

- Cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và thủy sản: Bộ NN và PTNT là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi tại các vùng biển, ven biển và hải đảo.

- Cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản và dầu khí: Bộ TN và MT là cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản; Bộ Công thương là cơ quan quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại lĩnh vực dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; Bộ Xây dựng là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng.

- Cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT biển: Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT trong đó có GTVT biển, gồm có: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm.

- Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch biển.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về ngoại giao và biên giới lãnh thổ quốc gia.

- Cơ quan quản lý Nhà nước về quốc phòng trên biển: Bộ Quốc phòng có mối quan hệ mật thiết với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các lực lượng của Bộ Quốc phòng luôn đóng vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật và phòng thủ trên khu vực biên giới biển, đảo. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ quan trọng liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng trên biển, bao gồm: điều hành chung các hoạt động tác chiến, trong đó các lực lượng chiến đấu trực tiếp là các đơn vị hải quân quản lý vùng trời, hoạt động biên phòng, cảnh sát biển, tìm kiếm, cứu nạn...

- Cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh vùng biển, ven biển: Bộ Công an là cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cả nước.

2. Cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển:

Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 3-4-2008 của Chính phủ đã giao cho Bộ TN và MT nhiệm vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; ngày 26-8-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ TN và MT quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Ở 28 tỉnh, thành phố ven biển nhiệm vụ này được giao cho Sở TN và MT trực thuộc UBND tỉnh, thành phố.

Về bản chất, quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo không thay thế quản lý Nhà nước theo ngành/lĩnh vực nói trên, mà chỉ đóng vai trò điều chỉnh và kết nối các hành vi phát triển (khai thác, sử dụng) của các ngành, lĩnh vực của những người sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo.

 Trải qua 5 năm áp dụng, hai loại hình quản lý Nhà nước về biển nói trên đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ, quản lý và phát triển biển, đảo của Việt Nam trong tình hình hiện nay hay không, đó vẫn là câu hỏi còn phải được tìm câu trả lời khoa học và khách quan nhất. 

Câu hỏi 47. Phát triển kinh tế biển đã được quy định trong Luật Biển Việt Nam như thế nào?

 Trả lời: Điều 42, Chương IV Luật Biển Việt Nam đã quy định về nguyên tắc phát triển kinh tế biển như sau:

- Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển.
- Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
- Gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo.

Các điều: 43, 44, 45, 46 đã quy định rất chi tiết về: phát triển các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.

Trong khuôn khổ của các quy định nói trên, chính sách là chủ trương, định hướng cơ bản được cơ quan có thẩm quyền xây dựng trên cơ sở đường lối, pháp luật, chiến lược của Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể hoặc trong quy hoạch phát triển tổng thể nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Chính sách biển là một trong những chính sách cụ thể trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và bảo vệ môi trường biển được xây dựng trong khuôn khổ của những chế định của Luật Biển Việt Nam và nhằm định hướng cho mọi hoạt động trong các vùng biển theo đúng những quy định của Luật Biển Việt Nam. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, an toàn trên biển, là điều kiện quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com