Gần đây, một số người lợi dụng danh nghĩa “Những đảng viên trung thành” để “bày tỏ suy nghĩ” với “tâm nguyện vì nước, vì dân” với Đảng về con đường phát triển đất nước, nhưng thực chất là muốn Đảng ta từ bỏ vai trò lãnh đạo đất nước, muốn xoá bỏ chế độ XHCN, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực thì “suy nghĩ”, “tâm nguyện” của một số người ấy chỉ là những tiếng nói lạc lõng.
Lợi dụng những diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới thời gian qua, họ đưa ra đánh giá thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc lịch sử cách mạng nước ta. Họ cho rằng đường lối xây dựng xã hội XHCN ở nước ta “theo mô hình Xô-viết”, là “con đường sai lầm”, từ đó họ kiến nghị phải chuyển hẳn “sang đường lối dân tộc và dân chủ” mà nội dung chủ yếu là “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”. Điều đó thực chất là họ muốn xoá bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” theo mô hình tư bản chủ nghĩa - điều mà nhân dân ta không chấp nhận được; bởi lịch sử gần 85 năm qua từ khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ và trong cách mạng XHCN; thực tế đó đã được chứng minh. Xây dựng xã hội XHCN là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam.
Đúng là, trước thời kỳ đổi mới (trước năm 1986) trong bối cảnh lịch sử lúc đó, chúng ta xây dựng đất nước theo mô hình Xô-viết với đặc trưng: Nhà nước chuyên chính vô sản, kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, không khai thác hết tiềm năng của đất nước, không tạo ra động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, Đại hội VI của Đảng năm 1986, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào cách mạng nước ta, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Chúng ta tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Về đối ngoại, chúng ta mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới… Thành tựu của gần 30 năm đổi mới không chỉ mọi người dân Việt Nam được thấy, được thụ hưởng, mà bạn bè quốc tế cũng ghi nhận, đánh giá cao. Tại Hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hoá” do Quỹ Hoà bình và phát triển Việt Nam và Mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam - Nam tổ chức ngày 13 và 14-8 tại Hà Nội, học giả người Bỉ Phrăng-xoa U-ta đã đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Học giả này cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, lãnh đạo đất nước đạt được nhiều kết quả và thành tựu kinh tế. Việc thực hiện chính sách mở cửa, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam và mang lại cho Việt Nam một vị thế quốc tế mới. Ông nói: “Tôi nhất trí với đánh giá của Ngân hàng Thế giới mới đây khi cho rằng, Việt Nam là một điển hình thành công trong phát triển. Tuy nhiên, nếu như nói rằng chính sách mở cửa là “chìa khoá” cho thành công thì tại sao các nước khác ở châu Phi, Mỹ La-tinh lại không đạt được thành tựu như ở Việt Nam. Điều tôi nhấn mạnh ở đây chính là sự vận dụng linh hoạt, đổi mới tư duy bằng việc thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Như vậy, nếu nói “công cuộc đổi mới gần 30 năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để” là trái với thực tế những gì diễn ra ở Việt Nam, là cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử.
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt gần 85 năm qua còn được khẳng định không phải do Đảng tự nhận lấy mà là sự tin tưởng, giao phó của nhân dân. Điều đó được toàn dân thừa nhận. Hiến pháp năm 2013, tại điều 4 đã quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, vẫn còn nhiều bất cập, đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Đặc biệt, trong Đảng vẫn còn một bộ phận đảng viên tha hoá, suy thoái đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi…
Điều này, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thẳng thắn chỉ ra và đã có những giải pháp cấp bách để khắc phục. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đến nay, các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã dần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình xây dựng và phát triển ở mỗi địa phương và của cả nước… Như vậy, không thể từ những khuyết điểm mà Đảng thẳng thắn chỉ ra và đã từng bước khắc phục để rồi quy kết, “thổi phồng” thành những “sai lầm” của Đảng rồi đòi thay đổi “chế độ độc đảng, toàn trị”. Đó chỉ là luận điệu của những thế lực thù địch chứ không phải tâm nguyện của những đảng viên chân chính.
Dân chủ là một thành quả của lịch sử nhân loại, được hình thành và phát triển qua từng giai đoạn. Ở nước ta nền dân chủ ra đời từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng XHCN, có bước phát triển phù hợp với quy luật phát triển đất nước. Nếu như Cương lĩnh thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1992) nêu: “Nhà nước XHCN do nhân dân lao động làm chủ”, thì đến Cương lĩnh tại Đại hội XI (2011), Đảng ta nêu mục tiêu của cách mạng và bản chất của chế độ xã hội ta là: “Xã hội mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xã hội đó dựa trên: “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”; “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”, “Quyền con người được tôn trọng và bảo vệ”… Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã dành cả một chương về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, nêu lên một cách đầy đủ các nguyên tắc về quyền con người theo các công ước quốc tế về quyền con người. Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ, tôn trọng quyền con người. Như vậy, nguyên cớ gì để phải “thay đổi cương lĩnh”, “chuyển đổi thể chế” như một số người đòi hỏi.
Về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta giữ vững nguyên tắc không nhân nhượng về chủ quyền, đấu tranh kiên quyết bằng mọi biện pháp, phương pháp, trước hết là phương pháp hoà bình; đấu tranh trên thực địa, trên mặt trận ngoại giao, làm rõ chính nghĩa của nhân dân ta, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới. Cân nhắc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý vào thời điểm thích hợp theo đúng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Đường lối, quan điểm và phương pháp đấu tranh của ta được thực hiện sáng tạo, linh hoạt, không để bị động, bất ngờ, không để nước ngoài tạo cớ, gây xung đột vũ trang, giữ vững môi trường hoà bình, kiên quyết bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống; được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta khi tiếp xúc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc luôn khẳng định lập trường có tính nguyên tắc: Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thoả đáng vấn đề trên biển, duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực; thực hiện luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện nghiêm túc “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, tiến tới xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”. Như vậy, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, chúng ta hoàn toàn chủ động, kiên quyết, không nhân nhượng nhưng mềm dẻo, giữ vững độc lập, giữ vững môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước, đánh giá đúng đối tác, đối tượng… chứ không phải “ngộ nhận”, không phải là “chư hầu kiểu mới” như một số người xuyên tạc.
Bày tỏ những suy nghĩ, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị để đất nước ngày một tốt đẹp hơn là việc làm đáng trân trọng. Nhưng nếu mang danh nghĩa là đóng góp ý kiến rồi đưa ra những suy nghĩ cực đoan, lệch lạc, thậm chí xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được thì quá chủ quan, với dụng ý không tốt, nếu không muốn nói là tâm không trong sáng. Nếu một số người cho rằng con đường mà Đảng (và cũng là của nhân dân ta lựa chọn) là “sai lầm” thì họ muốn con đường chúng ta đi là như thế nào? Con đường để đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là “sai” thì chẳng lẽ đắm chìm trong nô lệ, nghèo nàn, lạc hậu… là con đường “đúng”? Họ nên tĩnh tâm suy nghĩ lại!
N.H.H