Luật Biển Việt Nam

06:08, 15/08/2014

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Câu hỏi 34. Cho đến nay Việt Nam đã đàm phán và ký được bao nhiêu điều ước quốc tế về hoạch định ranh giới các vùng biển với các nước liên quan và còn phải tiếp tục công việc này như thế nào?

Trả lời: Việc đàm phán hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và các nước ven bờ Biển Đông đã, đang và sẽ tiến hành giải quyết đối với các khu vực như sau:

1. Ranh giới các vùng biểnthềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ có liên quan giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà bờ biển của hai bên nằm liền kề và đối diện nhau, cách nhau dưới 400 hải lý.

2. Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa có liên quan giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia ở khu vực phía Bắc, giữa và phía Nam Biển Đông.

3. Ranh giới các vùng biển thềm lục địa có liên quan giữa Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Campuchia trong vịnh Thái Lan.

4. Ranh giới phạm vi biển thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Cho đến nay, Việt Nam đã giải quyết xong:

- Ranh giới biển trong Vịnh Bắc Bộ, ký ngày 25-12-2000.

- Ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia ở khu vực phía Nam Biển Đông, ký ngày 26-6-2003.

- Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa trong vịnh Thái Lan có liên quan giữa Việt Nam và Thái Lan, ký ngày 9-8-1997.

- Ngoài ra, ngày 5-6-1992, giữa Việt Nam và Malaysia đã ký kết thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời về việc cùng khai vùng chồng lấn 2.800km2.

- Hiệp định về “vùng nước lịch sử” giữa Việt Nam và Campuchia, ký ngày 7-7-1982.

Sắp tới, Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan đàm phán, ký kết các hiệp định phân định biển, cụ thể là:

- Phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia.

- Phân định ranh giới thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Malaysia.

- Phân định ranh giới thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam, Thái Lan, Malaysia trong vịnh Thái Lan.

- Phân định biên giới, ranh giới biển giữa Việt Nam và Campuchia trong “vùng nước lịch sử” và ngoài “vùng nước lịch sử”.

- Phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Câu hỏi 35. Nội dung Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ?

Trả lời: Trong thời gian 10 năm, từ năm 1991 đến năm 2000, đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp không chính thức của Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên Nhóm công tác liên hợp, 10 vòng họp Tổ chuyên gia đo vẽ kỹ thuật phân định và xây dựng tổng đồ Vịnh Bắc Bộ, 6 vòng đàm phán về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 25-12-2000, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết. Hiệp định này gồm có 11 điều khoản với những nội dung chính là:

- Khẳng định nguyên tắc chỉ đạo công việc phân định là: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình; củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, giữ gìn sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của Vịnh Bắc Bộ; thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, giải quyết một cách công bằng hợp lý.

- Xác định phạm vi phân định và xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Theo đó, Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh (xem hình). Việt Nam được hưởng hơn Trung Quốc 6,46% diện tích vịnh, tức khoảng 8.205km2.

Việc ký kết Hiệp định này mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lần đầu tiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có một đường biên giới biển rõ ràng, bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ có giá trị quốc tế, được hai bên cùng thỏa thuận dựa theo nguyên tắc do Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định.

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá đã xác định rõ phạm vi và tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước tiến hành bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong vịnh, tăng cường tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước.

Các hiệp định này cũng là đóng góp rất có giá trị cho luật pháp và thực tiễn trong việc phân định ranh giới biển nói chung và ranh giới biển trong vịnh nói riêng, phù hợp với nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hoặc kế cận mà Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định.

Câu hỏi 36. Nội dung Hiệp định phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan trong vịnh Thái Lan?

Trả lời: Thái Lan và Việt Nam là hai nước có bờ biển đối diện, đều có quyền mở rộng vùng biển của mình theo đúng quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, do đó đã tạo ra một vùng chồng lấn rộng khoảng 6.074km2. Vùng chồng lấn này được tạo ra bởi yêu sách của mỗi bên đã dựa vào vị trí của các đảo: quần đảo Thổ Chu nằm cách đảo Phú Quốc 55 hải lý, trong khi đó, các đá Ko Kra và Ko Losin của Thái Lan nằm cách bờ biển Thái Lan lần lượt là 26 và 37 hải lý.

Trước khi đàm phán phân định, hai bên đã đơn phương tiến hành phân lô cấp đặc nhượng thăm dò, khai thác dầu khí theo yêu sách của mình, do đó đã tạo ra tình trạng tranh chấp phức tạp. Để giải quyết tranh chấp này, tháng 10-1991, Ủy ban Hỗn hợp Việt - Thái về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã thông qua biên bản liên quan đến việc phân định ranh giới các vùng biển có liên quan giữa hai nước.

Sau khi quan hệ hai nước phát triển thêm với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan tháng 3-1997, hai bên đã xúc tiến đàm phán phân định cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có liên quan giữa hai nước.

Ngày 9-8-1997, Hiệp định phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan đã được ký kết, chấm dứt 1/4 thế kỷ tranh cãi về việc giải thích và áp dụng luật biển trong phân định vùng chồng lấn có liên quan giữa hai nước. Nội dung chủ yếu của Hiệp định này như sau:

- Đường phân định là đường thẳng C-K, là đường ranh giới phân định thềm lục địa và đồng thời là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan.

- Trong trường hợp có cấu trúc dầu khí hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang đường ranh giới thì hai bên có trách nhiệm trao đổi thông tin, cùng thỏa thuận để khai thác các cấu trúc hoặc mỏ này một cách có hiệu quả và phân chia lợi ích công bằng. Hai bên cũng cam kết sẽ đàm phán với Malaysia về vùng chồng lấn có liên quan giữa ba bên.

Đây là hiệp định phân định biển đầu tiên trong vịnh Thái Lan được ký kết, là hiệp định phân định toàn diện, tổng thể đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực.

Cùng với việc ký kết hiệp định này, hai bên còn đạt được thỏa thuận về hợp tác an ninh trên biển và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật trong vịnh thông qua việc tổ chức tuần tra chung giữa hải quân Thái Lan và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. (xem hình)

Câu hỏi 37. Nội dung Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia?

Trả lời: Bờ biển lục địa Việt Nam và bờ biển Kalimantan, Indonesia, cách nhau khoảng 474 hải lý, khoảng cách gần nhất giữa các đảo của hai bên là 246 hải lý. Gần đảo Natuna Bắc của Indonesia có một rãnh sâu khoảng 80 đến l00m.

 Căn cứ vào các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 về việc xác định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, hai nước có một vùng biển, thềm lục địa chồng lấn cần phân định.

Năm 1969, Indonesia tuyên bố giới hạn thềm lục địa của mình dựa theo nguyên tắc đường trung tuyến tính từ đường cơ sở quần đảo Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia hữu quan. Năm 1971, VNCH đã vạch ranh giới đặc nhượng dầu khí trên thềm lục địa của mình, dựa theo trung tuyến tính từ bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Bornéo, Indonesia. Năm 1972, Indonesia và VNCH đã tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn có diện tích khoảng 40.000km2, được hình thành bởi hai đường trung tuyến: trung tuyến đảo - đảo và trung tuyến bờ - bờ. Tháng 6-1978, Việt Nam và Indonesia nối lại đàm phân định vùng chồng lấn rộng khoảng 98.000km2, được hình thành bởi đường ranh giới tự nhiên (rãnh sâu) và trung tuyến đảo - đảo. Sau đó, Việt Nam đã đề xuất đường phân định mới, "đường dung hòa", nằm giữa đường rãnh ngầm và đường trung tuyến bờ - bờ, thu hẹp vùng chồng lấn xuống còn 40.000km2. Qua 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, vùng chồng lấn đã được thu hẹp lại còn khoảng 4.500km2.

 Trải qua 2 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 12 vòng đàm phán không chính thức, 4 cuộc trao đổi hẹp cấp Trưởng đoàn chuyên viên và 1 vòng đàm phán về kỹ thuật hải đồ, ngày 26-6-2003, Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia đã được ký kết. Hiệp định gồm có 6 điều chứa đựng nội dung liên quan đến vị trí đường phân định, tính chất của đường phân định, về bảo vệ môi trường biển, về cách thức xử lý các cấu tạo mỏ dầu khí hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang qua đường phân định, cách thức giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua hiệp thương hoặc đàm phán. Hiệp định có hiệu lực từ 29-5-2006. (xem hình)

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com