[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Câu hỏi 31. Nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là gì?
Trả lời: Phương thức “thụ đắc lãnh thổ” của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”. Nội dung cụ thể của nguyên tắc này đã được trình bày ở phần trả lời câu hỏi 28.
Việt Nam đã chính thức tuyên bố rằng: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đòi hỏi.
Câu hỏi 32. Thực trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vị trí chiếm đóng của các bên tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Trả lời:
1. Đối với quần đảo Hoàng Sa
Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XX, mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm vào năm 1909, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được chính quyền Pháp, đại diện cho Nhà nước Việt Nam, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.
Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.
Sơ đồ các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa |
Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Genève và trong khi chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, CHND Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 1-1974, lợi dụng quân đội VNCH đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, CHND Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm đảo phía Tây của Hoàng Sa đang do quân đội VNCH đóng giữ.
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của CHND Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội VNCH và đều bị Chính phủ VNCH, khi đó với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Genève năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
2. Đối với quần đảo Trường Sa
a. Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ XX, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”.
Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc (bấy giờ đang ở Hoa lục) xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan tái chiếm đảo Ba Bình.
Năm 1988, CHND Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía Tây Bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.
Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam quần đảo Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 9 vị trí. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô.
b. Philippines bắt đầu nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện ngày 17-5-1951, Tổng thống Philippines tuyên bố các đảo của quần đảo Trường Sa phải thuộc về lãnh thổ gần nhất là Philippines. Trong họp báo ngày 19-5-1956, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định rằng nhóm đảo Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa phải thuộc chủ quyền Philippines vì chúng nằm gần Philippines nhất.
Từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977-1978, chiếm thêm 2 đảo; năm 1979, công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11-6-1979 gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines. Năm 1980, Philippines chiếm đóng thêm 1 đảo nữa nằm về phía Nam Trường Sa, đó là đảo Condo... Đến nay, Philippines đã chiếm đóng 10 vị trí trong quần đảo này, gồm 7 đảo, đá san hô và 3 bãi cạn, rạn san hô.
c. Malaysia mở đầu bằng sự việc Sứ quán Malaysia ở Sài Gòn ngày 3-2-1971 gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao VNCH hỏi rằng quần đảo Trường Sa hiện thời thuộc nước Cộng hòa Morac Songhrati Mead có thuộc lãnh thổ VNCH hay VNCH có yêu sách đối với quần đảo đó không? Ngày 20-4-1971, chính quyền VNCH trả lời rằng quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, mọi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo này đều bị coi là vi phạm pháp luật quốc tế.
Tháng 12-1979, Chính phủ Malaysia xuất bản bản đồ gộp vào lãnh thổ Malaysia khu vực phía nam Trường Sa, bao gồm đảo An Bang và Thuyền Chài đã từng do quân đội VNCH đóng giữ.
Năm 1983-1984, Malaysia cho quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân. Năm 1988, họ đóng thêm 2 bãi ngầm nữa là Én Đất và Thám Hiểm... Đến nay, số điểm đóng quân của Malaysia lên đến 7 điểm nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, tất cả đều là những rạn san hô.
d. Brunei tuy được coi là một bên tranh chấp liên quan đến khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng trong thực tế Brunei chưa chiếm đóng một vị trí cụ thể nào. Yêu sách của họ là ranh giới vùng biển và thềm lục địa được thể hiện trên bản đồ có phần chồng lấn lên khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa.
Sơ đồ các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa (xem hình)
Câu hỏi 33. Nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn được quy định trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 15, Mục 2, Phần II, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hay đối diện nhau: "Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ phi có sự thỏa thuận ngược lại... Hay tại Điều 74, Phần V, Công ước quy định việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau: “Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đưòng thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng”..., thường được gọi là theo “nguyên tắc công bằng”.
Ngoài ra, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 còn quy định về các giải pháp tạm thời khi các bên có liên quan đàm phán phân định các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn, nhưng chưa đạt được giải pháp cuối cùng. Điểm 3, Điều 74 và Điểm 3, Điều 83 của Công ước quy định rõ, trong khi chờ ký kết thỏa thuận, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.
Thực tiễn, Việt Nam đã từng hoan nghênh và chủ động đưa ra giải pháp tạm thời đó, như thỏa thuận hợp tác khai thác chung khu vực 2.800 km2 giữa Việt Nam và Malaysia, giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, hay như trong đàm phán giữa Việt Nam với Indonesia đang tiến hành và Việt Nam đã chủ động đề xuất hợp tác khai thác chung trên các vùng chồng lấn. Trong Vịnh Bắc Bộ, mặc dù đã phân giới rõ ràng, Việt Nam vẫn sẵn sàng ký hiệp định đánh cá chung với Trung Quốc tạo điều kiện cho đôi bên giải quyết công ăn việc làm, đời sống cho dân cư đôi bên từ trước đến nay vẫn tồn tại.
Gần đây, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc mỏ dầu vắt ngang qua đường biên giới trên Vịnh Bắc Bộ, đó là những thực tiễn có ý nghĩa.
Rõ ràng là Việt Nam không từ chối các giải pháp tạm thời trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm “gác tranh chấp cùng hợp tác” do Trung Quốc đưa ra dựa trên yêu sách đường biên giới biển chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, chẳng dựa trên cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, để tạo ra “vùng chồng lấn” nhằm tìm mọi cách thực hiện chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
(Còn nữa)