Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hoà bình": Không có "Tự do báo chí" ngoài pháp luật

07:08, 28/08/2014

Ngày 4-7-2014, một số phần tử tự do, mang danh báo chí, tung lên mạng truyền thông xã hội tuyên bố thành lập "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam", tự phong chủ tịch và phó chủ tịch! Tại sao tổ chức bất hợp pháp này lại chọn ngày Quốc khánh Mỹ để thành lập và tuyên bố theo đuổi "tự do báo chí" ở Việt Nam?

Tự do báo chí ở Mỹ

Bất cứ quốc gia nào cũng không có nền báo chí tự do tuyệt đối, mà báo chí phải tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ, chế tài nhất định của pháp luật và chính quyền.

PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử báo chí thế giới cho biết: Mỹ là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nên một số người viện dẫn tự do báo chí ở nước này như một mẫu hình lý tưởng. Nhưng, ngay từ thời kỳ lịch sử nước Mỹ thuộc Anh, báo chí phải được cấp phép và chịu sự kiểm duyệt gắt gao trước khi xuất bản. Còn, Hiến pháp Hoa Kỳ (bổ sung năm 1791) quy định Quốc hội Mỹ không được phép hạn chế tự do ngôn luận và báo chí, nhưng lại cho phép Tòa án tối cao và chính quyền các bang của Mỹ ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật để điều phối và kiểm soát thông tin. Theo một đạo luật Mỹ năm 1798 thì, sẽ là tội phạm nếu viết, in, phát biểu và phổ biến những văn bản sai sự thật, cố ý xúc phạm hay chống lại chính quyền. Để truy cứu trách nhiệm hình sự lĩnh vực trên, Điều 2385, Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào, có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ.

Như vậy, không thể có "tự do báo chí" ngoài pháp luật, trên pháp luật, vì "tự do" như thế là vi phạm các giá trị độc lập, tự do của xã hội và công dân được pháp luật bảo vệ. Dư luận thế giới ngày nay không lầm tưởng và ảo tưởng là ở Mỹ có nền báo chí "tự do vô hạn hay tự do hoàn hảo". Áp đặt nhãn mác "tự do báo chí", "phi chính trị hóa báo chí"… chỉ là ngụy tạo, che giấu lợi ích của giai cấp tư sản, đánh lừa công chúng và các giai cấp khác.

Tự do báo chí ở Việt Nam và tổ chức hội của những người làm báo Việt Nam

Cũng như các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam ngay từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, đều quy định công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 2 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1989 được Quốc hội ban hành ngày 12-6-1999, quy định: "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng". Như vậy, Nhà nước Việt Nam từ khi ra đời đến nay chưa bao giờ xem nhẹ hay ngăn cản quyền tự do báo chí của công dân.

Ở Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp duy nhất của những người làm báo Việt Nam, được pháp luật công nhận, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Hội Nhà báo Việt Nam không chấp nhận xu hướng tự do báo chí lệch lạc, vi phạm pháp luật, đi ngược lại Hiến pháp và nguyện vọng của nhân dân. Hội Nhà báo Việt Nam có phạm vi hoạt động toàn quốc, gồm 3 cấp là Trung ương Hội; Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên Chi hội Nhà báo thuộc cơ quan báo chí Trung ương và Chi hội cơ sở. Hội Nhà báo Việt Nam hiện có hơn 20 nghìn hội viên là nhà báo chuyên nghiệp, được cấp Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Thẻ Nhà báo, sinh hoạt, công tác tại các Chi hội cơ sở và cơ quan báo chí trong cả nước, hoặc thường trú ở nước ngoài. Trong số này, có các thế hệ nhà báo vừa cầm bút vừa cầm súng, cùng cả nước chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Theo nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: "Một nền báo chí có được xem là tự do hay không, trước hết phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, bản chất, mục đích hoạt động của nó". Tự do báo chí ở Việt Nam là tự do phục vụ lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, phục vụ chế độ xã hội chủ nghĩa.

"Tự do báo chí" ngoài pháp luật là vi phạm tự do

"Hội Nhà báo độc lập Việt Nam" tự tuyên bố thành lập bất hợp pháp. Nhưng, ngay lập tức được cổ xúy trên mạng truyền thông xã hội, trong đó có Đài BBC. BBC dẫn lời thanh minh của "Chủ tịch" tự phong, rằng "không phải là tổ chức phản động". Vậy "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam" là tổ chức gì? Tổ chức này do một vài cá nhân không phải nhà báo đứng ra thành lập, trái với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về tổ chức hội và quản lý hội" ở Việt Nam. Họ bất chấp quy định về tư cách, tiêu chí nghề báo, thu nạp những phần tử chống đối trong và ngoài nước, công khai tuyên bố theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí, nhằm chống đối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý báo chí. Họ nhận là tổ chức "xã hội dân sự".

Tự do báo chí không phụ thuộc vào báo chí tư nhân. Mỗi đất nước, quốc gia, dân tộc đều có đặc điểm lịch sử và chế độ chính trị khác nhau. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ quan, tổ chức, giai cấp, các tầng lớp, các giới, các thành phần trong xã hội, đều có báo, tạp chí, bản tin của mình để bảo đảm quyền tự do thông tin, ngôn luận, bởi vậy không cần báo chí tư nhân. Những người viết báo không phải là nhà báo chưa bao giờ nhân danh "nhà báo tự do". Sự mạo danh chỉ là ngụy biện để che giấu cho hoạt động trái pháp luật. Không thể coi "tự do ngôn luận" là cơ sở để trở thành nhà báo ("In-tơ-nét không tạo ra nhà báo tự do", bài đăng Báo Nhân Dân). Họ kêu gọi ủng hộ từ "truyền thông quốc tế"? Chuyên mục "Bình luận - Phê phán" Báo Nhân Dân, mới đây phản ánh: Khi Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng, lập tức Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam ra "Thông cáo báo chí bày tỏ sự quan ngại sâu sắc". "Thông cáo…" được các Đài BBC, RFA, REI, VOA… và nhiều trang mạng xã hội ồ ạt đăng lại. Tác giả Tư Nguyên, trong một bài trên Báo Nhân Dân, viết: "Tôi rất ngạc nhiên khi Quốc hội Mỹ là người tài trợ cho cái đài này (RFA) mà tiếng nói của nó luôn đi ngược lại mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ". Mới đây nhất, dư luận Việt Nam rất bất bình, khi biết ngày 30-7-2014, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a cùng Đại sứ quán Mỹ, EU, nhóm G4 (Ca-na-đa, Niu-di-lân, Na-uy, Thụy Sỹ), đã tổ chức tại Trụ sở Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a ở Hà Nội hội thảo: "Truyền thông phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay". Bloger Khánh Linh, viết về hội thảo này: "Đại sứ Ô-xtrây-li-a muốn "tranh thủ" việc này để "tạo môi trường hợp pháp" từ đặc quyền ngoại giao về trụ sở của mình cho những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam với mục đích chống phá Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, lên án chính quyền, dưới lá bài hộ mệnh về cái gọi là "tự do ngôn luận" - Bài "Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?"  (Báo Nhân Dân ngày 19-8-2014). TTXVN ngày 25-2-2014 cho biết: Mỹ và phương Tây đã tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ thân Mỹ ở U-crai-na 815 triệu USD. Còn theo Tạp chí Hồn Việt (Hội Nhà văn Việt Nam): Tất cả các tổ chức phi chính phủ ở Đông Âu và Liên Xô thời kỳ cải tổ hiện nguyên hình là tổ chức chính trị sau đó. Họ ra sức cổ vũ cho việc thiết lập "xã hội dân sự" và các tổ chức phi chính phủ trá hình. Mỹ đã cấp 6 triệu USD cho 26 tổ chức phi chính phủ hoạt động chống Cu-ba (theo Báo Nhân Dân). Báo Quân đội nhân dân ngày 25-8-2014, đăng bài "Những âm mưu đen tối núp bóng "tự do báo chí", trao đổi của đồng chí Lê Đình Luyện, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, nhấn mạnh: "Đặc biệt gần đây, các đối tượng bên ngoài kích động, tập hợp lực lượng hứa hẹn tài trợ, hậu thuẫn cho các đối tượng trong nước lập các tổ chức hoạt động đối lập với hệ thống chính trị, tự phong các chức danh nhằm tạo dựng ngọn cờ trong nước hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước".

"Tự do báo chí" ngoài pháp luật là vi phạm pháp luật, vi phạm tự do. "Tự do báo chí" ngoài pháp luật và những ai cổ xúy cho nó, không đánh lừa được mọi người và pháp luật, chắc chắn đều bị tẩy chay, lên án./.

Trần Đại Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com