ASEAN đã và sẽ là trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam

06:08, 08/08/2014

Hôm nay, Chính phủ và nhân dân các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vui mừng kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Hiệp hội. Đối với ASEAN, đây là mốc có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu một chặng đường xây dựng và trưởng thành với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Gần 50 năm không ngừng mở rộng hợp tác và đẩy mạnh liên kết, ASEAN đã tạo dựng được vị thế quan trọng ở khu vực và trên thế giới với những đóng góp tích cực được ghi nhận cho hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ thông qua các nỗ lực tăng cường hợp tác và liên kết nội khối trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, song song với thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời mở rộng và nâng tầm quan hệ nhiều mặt, cùng có lợi với các đối tác bên ngoài, trong đó có các cường quốc và trung tâm lớn trên thế giới. ASEAN đã trở thành hạt nhân dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)..., là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á.

ASEAN đã tạo nên hình ảnh và vị thế của mình bằng khả năng duy trì “thống nhất trong đa dạng”, tạo dựng sức mạnh chung từ tính thống nhất, tinh thần đoàn kết và “Phương cách ASEAN”. ASEAN luôn đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Đoàn kết và thống nhất cũng chính là chìa khóa tạo nên uy tín và mức độ tin cậy của ASEAN trong quan hệ với các đối tác bên ngoài.

47 năm qua cũng chứng kiến sự chủ động, sáng tạo và phát triển thích ứng của ASEAN trước các biến chuyển mới của tình hình khu vực và quốc tế. Những đóng góp tích cực của ASEAN đã trở thành quan trọng, không thể thiếu cho hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. ASEAN đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tầm nhìn ARF 2020, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hiến chương ASEAN...

ASEAN cũng luôn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, thông qua việc xây dựng các cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF... Vai trò trung tâm của ASEAN được phát huy nhờ biết chủ động điều hòa, gắn kết và cân bằng các mối quan tâm và lợi ích để cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, hỗ trợ các nỗ lực liên kết và phát triển. Đây là nhân tố quan trọng giúp một tổ chức có quy mô khiêm tốn, gồm các quốc gia vừa và nhỏ như ASEAN trở thành hạt nhân thu hút các đối tác lớn và nhỏ ở cả trong và ngoài khu vực cùng tích cực tham gia các tiến trình đối thoại và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, trước hết là đưa Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực vào năm 2015, ASEAN cần vận dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn các nguyên tắc và phương châm hoạt động. Thống nhất trong quyết tâm chung và hành động mạnh mẽ nhằm hoàn thành đúng hạn và hiệu quả các kế hoạch hợp tác trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối ASEAN và thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời tăng cường ý thức và hành động vì một Cộng đồng chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau giữa Chính phủ và người dân các nước trong khu vực.

Giữ vững các nguyên tắc cơ bản, đoàn kết, thống nhất song song với chủ động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra trên chặng đường phát triển mới, nhất là các thách thức đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Các tiến trình đối thoại về xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và ngăn ngừa xung đột cần được tiếp tục thúc đẩy; các cam kết đã được quy định trong các văn kiện như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… cần được thực hiện nghiêm túc; các khác biệt, tranh chấp cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác bên ngoài, chủ động tạo điều kiện và khuyến khích các đối tác tham gia hợp tác xây dựng và đóng góp tích cực hơn nữa vào các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ thiết thực cho ASEAN xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết và kết nối, ứng phó với các thách thức đang đặt ra. Để giữ vững được vai trò trung tâm và vị thế của Hiệp hội ở khu vực, ASEAN cần chú trọng củng cố đoàn kết, duy trì lập trường và tiếng nói chung trên các vấn đề khu vực và quốc tế mà ASEAN và các đối tác cùng quan tâm và có lợi ích.

Chặng đường phía trước sẽ còn không ít khó khăn, thử thách nhưng với mong ước và lợi ích chung cao nhất mà các quốc gia thành viên ASEAN đều chia sẻ về một môi trường khu vực hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển, với bề dày kinh nghiệm và độ trưởng thành sau gần 50 năm, tinh thần đoàn kết và khả năng ứng xử linh hoạt, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng ASEAN sẽ vững vàng vượt qua các trở ngại và thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Gần 20 năm tham gia ASEAN và trong giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và có trách nhiệm đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ, ngày càng có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực và thế giới, vì sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia thành viên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. ASEAN đã và sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Mong muốn ASEAN tiếp tục phát triển vững vàng và thành công hơn nữa trên nền tảng những thành quả tốt đẹp của 47 năm qua, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no và phồn vinh cho tất cả người dân trong khu vực./.

N.Đ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com