Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính là: Phật giáo, Công giáo và Đạo Tin lành với 1.502 cơ sở thờ tự và hàng chục vạn tín đồ. Những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tôn giáo; đặc biệt là thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo kịp thời, đúng pháp luật. Các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Giáo xứ Giang Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, trực tiếp là Ban Tôn giáo phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đối với tôn giáo và các hoạt động tôn giáo cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Nội dung tuyên truyền, tập huấn tập trung vào các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác tôn giáo như: Nghị quyết số 25, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) của Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 22 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tín nguỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Quyết định số 3350/2005/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định một số điều trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Ban Tôn giáo tỉnh cũng tổ chức bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cho đội ngũ chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo… Thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã mở 65 lớp tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo với 8.750 người tham dự, 14 lớp cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc với 1.715 người tham dự; phối hợp tổ chức hơn 50 hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật tôn giáo cho trên 4 vạn lượt tín đồ các tôn giáo. Bên cạnh đó, việc giải quyết các đề nghị chính đáng, phù hợp quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo của tổ chức và cá nhân tôn giáo cũng được UBND các cấp giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Một số đề nghị về hoạt động tôn giáo chưa được pháp luật điều chỉnh cũng được xem xét, giải thích và trong từng trường hợp cụ thể có thể được vận dụng giải quyết phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và của từng địa phương. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh chấp thuận để các tôn giáo tổ chức các ngày lễ, đại hội, hội nghị ngoài chương trình đăng ký… chấp thuận thành lập gần 20 tổ chức tôn giáo cơ sở, 629 trường hợp đi đào tạo các trường tôn giáo; gần 540 trường hợp phong chức, phong phẩm… Ngoài ra, nhân các ngày lễ trọng, những sự kiện lớn của các tôn giáo, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức các đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi các chức sắc, nhà tu hành trong các giáo hội, những cơ sở thờ tự tiêu biểu. Trong công tác quản lý xây dựng công trình tôn giáo trong tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh chấp thuận để những công trình tôn giáo xuống cấp, nhỏ hẹp được xây dựng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tín đồ. Từ khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo đến nay, UBND tỉnh đã xem xét, chấp thuận và chỉ đạo cấp phép cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hơn 220 công trình tôn giáo các loại. Những trường hợp xây dựng chưa được sự chấp thuận hoặc vượt quy mô, kích thước đều được chính quyền các cấp xử lý theo quy định, đồng thời được vận dụng linh hoạt, phù hợp, được các tổ chức tôn giáo và dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngoài ra, những đề nghị của tổ chức và cá nhân tôn giáo chưa đúng quy định của pháp luật hoặc vượt thẩm quyền đều được giải thích thấu tình, đạt lý.
Những năm qua, những vụ việc vi phạm về xây dựng công trình tôn giáo, về thuyên chuyển địa bàn hoạt động của các chức sắc tôn giáo, vi phạm chính sách đất đai; chia tách, sáp nhập tổ chức tôn giáo cơ sở… đều được nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật; trong đó những trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm minh. Cùng với các hoạt động kể trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác vận động tín đồ và chức sắc tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã hưởng ứng có hiệu quả các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động và cụ thể hóa nội dung các phong trào, các cuộc vận động thành nội dung gần gũi với tín đồ các tôn giáo như: Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cụ thể hóa thành phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” và phong trào xây dựng “Xứ, họ không ma túy” của Công giáo; phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” và xây dựng “Tâm sáng hướng thiện” của Phật giáo. Đặc biệt, thời gian qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào các tôn giáo” đã huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ, giáo dân chấp hành các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn ANTT trên địa bàn.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, nhiều năm qua hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp theo quy định của pháp luật; không xảy ra điểm nóng liên quan đến tôn giáo. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo yên tâm hành đạo; tín đồ các tôn giáo tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống bình yên, an lành. Mối liên hệ, tin tưởng giữa các tôn giáo với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, với các cơ quan làm công tác tôn giáo ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần tích cực vào việc giữ vững ANCT, TTATXH, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Trọng