NGHỊ QUYẾT CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu
ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020
Ngày 17-7-2014, đồng chí Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh uỷ đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Nội dung như sau:
I. Khái quát tình hình
Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội các cấp đã nghiêm túc quán triệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với những nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, nhân dân, nhất là của nông dân và các doanh nghiệp nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển ổn định và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng ổn định từ 2,5-3,2%/năm; năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất, phòng chống thiên tai và xây dựng NTM; nền nông nghiệp hàng hóa đang dần hình thành và phát triển; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh. Những kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định và nâng cao từng bước đời sống, thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, kinh tế nông nghiệp của tỉnh cũng bộc lộ hạn chế, yếu kém: Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất có xu hướng chậm dần. Tiềm năng cây trồng, vật nuôi, đất đai, khí hậu và một số sản phẩm chủ lực có lợi thế chưa được khai thác, phát triển hợp lý. Sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển. Tình trạng thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng. Năng suất lao động xã hội, thu nhập của người nông dân còn thấp; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn... Nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.
Những hạn chế, yếu kém trên do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, lãnh đạo, chỉ đạo chưa tập trung, chưa chủ động, sáng tạo và quyết liệt. Thiếu các cơ chế chính sách đủ mạnh để vận động, khuyến khích sự tham gia và huy động nguồn lực của xã hội...
Để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém nêu trên và tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và thông qua “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do UBND tỉnh trình và ra Nghị quyết để tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án này.
II. Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu
1. Quan điểm chỉ đạo
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM nhằm tiếp tục cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phức tạp, nhiều khó khăn. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung cao độ, thống nhất, đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành; huy động cao độ sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tự giác của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và nhân dân.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần xác định: Nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp là chủ thể; chính quyền các cấp giữ vai trò quản lý, định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết với nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, mô hình tổ chức sản xuất; khai thác bền vững các tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lợi biển.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn kết chặt chẽ chương trình xây dựng NTM, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
2. Mục tiêu
Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng NTM và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3,4-3,6%/năm so với năm 2013; trong đó, trồng trọt khoảng 1,2-1,4%, chăn nuôi khoảng 4,7-4,9%, thủy sản khoảng 5,5-5,8%; cơ cấu giá trị trồng trọt: chăn nuôi: thuỷ sản tương ứng là khoảng 44,2%:32,8%:17,6%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26-29 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,5%.
Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2020 đạt bình quân khoảng 4,6%/năm; trong đó, trồng trọt khoảng 2,1-2,3%, chăn nuôi khoảng 7,5-8,0%, thủy sản khoảng 6,3-6,5%; cơ cấu giá trị trồng trọt: chăn nuôi: thuỷ sản tương ứng là khoảng 38,8%:36,4%:18,6%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46-49 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,0%.
Ưu tiên đầu tư, phát triển 5 sản phẩm trồng trọt và 4 sản phẩm chăn nuôi chủ lực là: Lúa, lạc, ngô, đậu tương, khoai tây và lợn, gà, ngao, tôm.
III. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM; xác định kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM là một trong các nội dung, tiêu chí hàng đầu để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các địa phương, sở, ban, ngành liên quan.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung rà soát, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương trong thời gian qua; xác định rõ những hạn chế, yếu kém; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém và xây dựng giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với lộ trình và bước đi cụ thể.
2. Tăng cường công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng. Tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện đến cơ sở và cán bộ, đảng viên về chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nghị quyết này của Tỉnh ủy. Làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức hiểu rõ sự cần thiết, nội dung cơ bản của Đề án, nhận thức rõ vai trò chủ thể thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là: nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và các phong trào thi đua khác. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm, chủ động, tích cực và sự tham gia hưởng ứng rộng rãi của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp.
3. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung và giải pháp chủ yếu của Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”:
3.1 Nội dung chủ yếu:
- Thực hiện đồng bộ các nội dung và giải pháp của Đề án với lộ trình phù hợp, từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đến năm 2020, cơ cấu nội ngành được điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ. Tăng nhanh giá trị sản xuất, đến năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành đạt khoảng 22.800 tỷ đồng, tăng 37% so với 2013; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 đạt 4,6%/năm.
- Về trồng trọt: Thực hiện phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của 5 cây trồng chủ lực, tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
- Về chăn nuôi: Thực hiện chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi tại các vùng xa khu dân cư theo quy hoạch. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các doanh nghiệp với các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi gắn với áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
- Về thủy sản: Kết hợp chặt chẽ giữa nuôi trồng và đánh bắt. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa. Phát triển đa dạng các hình thức và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, khuyến khích nuôi công nghiệp, từng bước áp dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác thủy sản, khuyến khích phát triển đội tàu vỏ sắt có công suất lớn, khai thác xa bờ. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nhất là chế biến thủy sản xuất khẩu.
- Từng bước xây dựng Nam Định trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, con nuôi chất lượng cao của khu vực. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài hải sản và cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu, các dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến. Khai thác nguồn phụ phẩm nông nghiệp; phát triển mạnh nghề trồng, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, dược liệu.
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả một số chuyên đề, chương trình, mô hình cụ thể như: Sản xuất giống; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực, thị trường và phương thức tiêu thụ sản phẩm, đề án sử dụng linh hoạt đất trồng lúa, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, huy động nguồn lực...
3.2 Các giải pháp chủ yếu: Thực hiện có hiệu quả 7 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp chính sau:
- Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch ngành cho phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Từng bước cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp, tập trung phát triển 9 sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của tỉnh. Chấm dứt tình trạng chuyển đổi tự phát đất canh tác.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất. Xây dựng bộ giống cây trồng, con nuôi chủ lực đặc trưng của tỉnh.
Xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ yếu, chủ động đáp ứng đủ các loại giống tốt phục vụ sản xuất.
- Tập trung đổi mới, cải tiến hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Từng bước nghiên cứu, lựa chọn, hoàn thiện các hình thức tổ chức và quan hệ sản xuất mới phù hợp. Phát triển mạnh các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu, định hướng cho nông dân và hợp tác xã về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản; hợp tác xã, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.
Phát triển mạnh mô hình thuê gom, tập trung, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích mô hình nông dân góp vốn cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để huy động cao các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới, phát triển công tác đào tạo nghề cho nông dân. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Chú trọng đào tạo những nghề có yêu cầu trình độ kỹ thuật như nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất giống cây trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí nông nghiệp và đối tượng nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp.
- Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy và cán bộ làm công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, thủy sản từ cấp tỉnh tới cấp xã. Tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của tỉnh.
- Huy động, lồng ghép, sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn lực ngân sách; vốn tín dụng; vốn doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; các tổ chức, các quỹ hỗ trợ phát triển quốc tế, các chương trình hợp tác song phương về nông nghiệp để tạo nguồn lực để thực hiện Đề án. Hằng năm, trong kế hoạch, dự toán ngân sách tỉnh cần bố trí nguồn vốn hợp lý và định hướng sử dụng đúng để đẩy mạnh thực hiện Đề án.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Tăng cường sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết.
2. Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn cụ thể việc đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vào công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; đánh giá, phân loại tổ chức Đảng và đảng viên hằng năm.
3. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình cụ thể thực hiện Nghị quyết; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết ở các địa phương và các sở, ngành liên quan; hằng năm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khi cần thiết điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với Ban TVTU.
4. Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU phụ trách các địa phương, các ngành thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ./.