[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Câu hỏi 17. Biển cả, Vùng là gì?
Trả lời: Điều 86, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã định nghĩa biển cả là những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo. Điều này không hạn chế về bất kỳ phương diện nào các quyền tự do mà tất cả các quốc gia được hưởng trong vùng đặc quyền kinh tế. Luật Biển Việt Nam gọi biển cả là biển quốc tế.
Vùng, theo định nghĩa của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, gồm đáy và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài giới hạn ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển. Vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của nhân loại.
Câu hỏi 18. Đối tượng điều chỉnh đầu tiên của Luật Biển là gì?
Trả lời: Việc xác định phạm vi điều chỉnh, áp dụng của Luật Biển là nội dung quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở nội dung này thì chưa đủ, thậm chí sẽ mất hết ý nghĩa thực tế nếu Luật Biển không xác định, điều chỉnh các mối quan hệ tồn tại thật đa dạng và phức tạp trong phạm vi không gian đó. Vì vậy, tiếp theo nội dung xác định phạm vi điều chỉnh nói trên là quy định về đối tượng điều chỉnh của Luật Biển. Đối tượng trước hết mà Luật Biển cần điều chỉnh nhằm bảo vệ, quản lý là nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển. Đây là đối tượng luôn luôn được quan tâm không những chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ khu vực và thế giới. Bởi vì, thật là vô nghĩa khi người ta chỉ quan tâm đến phạm vi không gian mà quên đi trong phạm vi đó có cái gì cần bảo vệ, gìn giữ, quản lý, tái tạo. Quản lý và bảo vệ tài nguyên biển (sinh vật và không sinh vật), môi trường, khoa học, kỹ thuật và dịch vụ biển trong lịch sử của các nền kinh tế là nguồn bổ sung quan trọng bậc nhất của kho báu. Việc khai thác như thế đối với di sản chung của nhân loại, bao gồm cả việc xây dựng hạ tầng cơ sở, có thể nuôi dưỡng tái tạo chúng có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế. Tài nguyên sinh vật và không sinh vật, môi trường biển là kho báu, mối quan tâm của toàn nhân loại; là bản chất của mọi quan hệ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...; đồng thời cũng là nguồn gốc của những tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia đã và đang diễn ra.
Rõ ràng, để khai thác lâu bền không chỉ là khai thác hợp lý mà còn biết bảo vệ, tái tạo, duy trì tính ổn định, trong sạch của môi trường biển vì lợi ích sống còn của nhân loại.
Câu hỏi 19. Địa vị pháp lý của các loại phương tiện hoạt động trong các vùng biển: tàu chiến và các tàu thuyền khác của nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại?
Trả lời: Phương tiện hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa là đối tượng điều chỉnh của Luật Biển. Tàu chiến và tàu nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại là một trong số đối tượng điều chỉnh của Luật Biển.
Theo Công ước La Haye (tiếng Anh: The Hague Convention) năm 1907 và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thì tàu chiến là tàu thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia và mang dấu hiệu bên ngoài đặc trưng của tàu quân sự thuộc quốc tịch nước đó, do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia đó chỉ huy, người chỉ huy này có tên trong danh sách các sĩ quan hay trong tài liệu tương đương và đoàn thủy thủ phải tuân thủ điều lệnh, kỷ luật quân sự. Công ước La Haye năm 1907 cho phép tàu quân sự được cải trang trong chiến tranh với điều kiện là không tham chiến khi gặp tàu của một nước trung lập và khi bước vào trận chiến nếu đang dùng cờ để cải trang thì phải hạ cờ cải trang xuống và kéo cờ của nước mình lên. Việc cải trang của tàu quân sự không được phép áp dụng trong thời bình.
Để khai thác thủy, hải sản lâu bền không chỉ là khai thác hợp lý mà còn biết bảo vệ, tái tạo, duy trì tính ổn định, trong sạch của môi trường biển. |
Tàu chiến và tàu nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn khi nó hoạt động hợp pháp trên các vùng biển. Nước sở tại chỉ được quyền trục xuất khi xét thấy chiếc tàu đó đã vi phạm chủ quyền và yêu cầu Chính phủ có tàu quân sự đó trừng phạt những nhân viên phạm pháp thông qua con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, quyền miễn trừ này không phải là vô hạn, song song với các quyền đó còn có những nghĩa vụ mà tàu quân sự phải thực hiện khi hoạt động trên các vùng biển khác nhau.
Chẳng hạn, khi hoạt động ở biển cả, tàu chiến được quyền khám xét tất cả các tàu thuyền khác khi có căn cứ chắc chắn để cho rằng các tàu thuyền này đã thực hiện hành vi cướp biển, buôn bán trái phép, chuyên chở nô lệ, ma tuý, các chất độc hại, đang truyền tin tức không đúng quy định quốc tế, tàu thuyền không có quốc tịch, có treo cờ hoặc không treo cờ nhưng trên thực tế có cùng quốc tịch với tàu quân sự đang làm nhiệm vụ khám xét. Ngược lại, nếu không chứng minh được tàu thuyền bị khám đã phạm một trong những tội nói trên thì tàu tiến hành khám xét phải bồi thường thiệt hại do việc khám xét gây ra. Ở vùng đặc quyền kinh tế, tàu chiến cũng có những quyền và nghĩa vụ như ở biển cả. Riêng tàu chiến của nước chủ nhà còn có quyền khám xét, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài hoạt động vi phạm các quy định của nước mình. Ở vùng tiếp giáp lãnh hải, tàu chiến của nước chủ nhà, ngoài các quyền lợi và nghĩa vụ đã đề cập ở trong biển cả và vùng đặc quyền kinh tế, còn có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác để làm nhiệm vụ ngăn ngừa và trừng trị mọi vi phạm quy định về hải quan, tài chính, nhập cư, vệ sinh, y tế của nước mình.
Tàu chiến phải có nghĩa vụ tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến quyền đi qua không gây hại của tàu chiến trong lãnh hải. Nếu tàu chiến khi đi qua không gây hại trong lãnh hải của một quốc gia ven biển mà bất chấp luật lệ, quy định đã được thông báo thì quốc gia ven biển có quyền yêu cầu tàu chiến đó phải rời khỏi lãnh hải của mình ngay lập tức.
Quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm quốc tế về mọi tổn thất hoặc về mọi thiệt hại gây ra cho quốc gia ven biển do một tàu chiến hay bất kỳ tàu thuyền nào khác của nhà nước dùng vào mục đích không thương mại vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua lãnh hải hay vi phạm các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 hay quy tắc khác của luật pháp quốc tế.
Câu hỏi 20. Địa vị pháp lý của tàu buôn, tàu nhà nước dùng vào mục đích thương mại hoạt động trên các vùng biển?
Trả lời: Tàu buôn gồm nhiều thành phần, nhiều loại; do đó, địa vị pháp lý của chúng được pháp luật quốc tế quy định cũng khác nhau. Để phân biệt được những điểm khác nhau này, người ta phân chia tàu buôn thành 2 loại:
- Tàu buôn của tư nhân.
- Tàu buôn của nhà nước.
Quyền và nghĩa vụ của tàu buôn được cụ thể hóa tùy thuộc từng vùng biển.
Theo thông lệ quốc tế, khi tàu thuyền nước ngoài muốn qua lại nội thủy của một quốc gia ven biển, thì dù là loại nào cũng nhất thiết phải xin phép và được phép trước của nước ven biển và phải hoạt động đúng tuyến quy định. Khi được phép vào nội thủy để đến cảng của một nước, các tàu buôn phải đến một địa điểm quy định để làm thủ tục nhập cảnh. Sau khi làm thủ tục xong thì chiếc tàu đó sẽ được tàu hoa tiêu dẫn vào cảng. Khi vào nội thủy của một nước, tất cả các phương tiện thông tin liên lạc, quan sát kỹ thuật điện tử đều phải niêm phong lại, mọi liên lạc của con tàu về nước hay đến một địa điểm nào đó đều phải qua trung tâm thông tin liên lạc của cảng sở tại. Mọi hoạt động của con tàu như cặp mạn, tiếp xúc với các tàu thuyền khác, đưa người và khí tài đo đạc khảo sát, thăm dò những yếu tố khí tượng thuỷ văn, độ sâu, chất đáy, chụp ảnh, quay phim, vẽ hoặc ghi chép những thiết bị ở cảng, những thiết bị quân sự, cơ sở kinh tế, cơ sở nghiên cứu khoa học trên đường đi hoặc ở khu vực cảng, thậm chí cả việc nhổ neo di chuyển vị trí trong cảng cũng đều phải có sự đồng ý của nước sở tại, nếu không sẽ bị coi là vi phạm pháp luật của nước ven biển và sẽ tuỳ theo mức độ mà sẽ bị xử lý theo luật pháp của nước này.
Tàu buôn khi hoạt động trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia ven biển, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo luật của các nước ven biển đó. Riêng các vụ phạm pháp về hình sự xảy ra trên tàu buôn nước ngoài thì nước ven biển có quyền xét xử không? Về nguyên tắc, mọi phạm pháp hình sự xảy ra trên con tàu thì do luật pháp của nước có con tàu đó điều chỉnh, nước ven biển có thể có quyền xét xử các vi phạm nói trên trong những trường hợp sau đây:
- Phạm pháp hình sự có liên quan đến những người mang quốc tịch của nước ven biển;
- Phạm pháp hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước ven biển có liên quan đến nhân viên của con tàu;
- Phạm pháp hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước ven biển có liên quan đến những người mang quốc tịch nước ven biển chạy trốn lên tàu nước ngoài.
Đối với phạm pháp hình sự xảy ra trên con tàu chỉ liên quan đến nội bộ của con tàu, nước ven biển chỉ tiến hành xét xử với điều kiện:
- Khi thuyền trưởng hoặc lãnh sự của nước mà con tàu đó mang quốc tịch yêu cầu;
- Khi cần phải áp dụng biện pháp trừng trị các tội buôn lậu các mặt hàng cấm như ma tuý, vũ khí, nô lệ;
- Khi phạm pháp có tác động làm rối loạn trật tự trị an của nước ven biển;
- Khi hậu quả của vụ phạm pháp có ảnh hưởng tới chủ quyền và các quyền của nước ven biển ở trên các vùng biển của mình.
Điều 27 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: “Quốc gia ven biển không được thực hiện quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc xét hỏi sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ trường hợp sau đây:
a. Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển.
b. Nếu vụ vi phạm có tính chất phá hoại hoà bình của đất nước hay trật tự trong lãnh hải.
c. Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương; hoặc
d. Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma tuý hay các chất kích thích”.
Về quyền tài phán dân sự đối với các tàu buôn, Điều 28 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: “Quốc gia ven biển không được bắt một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải phải dừng lại hay thay đổi hành trình để thực hiện quyền tài phán dân sự của mình đối với một người ở trên con tàu đó"; “Quốc gia ven biển không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt hay biện pháp bảo đảm về mặt dân sự đối với con tàu, nếu không phải vì nghĩa vụ đã cam kết hay các trách nhiệm mà con tàu phải đảm nhận trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng biển của quốc gia ven biển”. Tất nhiên, quy định này “không đụng chạm đến các quyền của quốc gia ven biển áp dụng các biện pháp trừng phạt hay bảo đảm về mặt dân sự do luật trong nước của quốc gia này quy định đối với một tàu thuyền nước ngoài đang đậu trong lãnh hải hay đang đi qua lãnh hải, sau khi đã rời nội thủy”.
(còn nữa)