Hội đồng nhân dân tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát

08:07, 30/07/2014

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh khóa XVII đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát theo tinh thần Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh”, qua đó đã kịp thời phát hiện những tồn tại của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết HĐND các cấp, góp phần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hằng năm, căn cứ chương trình giám sát đã được thông qua tại các kỳ họp cuối năm, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chương trình giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề nổi cộm, mới phát sinh gây bức xúc trong nhân dân. Hình thức giám sát thông qua nghe báo cáo và tiếp cận thực tế tại cơ sở để có kết luận sát thực. Trong hoạt động giám sát thường xuyên, trước các kỳ họp, HĐND tỉnh đều thực hiện giám sát tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh, nội dung tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; tình hình thực hiện nhiệm vụ của các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh. Qua giám sát, HĐND tỉnh đánh giá những việc đã làm được, những việc còn hạn chế, vướng mắc, xem xét rõ nguyên nhân và có ý kiến với các đơn vị, địa phương về những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục kịp thời các mặt còn tồn tại, hạn chế. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh thực hiện giám sát các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND, Viện KSND, TAND...; xem xét việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Cụ thể tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, thông qua việc giám sát báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng cuối năm, HĐND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm như: Lĩnh vực kinh tế cần tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nghiên cứu điều chỉnh bổ sung chính sách đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để tạo sức hấp dẫn của các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực y tế, GD và ĐT, văn hóa, thể thao; đẩy mạnh tiến độ tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm theo kế hoạch. Xây dựng quy định về hình thức quản lý di tích và lễ hội phù hợp với quy định của pháp luật và phát huy được bản sắc của từng địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm trong việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp cho người lao động. Tích cực chuyển giao các kỹ thuật mới cho các cơ sở y tế tuyến huyện; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý khám, chữa bệnh nhằm giảm thủ tục và thời gian chờ đợi của người bệnh. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, công khai kết quả để nhân dân biết và đồng tình ủng hộ. Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Cùng với hoạt động giám sát thường xuyên, HĐND tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện giám sát theo chuyên đề, trong đó tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã giám sát chuyên đề “Hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các Cty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh”. Qua giám sát đã cho thấy hiện nay, một số công trình kênh, mương đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp; nhiều trạm bơm trong hệ thống xây dựng lâu năm, nhiều thiết bị hỏng, hiệu suất bơm thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới tiêu. Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng chưa được kiên cố hóa đồng bộ nên tình trạng thất thoát nước tưới còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra ở nhiều nơi như lấn chiếm bờ kênh, mương để xây dựng lều quán, nhà cửa, làm bãi buôn bán vật liệu xây dựng; tình trạng vứt rác thải, xả rác thải ra hệ thống kênh mương làm ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường… Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương và UBND tỉnh những giải pháp khắc phục như: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi gắn với chương trình quốc gia về xây dựng NTM và bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đăng ký, bảo vệ công trình thủy lợi và hành lang công trình thủy lợi. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác quản lý, khai thác. Đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai… Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề: “Thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh”. Qua giám sát cho thấy: Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách bảo trợ xã hội luôn có sự thay đổi, thiếu đồng bộ, không thống nhất giữa các diện đối tượng dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện. Việc xét duyệt trợ cấp xã hội ở một số địa phương chưa kịp thời, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH ở một số xã, phường, thị trấn còn hạn chế về chuyên môn, phải kiêm nhiệm nhiều việc và hay thay đổi nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh phân công cán bộ theo dõi việc thực hiện kết luận giám sát, nếu đối tượng chịu sự giám sát không có chuyển biến, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh đã tiến hành 48 cuộc thẩm tra, giám sát, trong đó có 23 cuộc giám sát chuyên đề, 4 cuộc khảo sát, 21 cuộc giám sát, thẩm tra trước kỳ họp tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh. Qua giám sát, thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã có 35 kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan thuộc UBND tỉnh, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát 12 quyết định của UBND tỉnh và 473 nghị quyết của HĐND Thành phố Nam Định, HĐND 204 xã, thị trấn thuộc 9 huyện. Qua giám sát đã phát hiện những tồn tại trong một số nghị quyết của HĐND xã còn sai sót về thẩm quyền ban hành, hình thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật. Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản yêu cầu hủy bỏ 4 nghị quyết ban hành trái thẩm quyền, xem xét lại tính hợp pháp 1 nghị quyết. Qua đó, đã góp phần đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật vì sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com