Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành chương trình, hành động của Chính phủ gồm chín giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Chín giải pháp của Chính phủ nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khoá XI (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Giải pháp đầu tiên là tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động trong đổi mới giáo dục, chú trọng biểu dương gương người tốt, việc tốt; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo với các hình thức đào tạo; phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; phân loại các cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.
Chương trình giáo dục phổ thông sẽ tinh giản, hiện đại, phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Theo đó, chương trình mới chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Giáo dục và đào tạo phải đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng để phù hợp với khu vực và quốc tế. Ảnh: Internet. |
Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD và ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc; xây dựng ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh tham khảo.
Việc rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ được siết chặt, sao cho đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực của từng ngành, địa phương.
Chính phủ thống nhất đổi mới thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng, tiến tới một kỳ thi chung - lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh cao đẳng, đại học; thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Vấn đề phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà giáo đầu ngành cũng được chú trọng. Giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non sẽ được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Chính sách tiền lương sẽ có thay đổi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mức lương nhà giáo được hưởng nằm trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; phụ cấp thâm niên tính cho thời gian trực tiếp giảng dạy; cơ chế tín dụng để tạo điều kiện về nhà ở và học tập nâng cao trình độ cho giáo viên, giảng viên trẻ.
Một giải pháp cũng được chú trọng là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Theo đó, các cơ sở giáo dục sẽ được ưu đãi về đất đai, vốn, cơ sở vật chất để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập.
Chính phủ xác định, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD và ĐT và dạy nghề nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm của các mô hình giáo dục tiên tiến, đẩy nhanh tiến độ đổi mới chương trình và chất lượng đào tạo các trình độ phù hợp với khu vực và quốc tế.
Chương trình cũng xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam và cử chuyên gia, giảng viên của Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy…
N.Đ