Phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trên nguyên tắc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia

07:06, 03/06/2014

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, ngày 2-6, QH họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Tại phiên thảo luận, hầu hết các vị đại biểu đều đồng tình với kết quả kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Các đại biểu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đã khả quan hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần. Các đại biểu QH đánh giá cao vai trò điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các đại biểu nhận định nền kinh tế đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra bất ổn trở lại, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, khoảng cách giàu nghèo giữa thành phố và nông thôn, miền núi ngày càng giãn ra, trật tự an toàn xã hội còn nhiều vấn đề phải xử lý, một số vụ án tham nhũng gây bức xúc trong dư luận....

Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa trong việc điều hành kinh tế - xã hội. Đồng thời, nhiều đại biểu QH kiến nghị QH cần có giải pháp ứng phó về kinh tế khi căng thẳng Biển Đông tiếp tục leo thang.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép làm tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam diễn biến khó lường. Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như: hỗ trợ lãi suất để ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Theo đại biểu, tại những vùng trọng điểm thì lãi suất ưu đãi cho ngư dân nên về 0% thay vì 3% như hiện nay.

Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), để khắc phục những chỉ tiêu không đạt được trong năm 2013, Chính phủ phải phân tích một cách sâu sắc hơn nữa và toàn diện để tìm ra nguyên nhân tại sao một số chỉ tiêu quan trọng nhiều năm phấn đấu vẫn không đạt như: tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao hay hai chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước và tỷ lệ giảm nghèo; công nghiệp và lâm nghiệp có dấu hiệu thụt lùi, doanh nghiệp phá sản nhiều, thu ngân sách giảm, vay ngân sách nhiều... Trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời để giải quyết tình trạng nêu trên.

Quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển nông nghiệp, đại biểu đánh giá dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc giãn, hoãn, khoanh nợ chỉ có tác dụng với doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn đối với những doanh nghiệp thua lỗ thì không có tác dụng mấy. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tình trạng các doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn...

Đề cập đến chủ quyền và lãnh thổ, đại biểu nhấn mạnh, nhân dân và cử tri cả nước đồng tình ủng hộ các chủ trương và giải pháp của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào biển nước ta. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong kế hoạch 2014 chưa xuất hiện tình trạng phức tạp trên Biển Đông với Trung Quốc. Vì vậy đề nghị Chính phủ phải có những kịch bản ứng phó với những tác động tiêu cực có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trên nguyên tắc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, song đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn yếu. Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đại biểu nhất trí với những nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm mà Chính phủ đã đề ra trong báo cáo. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới; có biện pháp chủ động tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép phong tỏa nền kinh tế để buộc Việt Nam phải nhượng bộ, đồng thời có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng nợ; cần củng cố niềm tin thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. “Những vấn đề này cần được Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt thì môi trường đầu tư sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp sẽ chủ động trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm” - đại biểu nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn của nền kinh tế, để tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong quản lý điều hành thực hiện mục tiêu trong năm 2014, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị: QH, Chính phủ cần quan tâm bốn vấn đề. Trong đó, có hai việc cần làm ngay là cần quyết liệt hơn trong hướng dẫn địa phương triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch lộ trình thực hiện thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lưu ý: Mọi trí lực, sức lực quốc gia đang dồn cho xử lý những mối đe dọa vùng biển chủ quyền ở ngoài Biển Đông nhưng không được lơ là nhiệm vụ cần song hành đó là cải cách kinh tế, đổi mới mạnh mẽ. Đại biểu cũng cho rằng: Đây là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành cần trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này.

Theo đại biểu, điều đó nhằm đảm bảo “lực” đối phó với bất cứ mối đe dọa nào. Đại biểu nhấn mạnh: “Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế, yêu cầu cải cách thể chế nhằm vừa phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận định, các Hiệp định Thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế hiện nay về nguồn cung ứng "đầu vào" cho sản xuất trong ngành dệt may một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50-60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu Di-lân, Nga, U-crai-na và các nền kinh tế khác.

Còn về "đầu ra" của nền kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết: theo số liệu chính thức, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó, thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng thẳng thắn cho rằng, việc hoạt động ngoại thương vẫn dựa vào các doanh nghiệp FDI như hiện nay bộc lộ sự kém bền vững của thành tích xuất siêu.

Để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các Hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa "đầu ra" cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới. Đó là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay, Việt Nam còn làm chưa tốt. Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ, đây là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó. Vì vậy, các bộ ngành cần trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Hà Sỹ Đồng, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị, các ngành chức năng cần tăng cường tìm kiếm, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các quan hệ thương mại, hỗ trợ bảo vệ và phát triển thương hiệu, xây dựng đề án đối với từng khu vực thị trường nhằm khai thác tốt tiềm năng và đặc thù của từng thị trường.

Trao đổi thêm về quan hệ thương mại với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định: Về quan hệ thương mại, Trung Quốc là một đối tác quan trọng. Theo con số thống kê thì trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tức là hơn 10 tỷ USD trong tổng số trên 133 tỷ USD xuất khẩu. Còn nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu giá trị khoảng 133 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ USD.

“Ngay từ nhiều năm trước đây Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Trong thời gian qua giữa Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp của hai bên đã thực hiện nhiều biện pháp. Gần đây nhất năm 2013 đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo. Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, đương nhiên do quy mô tương đối lớn cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Đồng tình và đánh giá cao những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về đầu tư đồng bộ, kịp thời, về tiềm lực quốc phòng và tiềm lực quốc phòng toàn dân, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, để đáp ứng lâu dài về nhiệm vụ, chiến lược, bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc, tăng cường xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo, thế trận quốc phòng toàn dân với quan điểm vững toàn diện, mạnh trọng điểm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đại biểu đề nghị tập trung đầu tư những tàu đánh cá lớn cho ngư dân, trước mắt là đầu tư ở các vùng trọng điểm có số lượng thích hợp.

“Chúng ta có thể cho vay không lãi đầu tư vào một số tỉnh trọng điểm, hỗ trợ lãi suất để cho nhân dân vừa đánh cá, vừa giữ vững chắc biển đảo, tạo thế trận lòng dân liên hoàn trên biển. Đồng thời kiện toàn tổ chức các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn lớn đánh cá trên biển để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển” - đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nói.

Về ý kiến này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết: Đoàn thư ký đã gửi đến các vị đại biểu QH để xin ý kiến về phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013. Trong đó, một vấn đề rất lớn là dành 16.000 tỷ đồng cân đối trong ngân sách năm 2013 để chi cho cảnh sát biển, chi cho lực lượng kiểm ngư và chi để hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Đây là một vấn đề rất lớn sẽ được QH thảo luận và quyết định tại kỳ họp này.

Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), Bùi Thị An (Hà Nội) cùng đồng tình với giải pháp hỗ trợ ngư dân bám biển và cùng đề nghị ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay nên huy động toàn xã hội để ngư dân có đủ điều kiện đóng tàu lớn từ 2.000 mã lực trở lên để đánh bắt xa bờ vừa đảm bảo cuộc sống gia đình và bảo vệ Tổ quốc.

Về nguồn kinh phí 16.000 tỷ đồng, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị QH phải cắt tối đa phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... để nhân dân thấy rằng trong bối cảnh đất nước hiện nay QH thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ dân ổn định đời sống./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com