Ngày 6-6, các đại biểu QH nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 (NQ35 sửa đổi) của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận về: dự thảo Nghị quyết nêu trên; việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Kếp Thao (Cape Town) và hai Dự án Luật.
Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp QH cuối năm 2014
Báo cáo thẩm tra dự thảo NQ35 sửa đổi của Ủy ban Pháp luật của QH cho biết, đa số ý kiến nhất trí tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND như đã quy định; đồng thời, tán thành đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, đối với nhiệm kỳ 2011-2016, tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm nay.
Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu, có ý kiến đề nghị quy định hai mức độ "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp", nhưng đa số ý kiến nhất trí tiếp tục quy định ba mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong NQ35 là: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm, Tín nhiệm thấp. Quy định này nhằm bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp đặc điểm công tác cán bộ ở nước ta. Theo Báo cáo thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc tổ chức quá nhiều lần biểu quyết về nhân sự trong cùng một kỳ họp và đề nghị cân nhắc cả phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có hơn hai phần ba tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.
Thảo luận ở tổ về dự thảo NQ35 sửa đổi, các đại biểu cho rằng, đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết là phù hợp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đác Nông phát biểu ý kiến tại hội trường. |
Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm, cụ thể, ở Trung ương, bổ sung lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập theo quy định tại Điều 70 của Hiến pháp. Ở địa phương, bổ sung lấy phiếu tín nhiệm đối với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi trong việc đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, thẩm quyền giám sát của HĐND thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên triển khai hai lần trong một nhiệm kỳ, từ đầu năm thứ hai và đầu năm thứ tư.
Một số đại biểu cho rằng, lâu nay việc thực hiện vẫn còn nặng về cảm tính, làm cho việc bỏ phiếu phân tán, không tập trung, do đó nên lấy hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Gắn dạy nghề với nhu cầu thị trường lao động
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, đa số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật
để bao quát toàn bộ công tác giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp như quy định trong Hiến pháp và Luật Giáo dục hiện hành; nhằm thống nhất về mặt pháp lý, tiến tới thống nhất quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy, Luật cần lấy tên mới là Luật Giáo dục nghề nghiệp (bao gồm đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ).
Nhiều đại biểu nêu rõ, một số quy định trong dự thảo Luật (trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề...) chưa đủ chi tiết và hấp dẫn nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hoạt động dạy nghề. Đồng thời, chưa phân biệt rõ cơ sở dạy nghề ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận. Cần nghiên cứu cụ thể hóa chính sách xã hội hóa dạy nghề tại các điều, khoản liên quan trong dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, bên cạnh việc các cơ sở dạy nghề chủ động, tích cực tìm kiếm nghệ nhân giỏi để truyền nghề cho người học, dự thảo Luật cần linh hoạt, có quy chế cụ thể để các nghệ nhân, doanh nhân, nông dân sản xuất, kinh doanh, người lao động giỏi tham gia vào việc giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề, bởi đây là những người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Tiếp tục kỳ họp, ngày 7-6, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững
Đa số ý kiến phát biểu cho rằng, công tác thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo thời gian qua được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và đời sống ngày càng được nâng lên. Trong giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm giảm từ 2,3 đến 2,5%. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và kết quả chưa tương xứng với nguồn lực đã đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) và một số đại biểu khác cho rằng, công tác giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng cao, tỷ lệ tái nghèo cao. Tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn, nhiều vùng có tỷ lệ nghèo cao, như miền núi Tây Bắc, miền núi Đông Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số là khó khăn, thách thức đối với mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới. Do vậy, Nhà nước cần có sự phân loại từng vùng miền, từng nhóm hộ nghèo cụ thể để có chính sách hỗ trợ hiệu quả, đúng hướng và phù hợp đặc điểm cũng như tránh tình trạng hỗ trợ đối với hộ nghèo dàn trải, cào bằng, dẫn đến thiếu công bằng và không tạo được động lực giúp người dân vươn lên. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức được sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là ở giai đoạn ban đầu, mang tính hỗ trợ, từ đó xác định hướng đi lâu dài cho mình trong cuộc sống. Nhiều đại biểu cũng đề nghị QH ra Nghị quyết về giảm nghèo theo tiêu chí mới cho phù hợp với thực tế.
Đề cập hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện còn dàn trải và hiệu quả chưa cao, nhiều chương trình, dự án chưa phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đác Nông), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đề nghị, thời gian tới, Nhà nước cần tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và giao UBND các địa phương điều phối nguồn vốn và chịu trách nhiệm về chất lượng thực hiện. Trong đó, tập trung nguồn lực cho hai chương trình trọng điểm là xóa đói, giảm nghèo và xây dựng NTM.
Liên quan chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách y tế đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, nhưng nguồn lực còn hạn chế, thiếu bác sĩ trầm trọng khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có sự ưu tiên, bổ sung kinh phí nâng cao điều kiện vật chất và tăng cường bác sĩ đối với tuyến y tế cơ sở.
Tăng cường hỗ trợ về việc làm và sản xuất, kinh doanh
Đề cập các biện pháp giảm nghèo bền vững, nhiều đại biểu nêu rõ, biện pháp quan trọng và mang tính quyết định trong công tác giảm nghèo là tạo việc làm ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo chủ yếu tập trung vào các hộ dân có khó khăn về việc làm, đời sống không ổn định. Do vậy, cần có giải pháp thoát nghèo bền vững theo hướng tập trung dạy nghề cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn gắn với chương trình, dự án như chương trình xây dựng NTM và thu hút nhà đầu tư vào địa phương, giúp người lao động có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Các đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, cần gắn kết giữa các ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo một cách thống nhất, tập trung nguồn lực, nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng cho người dân. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chế biến nông sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là nhóm doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.
Một số đại biểu nêu thực trạng, hiện nay người dân rất khó tiếp cận các nguồn tín dụng, nhất là các hộ nghèo do thủ tục rườm rà, lãi suất vẫn ở mức cao, thời gian cho vay, hạn mức tối đa cho vay chưa linh hoạt, chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số vùng trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, việc cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh nhưng chưa gắn kết với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa, cho nên sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả. Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh chính sách tăng cường liên kết giữa các ngành, như ngân hàng, các cơ sở nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật và các doanh nghiệp, giúp người dân lên phương án sản xuất, kinh doanh ngay từ khâu vay vốn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Nhà nước cần đưa ra dự báo dài hạn về thị trường nông sản và có chính sách ưu đãi trong thu mua nông sản đối với các hộ nghèo, giúp người dân ổn định sản xuất.
Tại phiên thảo luận, một số bộ trưởng phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan chính sách giảm nghèo. Theo Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh, QH, Chính phủ luôn dành nguồn lực lớn cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong giai đoạn 2005-2012, Nhà nước đã dành 864 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm dành 120 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo.
Hôm qua, Chủ nhật, ngày 8-6-2014, QH nghỉ./.
Theo Nhân dân