Quốc hội thảo luận hai dự án luật

07:06, 04/06/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 3-6, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi).

Ý kiến thảo luận của đại biểu cơ bản tán thành với việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của QH, các Ủy ban của QH và đi sâu thảo luận các nội dung: phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật; nhiệm vụ, quyền hạn của QH; cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH; số lượng đại biểu QH, tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu QH; cơ cấu tổ chức và việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Hội đồng Dân tộc (HĐDT), các Ủy ban của QH; các cơ quan thuộc QH và Tổng Thư ký QH; địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu QH.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, luật này phải đáp ứng yêu cầu đổi mới đồng bộ cùng với hệ thống hành pháp, tư pháp. Đây là yêu cầu lớn, vì vậy phải tổng kết rất kỹ các hoạt động, xem xét điểm mạnh, yếu kém, hạn chế trong hoạt động của QH để từ đó có những sửa đổi cho phù hợp.

Dự thảo Luật lần này cần phải thể chế hóa quy định của Hiến pháp như thế nào về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là quy định kiểm soát trở lại từ các cơ quan đối với các cơ quan của QH... Đại biểu Nga chỉ ra thực tế, lâu nay có quy định là HĐDT, các Ủy ban của QH, các cơ quan của QH trình báo cáo hoạt động ra QH tại các kỳ họp. Để kiểm soát được hoạt động của các cơ quan của QH, cần phải đưa ra thảo luận công khai trước QH về kết quả hoạt động của HĐDT, các Ủy ban của QH để cơ quan hành pháp, tư pháp và người dân hiểu rõ hoạt động của cơ quan dân cử, những điểm nào mạnh, những điểm nào chưa mạnh, cần phải được thảo luận như đối với các báo cáo của Chính phủ.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Nga cho rằng, cần có một điều quy định về phạm vi điều chỉnh. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh có sự giao thoa của Luật này với các luật khác quy định các nội dung và tổ chức hoạt động của QH. Tuy nhiên có một điểm rất bất hợp lý, qua gần 70 năm hoạt động của QH nhưng quy trình, thủ tục hoạt động của kỳ họp vẫn để ở quy định nội quy kỳ họp. Cần có quy định pháp lý cao hơn cho quy trình, thủ tục tiến hành một kỳ họp QH.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ.

Về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu QH, đại biểu Lê Thị Nga nêu vấn đề, từ trước tới nay chúng ta vẫn lập luận Đoàn đại biểu QH là tập hợp của các đại biểu QH ở một địa phương. Vị trí Đoàn đại biểu QH rất quan trọng đối với địa phương, cần có quy định pháp lý rõ ràng cho Đoàn đại biểu QH. Mặt khác, thời gian qua, tại HĐDT, các Ủy ban đã tổ chức các phiên giải trình, điều trần, UBTVQH thực hiện các phiên chất vấn về nhiều nội dung và rất có hiệu quả. Chẳng hạn như Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức giải trình về cách tính diện tích căn hộ... Đề nghị cần cân nhắc, đưa các hoạt động vào luật để hoạt động mạnh mẽ hơn.

Về quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan của QH, đại biểu QH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đồng tình với việc Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện được nâng lên thành cơ quan thuộc QH. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, một số cơ quan khác trong dự thảo Luật này còn “ngập ngừng”. Trong đó có Viện nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH. Đây là cơ quan nghiên cứu ngày càng chuyên nghiệp, giúp cho đại biểu QH rất nhiều thông tin. Vì vậy, nên đề nghị đưa cơ quan này thành cơ quan của QH. Đại biểu băn khoăn Báo Đại biểu nhân dân không thấy đề cập đến trong dự thảo Luật. Đại biểu Sơn cũng lưu lý trước đây, UBTVQH đã từng có Nghị quyết nâng cấp Báo thành Báo của QH, Báo Đại biểu nhân dân là tiếng nói của QH, diễn đàn của đại biểu QH, HĐND và cử tri, chứ không phải báo của bộ, ngành. Cần phải cân nhắc đến điều này, ít nhất là cơ quan thuộc UBTVQH, cao hơn là cơ quan của QH.

Về đại biểu QH hoạt động chuyên trách và không chuyên trách, đại biểu QH Nguyễn Anh Sơn chia sẻ, hiện nay, đại biểu QH chuyên trách ở địa phương đôi khi thấy “chơi vơi”, không biết đang ở đâu. Trong khi đó, các Ủy ban đều cho rằng đại biểu QH chuyên trách quá ít, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động. Để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu cũng như hoạt động của QH, nên tăng số đại biểu QH chuyên trách lên 40%. Đồng thời, cần phải quy định rõ địa vị pháp lý của đại biểu QH chuyên trách ở Trung ương và địa phương.

Đồng quan điểm này, đại biểu QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề xuất nên tăng đại biểu QH chuyên trách, giảm số lượng các đại biểu kiêm nhiệm 2 vai. Đồng thời, tránh việc thay đại biểu QH mỗi kỳ quá nhiều. Thể hiện sự đồng tình với việc xác định đại biểu QH là trung tâm song đại biểu QH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, cần phải làm rõ quyền hạn, nhiệm vụ của ĐBQH, từ đó tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách, tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của QH, từ đó nâng cao vị thế của đại biểu QH, QH.

Về thẩm quyền HĐDT, các Ủy ban của QH, đại biểu QH Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng, đây là các cơ quan chuyên trách của QH. Do vậy, đại biểu đề nghị tăng quyền cho các cơ quan này là có quyền đề xuất bỏ hay đưa dự án luật vào sau khi thẩm tra các dự án luật khi thấy đủ hay không đủ yêu cầu vào chương trình xây dựng luật. Để bảo đảm chất lượng hoạt động của các cơ quan của QH, đại biểu QH Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) đề nghị, Luật cần phải thiết kế, quy định cụ thể để lựa chọn các thành viên khi tham gia vào HĐDT và các Ủy ban của QH.

Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Việc có hay không thành lập TAND sơ thẩm khu vực được nhiều đại biểu góp ý và phân tích sâu…

Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực được cho là sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức TAND cấp huyện hiện nay. Cụ thể là: Do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện, nên số lượng các TAND cấp huyện hiện nay rất lớn và đang có xu hướng tăng lên do có sự chia, tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, trong khi số lượng các vụ việc phải giải quyết của mỗi tòa án cấp này phụ thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại... xảy ra trên từng địa bàn, có nơi quá nhiều việc, ngược lại có nơi lại quá ít việc. Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) dẫn chứng tại địa phương đại biểu có tòa huyện cả năm mới có 50 vụ việc, nhưng có huyện khác, một năm lại có tới 400-500 vụ án các loại, thậm chí như Thành phố Quy Nhơn có tới 1.000 vụ một năm.

Thực tế này đang tạo ra những trở ngại, khó khăn, thách thức lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của các toà án cấp huyện nơi giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 90% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền tòa án. Đối với các toà án cấp huyện có khối lượng lớn về công việc thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất luôn luôn là gánh nặng và là vấn đề bức xúc do xuất phát từ yêu cầu phải giải quyết một khối lượng công việc về chuyên môn quá lớn và ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương đó. Ngược lại, đối với những toà án cấp huyện có khối lượng công việc giải quyết không đáng kể nhưng vẫn phải bố trí đủ cán bộ theo cơ cấu tổ chức, bộ máy của toà án theo quy định và yêu cầu phải có trụ sở, phương tiện làm việc như các đơn vị khác, nên đã gây ra lãng phí không đáng có về nhân lực và vật lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức toà án.

Bên cạnh đó, do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên trong nhận thức của các ngành, các cấp, TAND cấp huyện được coi như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Điều này chưa bảo đảm đúng địa vị pháp lý của TAND cấp huyện, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của tòa án, ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước.

Ngoài những hạn chế, bất cập nêu trên thì cơ cấu bộ máy của TAND cấp huyện hiện nay còn đơn giản, không được tổ chức theo lĩnh vực xét xử, nên khó khăn trong việc đầu tư, đào tạo chuyên ngành cho các thẩm phán, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, đặc biệt là việc giải quyết, xét xử các loại vụ việc đòi hỏi chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù như các vụ việc về đất đai, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại, các vụ việc có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên...

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc về quy định này. Đai biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đặt vấn đề cần giải trình rõ một loạt vấn đề: Đó là việc lập TAND sơ thẩm khu vực có làm tăng thêm biên chế hay không? nếu thành lập thì ngân sách phải đầu tư bao nhiêu? nguồn lực như thế nào? trong khi đó, việc thành lập tòa án khu vực có khẳng định được hoạt động sẽ tốt hơn và nâng cao được chất lượng bản án hay không? Vấn đề giám sát cơ quan dân cử địa phương như thế nào? Từ đó, đại biểu Hùng đề nghị, trước hết nên thí điểm mô hình này, sau đó tổng kết rồi mới đưa vào trong Luật.

Đồng tình với đại biểu Hùng, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) góp ý, cần có lộ trình, thí điểm, tổng kết rồi mới đưa vào Luật. Đại biểu Chi cho rằng, lý do lập tòa án khu vực chưa thuyết phục. Vì khi thành lập TAND sơ thẩm khu vực thì hội thẩm nhân dân nào sẽ giám sát? Có khác biệt gì giữa tòa án khu vực và tòa án cấp huyện? Nếu tổ chức thì có xây dựng mới trụ sở không và trụ sở tòa án huyện cũ thì để làm gì? Trong khi đó, theo đại biểu Chi, việc lập tòa án khu vực sẽ làm cho địa bàn rộng, làm người dân phải đi lại khó khăn hơn.

Các đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại bày tỏ sự không đồng ý với việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực mà cho rằng nên giữ như Luật hiện hành. Theo hai đại biểu, qua giám sát cho thấy hệ thống tòa án cấp huyện hiện nay khi xét xử vẫn hiệu quả, chỉ tuân theo pháp luật, độc lập trong xét xử. Do vậy, không có lý do gì phải lập TAND sơ thẩm khu vực vừa tốn kém, tăng cán bộ, gây khó khăn đi lại cho nhân dân./.

Theo daibieunhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com