Ngày 11-6 là ngày làm việc thứ 19 của kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII. Các đại biểu QH tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng: Tài chính, GD và ĐT, Tư pháp.
Bảo đảm khả năng trả nợ công
Đầu giờ làm việc buổi sáng, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, các đại biểu QH bày tỏ lo lắng về mức độ an toàn của nợ công hiện nay. Theo các đại biểu, việc cân đối thu, thu - chi ngân sách Nhà nước chưa hợp lý, còn tình trạng trốn thuế, nợ thuế, gian lận thương mại..., một phần bội chi ngân sách được sử dụng trả nợ công. Bên cạnh đó, các khoản nợ vay chưa được tái cơ cấu (chuyển từ vay ngắn hạn sang vay dài hạn), cho nên, nợ công được Chính phủ báo cáo là vẫn trong giới hạn cho phép (tỷ lệ trả nợ dưới 25% trên tổng thu ngân sách) nhưng đã nằm sát ngưỡng đe dọa an ninh tài chính vĩ mô.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra nhiều giải pháp tạo nguồn thu bảo đảm khả năng trả nợ của quốc gia, nhất là các giải pháp thắt chặt chi tiêu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư. Bên cạnh công tác huy động vốn, để bảo đảm an toàn nợ công, cần tập trung tái cơ cấu nợ công gắn với yêu cầu về chi tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Phát biểu ý kiến kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung đã đặt ra. Trong đó, tập trung tái cơ cấu các khoản nợ vay; cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước, tiết kiệm chi tiêu; kiểm soát giá đối với những mặt hàng thiết yếu liên quan đời sống nhân dân... Bộ Tài chính cần bám sát tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm công tác định giá công khai, minh bạch, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.
Đổi mới thi cử
Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và một số đại biểu nêu thắc mắc đối với hướng lựa chọn đổi mới trong thi cử là khâu đột phá của chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thực tiễn cho thấy, có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi về cách dạy và học. Trong từng giai đoạn, cần thiết kế nội dung trước, nhưng quá trình chỉ đạo có thể ưu tiên đổi mới việc thi cử. Bộ tiến hành đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực của người học; kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối kỳ học, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển. Thời gian tới, cần đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học.
Đối với câu hỏi của đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) về nguyên nhân khiến 72 nghìn cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT cho rằng, thời gian qua, quy trình thành lập trường cao đẳng, đại học chưa chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, chương trình đào tạo chưa theo kịp thế giới, chưa chú trọng kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm... đã dẫn đến quy mô tuyển sinh, đào tạo hằng năm tăng, trong khi chất lượng chưa được chú trọng.
Đại biểu QH tỉnh Thái Bình chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. |
Bộ đã hạn chế thành lập mới các trường đại học, cao đẳng, cải tiến quy trình cấp phép thành lập, hoạt động, khắc phục tình trạng trường được thành lập chưa có cơ sở vật chất, giáo viên mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có quy mô lớn, đã bão hòa, sẽ tạm dừng mở thêm, đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu tiên mở và tuyển sinh những ngành nghề xã hội đang cần. Phấn đấu giảm từ 450 sinh viên/10 nghìn dân xuống còn hơn 200 sinh viên/10 nghìn dân để phù hợp quy mô, nhu cầu xã hội. Bộ sẽ rà soát việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển một số trường và ngành đào tạo chất lượng cao.
Về vấn đề tự chủ tại các trường đại học, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT cho biết, đây là công việc đã được triển khai từ năm 2006 đến nay, trong đó có việc tự chủ về tài chính, tuy nhiên "đây là công việc quan trọng, cần triển khai thận trọng". Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi về chủ trương rút ngắn thời gian học bậc giáo dục phổ thông xuống dưới 12 năm. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD và ĐT đã tổ chức các hội thảo và ý kiến của các chuyên gia còn khác nhau. Các ý kiến chưa đồng ý với việc rút ngắn thời gian học bậc phổ thông bởi hiện nay, học sinh nước ta đang rất cần được trang bị, rèn luyện nhiều kỹ năng. Nếu rút ngắn thời gian học xuống dưới 12 năm sẽ không đủ quỹ thời gian để đào tạo. Trước mắt, nước ta vẫn giữ nguyên 12 năm học của bậc giáo dục phổ thông, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung này.
Một số đại biểu QH quan tâm về kết quả Đề án kiên cố hóa trường học, phòng học. Bộ trưởng Bộ GD và ĐT cho biết, chương trình đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, trong cả nước còn nhiều phòng học, trường học chưa được kiên cố hóa, học sinh còn phải học tạm ở nhiều nơi... Bộ GD và ĐT đã thống kê số lượng phòng học, trường học chưa được triển khai kiên cố hóa để báo cáo Chính phủ. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được tiến hành.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, các bộ trưởng: Nội vụ, Tài chính đã phát biểu ý kiến làm rõ hơn một số vấn đề liên quan hiệu quả công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ; nguồn vốn dành cho việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục...
Phát biểu ý kiến kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các đại biểu QH đã đặt câu hỏi thẳng thắn, Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng. Trong thời gian tới, Bộ GD và ĐT cần khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện tốt các công việc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; trong đó chú trọng sửa đổi Luật Giáo dục để hoàn thiện hệ thống luật pháp về giáo dục; tiếp thu, hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình và SGK để trình QH xem xét vào kỳ họp cuối năm nay.
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gắn với lợi ích nhân dân
Trả lời câu hỏi các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về việc nhiều bộ, ngành khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chỉ chú trọng bảo đảm lợi ích của bộ, ngành mình và đẩy phần khó khăn cho người dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, để xác định có việc đặt lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hay không "còn tùy thuộc vào từng góc nhìn". Trong khi thừa nhận một vài nơi có xảy ra việc vận động hành lang trong xây dựng văn bản pháp luật, nhưng việc kiểm tra, thẩm định được "thực hiện rất chặt chẽ, nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật". Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp theo hướng kiểm soát chặt chẽ và gắn chặt với lợi ích người dân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng thẳng thắn nhận xét, nhìn chung công tác này bảo đảm yêu cầu đề ra, nhưng nhiều quy định cụ thể vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là các văn bản pháp luật do cấp cơ sở ban hành. Hiện nay, theo quy định Chủ tịch UBND cấp xã cũng có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến tình trạng có những quy định gây chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản khác. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Một số đại biểu QH cho rằng, nhiều Thông tư hướng dẫn quy định các giấy phép còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí phát sinh tiêu cực. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, về nguyên tắc, văn bản hướng dẫn thi hành luật không được trái với luật. Bộ sẽ kiểm tra nội dung đại biểu nêu và báo cáo QH kết quả kiểm tra.
Về tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, tình trạng này vẫn còn diễn ra, nhưng thời gian qua đã được cải thiện. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh hơn nữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tại các phiên họp Chính phủ, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã nêu quyết tâm trước Chính phủ không để nợ đọng văn bản trong thời gian tới.
Đề cập các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp bảo đảm chất lượng, yêu cầu cải cách tư pháp theo đề nghị của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt coi trọng công tác đào tạo cán bộ, trong đó có việc xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo trọng điểm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Cùng với đó, tăng cường xây dựng đội ngũ làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực làm công tác tư pháp hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và cần phải tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Giải đáp băn khoăn về công tác thi hành án dân sự năm 2013 không đạt chỉ tiêu QH giao, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân một phần do "số vụ việc và số tiền phải thi hành án năm 2013 tăng cao hơn so với năm 2012". Bên cạnh đó, nhiều vụ án tồn đọng nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhiều vụ án tòa tuyên nhưng không khả thi cho nên rất khó thi hành. Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự. Trong đó, ngành Tư pháp đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật, cho thấy quyết tâm của ngành Tư pháp nghiêm túc trong nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi hành án.
Sáng 12-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn của đại biểu QH.
Phải giải trình nếu có biến động tài sản
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về kết quả của việc kê khai tài sản và đây có phải là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng hay không? Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay, việc kê khai tài sản được thực hiện từ năm 2008 và từ đó đến nay hằng năm đều thực hiện việc kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Ngoài ra, có những đối tượng có biến động về tài sản cũng phải kê bổ sung.
Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai tài sản này có tiến bộ hơn. Chính phủ khi đó đã ban hành Nghị định 78 hướng dẫn thực hiện luật, Thanh tra Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc kê khai. Đến 2013 kết quả đạt trên 642 nghìn đối tượng được kê khai, đạt hơn 98%, công khai hơn 59%. Đến nay có hơn 919 nghìn/935 nghìn người đã kê khai tài sản, đạt 98%. Trong số kê khai này, có hơn 200 nghìn bản kê khai thuộc cấp ủy quản lý.
Trong quá trình kê khai tài sản thu nhập, khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng và đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện, đã có 88 cán bộ đã được xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.
Về tác dụng của công tác này trong phòng, chống tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thì các cơ quan có thẩm quyền đã nắm được tài sản của cán bộ công chức trong đơn vị mình để quản lý, kiểm tra; xem xét theo dõi được việc biến động tài sản của cán bộ, có tăng bất thường thì phải giải trình.
Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề trước số liệu, kết quả việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong 3 năm 2011-2013, trong đó số lượng vụ việc và người liên quan đến hành vi tham nhũng năm 2011 là nhiều nhất và giảm dần đến năm 2013. Liệu có thể kết luận tham nhũng đã bị đẩy lùi hay việc này chỉ thể hiện thực tế là khả năng phát hiện tham nhũng ngày càng hạn chế?
Trả lời chất vấn câu hỏi này, Tổng Thanh tra khẳng định: Phòng, chống tham nhũng được dư luận xã hội hết sức quan tâm, chính vì vậy công tác này được coi là vấn đề trọng tâm của ngành. Nhiều nghị quyết của Đảng, đặc biệt sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi thông qua năm 2012, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban thì việc thực thi Luật cũng như công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy lên cao hơn.
Theo đánh giá, tình hình công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, ngày càng tinh vi phức tạp xảy ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và gây bức xúc trong xã hội, đây là thách thức lớn trong lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Thêm nữa, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, việc phát hiện xử lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn.
Trước tình hình đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đưa ra dự báo, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, khó phát hiện, trong đó tham nhũng nghiêm trọng chiếm tỷ lệ ngày càng lớn hơn; thiệt hại do tham nhũng gây ra thất thoát tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp còn cao nhưng xử lý thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Thêm nữa, hành vi tham nhũng có nhiều dạng khác nhau, trong đó có tham ô, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn nhũng nhiễu… Và tham nhũng tiếp tục phát sinh ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, và trong cơ chế xin cho kiểm soát quyền lực và diễn ra trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên trong việc tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp…
“Từ đó có thể khẳng định rằng, tham nhũng vừa qua chưa được đẩy lùi, còn diễn biến tinh vi phức tạp cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn” - Tổng Thanh tra nói.
Mức án 30 năm tù trong một đời người thì không phải là thấp
Liên quan đến chất vấn của đại biểu về vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên) khi phiên tòa sơ thẩm vừa kết thúc đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã có báo cáo giải trình thêm. Theo Chánh án Trương Hòa Bình: Hội đồng xét xử TAND Thành phố Hà Nội xét xử dựa trên nguyên tắc thông qua việc tranh tụng để xem xét toàn diện tất cả các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội và đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xét xử làm oan người vô tội cũng không bỏ để lọt tội phạm. Việc xét xử đưa ra trên một bản án phải kết hợp giữa mục đích trừng trị và khoan hồng.
TAND Hà Nội xét xử cấp sơ thẩm theo nguyên tắc tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm các quyết định của mình. Tuy nhiên, Chánh án Trương Hòa Bình cũng giải thích rõ mức án từng tội danh của bầu Kiên mà Hội đồng xét xử tuyên đều cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát. Đây là trường hợp phạm nhiều tội và theo Bộ luật Hình sự thì mức án cao nhất là 30 năm tù.
“Mức án 30 năm tù trong một đời người thì không phải là thấp. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt bị cáo 3 lần tiền trốn thuế 75 tỷ đồng, phạt 100 triệu đồng đối với tội lừa đảo; cấm hành nghề liên quan đến hoạt động ngân hàng 5 năm. Và Hội đồng xét xử cũng khởi tố thêm 2 vụ án hình sự tại tòa và yêu cầu Viện Kiểm sát xem xét trách nhiệm hình sự nhiều trường hợp khác.
“Tôi với tư cách Chánh án Tòa án Tối cao phải tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu như vụ án còn kháng cáo, kháng nghị thì tòa án sẽ tiếp tục xem xét trình tự phúc thẩm theo quy định của pháp luật” - Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Chiều 12-6, sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH.
Các vấn đề lớn của đất nước được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời đại biểu QH như về tình hình Biển Đông, việc hỗ trợ ngư dân, lao động việc làm, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Tiếp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 này./.
Theo Nhân dân