Thảo luận 3 dự án luật; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 6 dự án luật; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay

07:06, 06/06/2014

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, QH Khóa XIII,  ngày 4-6, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật này; thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Buổi chiều, các ĐBQH nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án luật: Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn một số quy định liên quan nhà chức trách hàng không, giá dịch vụ hàng không, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và quyền đóng, mở sân bay chuyên dụng. Các đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, việc xác định chủ thể nhà chức trách hàng không của Việt Nam chưa rõ ràng, đồng thời đề nghị Việt hóa khái niệm "nhà chức trách hàng không" để thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật. Theo đó, nên quy định cụ thể Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không.

Đề cập quy định thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo luật giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ GTVT nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn. Do vậy, nên giao thẩm quyền này cho Bộ Quốc phòng, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong quản lý.

Các đại biểu làm việc tại hội trường.
Các đại biểu làm việc tại hội trường. Ảnh: Internet.

Liên quan công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, đa số ý kiến tán thành với các quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong luật những trường hợp được miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không để bảo đảm chặt chẽ và công khai, minh bạch. Vấn đề được một số đại biểu quan tâm là quản lý giá hàng không nội địa. Theo đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh), việc áp dụng khung giá độc quyền là không cần thiết, nên để thị trường quyết định theo quy luật cung, cầu, áp dụng cơ chế thị trường, bỏ giá trần với hàng không nội địa, tạo điều kiện có lợi hơn cho sự phát triển cũng như thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa và xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Buổi chiều, các ĐBQH nghe đại diện Chính phủ trình bày các tờ trình: Dự án Luật Căn cước công dân; Dự án Luật Hộ tịch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra các dự án luật này.

Theo quy định của Dự thảo Luật Căn cước công dân, tất cả công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống được cấp thẻ Căn cước công dân. Cùng với việc cấp thẻ Căn cước công dân, mỗi công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân gồm 12 số tự nhiên, không lặp lại ở người khác và số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ Căn cước công dân. Số định danh cá nhân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, có giá trị để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu và để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin cơ bản của công dân trong cơ sở dữ liệu.

Theo quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của luật này. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1-7-2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật cũng bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.

Thứ năm, ngày 5-6-2014, QH họp phiên toàn thể tại hội trường.

Buổi sáng, cho ý kiến vào dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều khiển phiên thảo luận.

Đa số ý kiến ĐBQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật nhằm cụ thể hóa những nội dung mới quan trọng về chế định VKSND trong Hiến pháp năm 2013; khắc phục cơ bản các bất cập của Luật Tổ chức VKSND hiện hành; đáp ứng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiếp thu hợp lý kinh nghiệm quốc tế đã thừa nhận và khẳng định. Đi sâu thảo luận, ý kiến các đại biểu tập trung vào các nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND; mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay VKSND khu vực; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm sát; tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều tra VKSND; các quy định về Kiểm sát viên.

Về mô hình VKSND các cấp, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với việc quy định mô hình tổ chức VKSND cấp huyện. ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích, việc tổ chức VKSND cấp huyện như hiện hành sẽ bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với các tổ chức cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cùng cấp. Đại biểu Vinh cho rằng, thực tế, khoảng 2/3 khối lượng công việc của VKSND cấp huyện có liên quan đến cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cấp huyện. Nếu thành lập VKSND khu vực sẽ tác động, ảnh hưởng đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”, gắn công tố với hoạt động điều tra, nhất là trong việc VKSND thực hiện phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Cùng quan điểm này, ĐBQH Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), cho rằng, đề án tổ chức Tòa án và VKS khu vực theo địa hạt tư pháp là kéo theo giới hạn địa lý sẽ mở rộng, quãng đường để người dân đến với công đường sẽ xa hơn, chi phí tốn kém trong khi điều kiện của người dân còn khó khăn, gây bất cập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Hơn nữa, thực tế hoạt động của VKSND cấp huyện hiện nay không có gì vướng mắc, khó khăn. Do đó, việc thành lập VKS khu vực cho phù hợp với mô hình Tòa án sơ thẩm khu vực như trong dự thảo là chưa phù hợp.

Về chức năng, nhiệm vụ của VKSND, ĐBQH Hồ Văn Năm (Đồng Nai) nêu ý kiến, bên cạnh kế thừa các nhiệm vụ của luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhằm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về VKSND. Việc sửa đổi luật nhằm tạo cho VKS chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm do đơn tố cáo, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không được giải quyết theo đúng trình tự của quy định của pháp luật. 

Về thẩm quyền, nhiệm vụ của VKSND khi thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra, đại biểu Hồ Văn Năm bày tỏ đồng tình với quy định của dự thảo Luật tại Điều 15 và cho rằng, quy định này sẽ tạo điều kiện cho VKSND thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo hiến định, đồng thời có cơ sở vững chắc và niềm tin vào chứng cứ tại hồ sơ vụ án như lời khai hiện tại của bị can có bị ép cung hay không, có bị nhục hình hay không? Lời khai các nhân chứng và việc thu thập chứng cứ có khách quan, đúng quy định của pháp luật hay không làm cơ sở để phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra bảo đảm chính xác, tránh oan sai, đồng thời bảo đảm các quyền công dân theo đúng quy định của pháp luật và tăng cường trách nhiệm của VKS theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước.

Cho ý kiến về giám sát hoạt động của VKSND của dự thảo Luật, ĐBQH Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị, để phát huy dân chủ, mở rộng phạm vi giám sát xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong hoạt động của VKS đề nghị thêm vào điều khoản quy định mọi tổ chức, cá nhân khi liên quan đến VKS có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, kiểm sát viên, viện trưởng hoặc VKS cấp trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo, khiếu nại của mình.

Về vai trò của Ủy ban Kiểm sát, đại biểu Trần Ngọc Vinh thể hiện sự tán thành với phương án 1, vì Ủy ban Kiểm sát có vai trò quyết định đối với những vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VKSND. Đối với những vấn đề giải quyết những vụ án hình sự, dân sự, hành chính phức tạp thì Ủy ban Kiểm sát không có quyền quyết định nhưng vẫn có trách nhiệm thảo luận, cho ý kiến về các vụ án, vụ việc quan trọng, phức tạp là thủ tục bắt buộc trước khi Viện trưởng VKS quyết định. Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Viện trưởng VKSND trong Luật Tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hiện hành, đồng thời tăng cường tính dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trong tổ chức và hoạt động của VKSND. ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền cho Ủy ban kiểm sát để Ủy ban có thể kiểm sát được tất cả các hoạt động tư pháp, đặc biệt là các hoạt động nội bộ.

Đa số các đại biểu cho rằng, tuổi nghỉ hưu trong tất cả các luật nên thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, trong đó có tuổi của kiểm sát viên, không nên có một điều quy định về tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên trong Luật.

Buổi chiều, QH nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Kếp-tao) và Báo cáo về Công ước này; thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com