Ngày 13-6, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và thảo luận Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Xác định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài
Thảo luận Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm "nhà đầu tư nước ngoài", vì đây là cơ sở quan trọng để áp dụng những hỗ trợ về điều kiện, thủ tục đầu tư. Liên quan quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 51% vốn điều lệ trở lên mới được coi là nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, nhà đầu tư giữ tỷ lệ dưới 51% vẫn có thể chi phối hoạt động doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư có thể lợi dụng cơ chế này tham gia các lĩnh vực đầu tư bị hạn chế hoặc đầu tư có điều kiện. Do vậy, để bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài, hạn chế lợi dụng các kẽ hở chính sách, cần cân nhắc tỷ lệ vốn đầu tư xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Đác Lắc, Nghệ An và Vĩnh Phúc thảo luận ở tổ. |
Về thẩm quyền quyết định đầu tư trong nước, đa số ý kiến cho rằng, để tạo sự minh bạch, dự thảo cần quy định rõ những loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với các ngành, lĩnh vực đặc thù như: dầu khí, viễn thông, truyền tải điện... thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp Trung ương nhằm bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, cần bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Bảo đảm hiệu quả thi hành án
Thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (sửa đổi), nhất là bảo đảm thi hành quy định tại Điều 106 của Hiến pháp (sửa đổi):
Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án theo hướng tòa án hoặc cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan thi hành án lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án.
Một số ý kiến đề nghị giữ quy định về thi hành án theo đơn yêu cầu như quy định hiện hành, nhằm phù hợp với tính chất hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và một số đại biểu đề nghị, Luật Thi hành án dân sự cần quy định cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động thi hành án dân sự.
Mức độ và thời gian lấy phiếu tín nhiệm
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với 412 số phiếu tán thành, chiếm 82,73% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành Dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến cho rằng, quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm hoặc lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả nhiệm kỳ đều không phù hợp. Theo đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu), việc quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm khiến đại biểu không đủ thời gian để đánh giá chính xác chất lượng công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm và không đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm khắc phục những hạn chế trong công tác. Cùng với đó, nếu quy định lấy phiếu một lần trong cả nhiệm kỳ không bảo đảm tính kịp thời trong việc đánh giá chất lượng công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến đề nghị, nên quy định mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm hai lần vào cuối năm thứ hai và cuối năm thứ tư của nhiệm kỳ nhằm phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Về mức đánh giá tín nhiệm, một số ý kiến đề nghị, chỉ nên đưa ra hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp nhằm phân định rõ người được tín nhiệm và không được tín nhiệm. Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) cho rằng, việc tiếp tục đưa ra ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như Dự thảo Nghị quyết sẽ khó có căn cứ đánh giá thực chất mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu.
Liên quan phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến đề nghị nên mở rộng đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo hướng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả các chức danh được bầu. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị, bổ sung thêm các chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban chuyên trách thuộc HĐND các tỉnh, thành phố. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, nên bổ sung thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm vì những vị trí này thường xuyên tiếp xúc với nhân dân và đại diện cho chính quyền để giải quyết công việc.
Hôm nay, thứ hai, ngày 16-6-2014, buổi sáng, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi); buổi chiều, QH họp phiên toàn thể để tiến hành biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân