Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, khóa XIII, sáng 16-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, quan điểm và nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001.
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương, 112 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội (Chương I), đại biểu Quốc hội (Chương II), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội (Chương III), Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (Chương IV), các cơ quan thuộc Quốc hội (Chương V) và điều khoản thi hành (Chương VI).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội là rất cần thiết.
Các đại biểu đánh giá cao nhiều nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, đã cụ thể hóa Hiến pháp mới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, một số quy định trong Dự thảo còn chung chung. Các nội dung được các đại biểu tập trung góp ý là quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội, chức danh Tổng Thư ký Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), sáng ngày 16/6. |
Đa số ý kiến tán thành với quy định số lượng đại biểu Quốc hội là 500 người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như Dự thảo là ít. Đa số đại biểu đề nghị, tỷ lệ này cần nâng cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị, tăng số đại biểu chuyên trách ở Trung ương và số đại biểu chuyên trách ở địa phương lên ít nhất là hai đại biểu nhằm đảm bảo hoạt động chỉ đạo, điều hành Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ: “Về số lượng đại biểu Quốc hội, quy định tại Điều 41 là tổng số lượng đại biểu không quá 500 người tôi thấy quy định như vậy là hợp lý, nếu quy định cứng 500, khi bầu cử nếu thiếu lại phải bầu bổ sung sẽ rất phức tạp. Riêng về đại biểu chuyên trách, dự thảo Luật quy định ít nhất là 35%, quy định như vậy là ít. Tôi đề nghị nâng lên ít nhất là 45% cho Quốc hội có điều kiện tốt hơn đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.
Cũng có quan điểm này, tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách với các đại biểu khác.
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị: Cần có một mục riêng quy định rõ đại biểu chuyên trách là ai, quyền hạn trách nhiệm đến đâu. Và làm thế nào để vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách chấm dứt tình trạng hành chính hóa, tránh tình trạng tốn ngân sách mà không có lợi cho dân.
Điểm mới của Dự thảo Luật là quy định về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội thay thế cho đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Nhiều đại biểu còn băn khoăn giữa chức danh mới này với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vốn lâu nay vẫn đảm nhận các nhiệm vụ này. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ chức danh Tổng Thư ký Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) góp ý: “Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, và Phó Tổng Thư ký Quốc hội, các ủy viên thư ký Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Tổng Thư ký. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quyền hạn của Đoàn Thư ký theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp hơn, bên cạnh nhiệm vụ tham mưu phục vụ kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội còn đồng thời là người đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội, điều hành toàn bộ công tác phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn về chức năng nhiệm vụ của Tổng Thư ký kiêm người đứng đầu văn phòng Quốc hội”.
Dự thảo Luật quy định công dân có thể vào dự thính các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy còn chung chung, cần cụ thể điều khoản này để các kỳ họp của Quốc hội diễn ra bình thường, công khai, minh bạch và người dân có thể giám sát.
Về các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật đã xác định địa vị pháp lý của Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện là các cơ quan thuộc Quốc hội. Việc xác định rõ địa vị pháp lý như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về những lĩnh vực được phân công.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội với các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như thẩm tra, giám sát, kiến nghị về các nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực dân nguyện. Có ý kiến đề nghị giữ Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về dự án Luật BHXH (sửa đổi)./.
Theo dangcongsan.vn