Tiếp tục kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, sáng 23-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư…
Đánh giá cao nỗ lực của Ban Soạn thảo trong việc thiết kế, sửa đổi cơ bản các cơ chế quản lý đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, dự thảo vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, có nguy cơ gây cản trở đáng kể đối với quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư.
Về thủ tục đăng ký đầu tư, theo đại biểu Lộc, quy định giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) so với luật hiện hành dù đã có tiến bộ do danh mục dự án đầu tư phải thực hiện đã giảm đi nhiều, nhưng để đạt được sự đột phá cần mạnh dạn hơn nữa trong giảm danh mục dự án cần quản lý bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đại biểu đề nghị, bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư, trừ các dự án sử dụng nguồn lực từ Nhà nước hoặc có ảnh hưởng đáng kể đến các nguồn lực khan hiếm khác của xã hội.
Về thủ tục thực hiện các dự án đầu tư, quyền tự do kinh doanh đòi hỏi pháp luật tôn trọng quyền tự quyết của nhà đầu tư trong mọi vấn đề liên quan đến việc triển khai và thực hiện các dự án đầu tư và pháp luật chỉ can thiệp khi ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn đối với 2 vấn đề: thứ nhất, đối với nhóm quy định liên quan đến hoạt động nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Dự thảo hiện nay đang quy định theo kiểu liệt kê, các quy định này nghe qua thì tưởng là tăng quyền cho các nhà đầu tư nhưng bản chất lại là sự hạn chế quyền của các nhà đầu tư. Theo đại biểu, cần quy định theo hướng nhà đầu tư được làm tất cả những gì pháp luật không cấm chứ không phải là chỉ được làm những gì được quy định trong Luật. Đại biểu đề nghị, bỏ các quy định liên quan đến quyền các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại dự thảo Luật. Thứ hai, đối với nhóm quy định về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thực tế, đây là thủ tục gây phiền hà nhất đối với các nhà đầu tư, bởi thực tiễn đầu tư khác nhiều so với dự kiến ban đầu của các nhà đầu tư. Đối với vấn đề này, đại biểu nêu ý kiến, dự thảo Luật nên thiết kế lại theo quy định rằng chỉ khi dự án đầu tư thay đổi các nội dung đã được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì mới phải làm thủ tục thay đổi và thủ tục này do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tự động như là sự ghi nhận, một sự thay đổi và chỉ tiến hành thẩm định đối với nội dung này mà trước đó khi đăng ký đầu tư đã trải qua quá trình thẩm định. Đại biểu đề nghị, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần được thiết kế một cách thận trọng để không chồng lên Luật Doanh nghiệp và không lấn các luật chuyên ngành; bảo đảm Luật Đầu tư có thể trở thành điểm tựa vững chắc để các nhà đầu tư an tâm đầu tư kinh doanh, yên tâm vào các tính toán kinh doanh mà không phải bận lòng với các thủ tục hành chính.
ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) thể hiện sự đồng tình về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật với quy định nhà đầu tư tự xác định ưu đãi và làm thủ tục ưu đãi tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quy định như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư trong xác nhận ưu đãi. Tuy nhiên, nên bỏ quy định trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác định ưu đãi đầu tư thì thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Theo đại biểu, quy định này là không cần thiết, làm tăng thủ tục, có thể làm giảm tiến độ triển khai dự án. Quy định này sẽ phát sinh tiêu cực, hơn nữa giai đoạn này, chính doanh nghiệp cũng chưa xác định được dự án có thể đáp ứng được 100% các điều kiện để hưởng ưu đãi. Đồng thời, cần cân nhắc nên quy định chi tiết ưu đãi đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Vì nếu ghi ưu đãi đầu tư hay không thì cơ quan trực tiếp thực hiện ưu đãi cũng phải áp dụng ưu đãi cho nhà đầu tư. Dự án được hưởng ưu đãi đương nhiên nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định. Mặt khác, nếu có yêu cầu thì nhà đầu tư phải điều chỉnh theo yêu cầu giấy chứng nhận đầu tư mới để được hưởng ưu đãi, điều này làm mất nhiều thời gian, làm phát sinh yêu cầu thủ tục hành chính.
Về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đề nghị của nhà đầu tư, điểm c, khoản 1, Điều 42 quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án do nhà đầu tư đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ĐBQH Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, nội dung này không quy định mức dự án tối thiểu để đề nghị và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dễ dẫn đến bị lạm dụng khi dự án đầu tư có giá trị và quy mô nhỏ nhưng nhà đầu tư vẫn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Vì vậy, cần phải bổ sung hạn mức dự án tối thiểu khi nhà đầu tư đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khoản 2, Điều 44 xác định dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban quản lý KCN, KCX, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Việc giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Ban quản lý KCN, KCX, khu công nghệ cao, khu kinh tế là góp phần rút ngắn thời gian và thủ tục. Tuy nhiên, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX, khu công nghệ cao còn liên quan đến nhiều công tác hỗ trợ khác như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài KCN… Việc phân cấp trong trường hợp này có thể gây lúng túng, triển khai không đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan. Vì vậy, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp này nên giao cho UBND cấp tỉnh là phù hợp, đại biểu đề nghị.
Về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài ở khoản 3, Điều 3, ĐBQH Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, quy định nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập cũng như mức độ sở hữu tham gia quản lý của tổ chức nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam là phù hợp, trong đó cần thiết phải có tiêu chí định lượng và đặt ra một ngưỡng cụ thể về tỷ lệ nắm giữ vốn nhất định để được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, quy định về ngưỡng nắm giữ trên 51% vốn điều lệ mới coi là nhà đầu tư nước ngoài như dự thảo Luật sẽ dễ tạo khe hở, lạm dụng lách luật của nhà đầu tư để tham gia vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với quy định tỷ lệ trên 51% mới coi là nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những trường hợp cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài nắm giữ phần vốn điều lệ trong khoảng từ trên 50% đến 51% không bị coi là nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù trên thực tế cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài này có vai trò hoàn toàn chi phối doanh nghiệp, bởi luôn giành được đa số trong mọi vấn đề cần biểu quyết. Cùng với đó, quy định như vậy sẽ khó thống kê chính xác dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó khó khăn trong công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài và cũng khó khăn trong việc đánh giá các chính sách thu hút đầu tư. Vì vậy, nên cân nhắc quy định tỷ lệ này thấp hơn và tỷ lệ cụ thể được xác định trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các quy định dưới luật hiện hành về thu hút đầu tư nước ngoài và tham khảo thêm pháp luật của các nước cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, đại biểu đề nghị.
Trước đó, với 91,16% số ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự./.
Theo daibieunhandan.vn