Luật Biển Việt Nam

08:06, 27/06/2014

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Phần II
Phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển

Câu hỏi 10. Quan hệ đầu tiên mà Luật Biển cần điều chỉnh là gì?

Trả lời: Là công cụ pháp lý để quản lý Nhà nước về biển, mối quan hệ đầu tiên và rất quan trọng mà Luật Biển cần điều chỉnh là việc xác định cụ thể, rõ ràng phạm vi không gian của các vùng biểnthềm lục địa với danh nghĩa là phạm vi áp dụng của Luật Biển. Các vùng biển thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền quyền tài phán quốc gia là bộ phận cấu thành, không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia ven biển, là môi trường sống và gắn liền với những lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của quốc gia ven biển. Các vùng biển thềm lục địa là môi trường sống, là nền tảng vật chất cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia ven biển. Đồng thời chúng còn liên quan đến các vùng biển của các quốc gia liền kề hay đối diện; liên quan đến biển cả nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Chính vì vậy mà việc xác định phạm vi áp dụng của Luật Biển là nội dung đầu tiên, không thể thiếu được của Luật Biển; đòi hỏi phải được xác định một cách cụ thể, rõ ràng và đầy đủ.

Câu 11. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải được xác lập như thế nào?

Trả lời: Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (gọi tắt là đường cơ sở) là căn cứ để xác định chiều rộng và giới hạn phạm vi của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế (thường gọi là vùng đặc quyền kinh tế), thềm lục địa. Có hai phương pháp để xác lập hệ thống đường cơ sở: Đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường.

Điều 7, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, đã quy định phương pháp thiết lập đường cơ sở như sau:

1. Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu hay lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

2. Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn theo ngấn nước triều thấp nhất nhô ra xa nhất, và ngay cả trong trường hợp về sau, ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.

3. Tuyến đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn liền với đất liền đủ đến mức được đặt dưới chế độ nội thủy.

4. Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

5. Trong trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

6. Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế.

Điều 8, Luật Biển Việt Nam quy định: ‘‘Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.

Theo quy định này thì Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12-11-1982 vẫn có hiệu lực. Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối từ điểm AO (nằm trên đường thẳng nối đảo Thổ Chu của Việt Nam đến đảo Polo Wai của Căm-pu-chia) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) có tọa độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.

Thực hiện Điều 8 của Luật Biển Việt Nam, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục công bố bổ sung một số đoạn đường cơ sở còn chưa hoàn chỉnh.

Sơ đồ các điểm cơ sở năm 1982 (xem hình 1)

Câu 12. Nội thủy là gì? Phạm vi của nội thủy? Chế độ pháp lý của nội thủy?

Trả lời: Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: “Các vùng nước ở phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là nội thủy của quốc gia ven biển” (Điều 8). Theo định nghĩa này, nội thủy bao gồm cửa sông, vũng, vịnh, cảng biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển; vùng nước lịch sử cũng theo chế độ nội thủy. Nội thủy được coi như là bộ phận lãnh thổ trên đất liền của quốc gia ven biển.

Điều đáng lưu ý là khi một đường cơ sở thẳng được vạch ra theo đúng phương pháp mà gộp vào nội thủy các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thủy thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó.

Điều 9 của Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở, và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Điều 10 xác định chế độ pháp lý của nội thủy: Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thuỷ như lãnh thổ đất liền.

Các vùng biển của một quốc gia ven biển (xem hình 2 và 3)

Câu hỏi 13. Lãnh hải là gì? Chiều rộng của lãnh hải? Chế độ pháp lý của lãnh hải?

Trả lời: Trước hết, chúng ta nên thống nhất cách gọi để chỉ vùng biển quan trọng này sao cho thống nhất và phản ánh đúng bản chất pháp lý của nó: “hải phận”, “vùng biển” hay “lãnh hải ”? Cho đến nay vẫn còn không ít người sử dụng một cách tùy tiện các tên gọi này.

Theo Luật Biển quốc tế hiện đại, “vùng nước lãnh thổ” được gọi là “lãnh hải” (tiếng Anh: Territorial Sea, tiếng Pháp: Mer territoriale), không phải là “hải phận” hay “vùng biển” chung chung. Nó là một vùng biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thủy của quốc gia ven biển, có một bề rộng nhất định được đo tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển đó.

Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo đó.

Đối với các đảo riêng lẻ hay nằm trong một quần đảo không phải là quốc gia quần đảo, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn được quy định tại Điều 121 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải của quốc gia này, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.

Chiều rộng lãnh hải do quốc gia ven biển tự xác định tính từ đường cơ sở theo đúng các tiêu chuẩn chung do Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định.

Khi gọi “vùng biển Việt Nam”, “hải phận Việt Nam” ta hiểu rằng đó là tên gọi chung cho cả nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Khi gọi “lãnh hải Việt Nam” ta hiểu rằng đó là tên gọi của một vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Về chiều rộng lãnh hải:

Điều 3 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước”.

Điều 11 Luật Biển Việt Nam khẳng định “Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam”.

Về chế độ pháp lý của lãnh hải:

Điều 12 Luật Biển Việt Nam cũng quy định rõ chế độ pháp lý lãnh hải Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com