Luật Biển Việt Nam

05:06, 20/06/2014

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Câu hỏi 7. Nội dung chủ yếu của Luật Biển Việt Nam?

Trả lời: Luật Biển Việt Nam bao gồm 55 điều được bố trí trong 7 chương.

Chương I: Quy định chung, gồm có 7 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, luật áp dụng, nguyên tắc quản lý, bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý Nhà nước về biển.

Chương II: Vùng biển Việt Nam, gồm 14 điều, quy định về cách xác định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, vấn đề đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của chúng.

Chương III: Hoạt động của người và phương tiện trong các vùng biển Việt Nam, gồm 20 điều, quy định quyền, nghĩa vụ của phương tiện nước ngoài khi đi qua không gây hại trong các vùng biển Việt Nam, quy định tuyến hàng hải, phân luồng giao thông...

Chương IV: Phát triển kinh tế biển, gồm 5 điều, quy định các nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành nghề kinh tế biển quy hoạch phát triển kinh tế biển, vấn đề đầu tư, hợp tác thăm dò khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường...

Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển, gồm 3 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Chương VI: Xử lý vi phạm, gồm 4 điều quy định về thủ tục dẫn giải, địa điểm xử lý vi phạm, các đối tượng vi phạm là người nước ngoài...

Chương VII: Điều khoản thi hành. Hiệu lực thi hành là từ ngày 1-1-2013.

Câu hỏi 8. Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi nhận trong Luật Biển Việt Nam có ý nghĩa gì?

Trả lời: Thứ nhất, trong các nội dung của Luật Biển Việt Nam, nội dung quy định phạm vi các vùng biển Việt Nam thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc nhấn mạnh và quy định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa là những nội dung rất quan trọng của Luật Biển Việt Nam mà cả trong nước và quốc tế đều hết sức quan tâm. Hai nội dung đó trong Luật Biển Việt Nam đã thể hiện khá đầy đủ, cho biết phạm vi vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được xác định như thế nào và quy chế pháp lý của các vùng biển đó cụ thể ra sao.

Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Internet.

Thứ hai, Luật Biển Việt Nam đã quy định rõ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc phân định ranh giới các vùng biển chồng lấn trong Biển Đông. Dựa theo nguyên tắc đó, ta đã từng đàm phán thành công với một số quốc gia ven biển có liên quan, chẳng hạn việc đàm phán và ký kết với Trung Quốc về phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ - một hiệp ước điển hình cho quá trình áp dụng Công ước, điển hình cho giải quyết các vùng chồng lấn. Chúng ta duy trì hình thức đó để đàm phán giải quyết các vùng chồng lấn bằng đàm phán hòa bình để đi tới giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận và nhất thiết dựa trên Công ước. Các bên muốn giải quyết vấn đề thì rõ ràng không thể dựa vào yếu tố khác ngoài Công ước. Bất kỳ một ai trong đàm phán đưa ra tiêu chuẩn khác với Công ước sẽ dẫn tới sự phức tạp kéo dài và tranh chấp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta phải nhắc lại điều đó một cách dứt khoát, nếu giải quyết tranh chấp trên biển - một tranh chấp quan trọng là xác định vùng chồng lấn, là phải dựa trên Công ước. Ngoài ra còn có các tranh chấp khác về đánh cá, thăm dò, khai thác, bảo vệ môi trường tài nguyên trên các vùng biển do các hoạt động qua lại của tàu thuyền thì các bên phải ngồi với nhau, hoặc đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế mà Công ước đã quy định. Giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tài phán là một biện pháp hòa bình, văn minh, có tính văn hóa. Nếu khi xảy ra tranh chấp mà các bên không thể tự giải quyết được thì phải nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế để xem xét, xử lý đúng sai. Nếu có ai đó không muốn đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán khi không thể giải quyết được thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương thì rõ ràng họ muốn đi vào ngõ cụt và gây ra những xung đột không cần thiết. Luật Biển Việt Nam đã khẳng định lập trường nhất quán đó của Việt Nam. Điều đó nói lên thiện chí và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý mọi tranh chấp trên biển.

Thứ ba, trong Luật Biển Việt Nam đề cập chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù Công ước không nói đến giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, điều quan trọng và rất phù hợp với Công ước này là trong Luật Biển Việt Nam có nói đến các đảo, quần đảo và hiệu lực của các đảo và quần đảo trong xác định các phạm vi các vùng biển của chúng, trong đó có nội dung đã được khẳng định là với những đảo nhỏ, không thích hợp với môi trường sinh sống của con người và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng. Điều đó có nghĩa là chúng ta phản đối những nước đưa ra bất kỳ quy định nào trái với Công ước và đi ngược lại các quy định chung quốc tế nhằm hợp thức hóa yêu sách biên giới biển đầy tham vọng của họ trong Biển Đông.

Luật Biển Việt Nam đã khẳng định, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này thông qua biện pháp hoà bình theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự là nguyên tắc cơ bản được áp dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam là nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi các đảo đó còn là vô chủ. Việc thực hiện chủ quyền là rõ ràng, liên tục, hòa bình, đó là nguyên tắc được quốc tế thừa nhận áp dụng rộng rãi trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Chúng ta rất sẵn sàng đàm phán. Các nhà nước Việt Nam trước đây đã nêu lên và hiện nay chúng ta cũng sẵn sàng làm. Trong Luật Biển Việt Nam đã khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan đàm phán giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Đó là thiện chí của Việt Nam. Trong thực tế, Việt Nam đã triển khai thành công thiện chí đó, bởi vì các bên đều tôn trọng sự thật khách quan, có thiện chí và cầu thị khi tiến hành đàm phán.

Câu hỏi 9. Những công việc cần tiếp tục sau khi Luật Biển Việt Nam có hiệu lực là gì?

Trả lời: Để có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, cộng đồng quốc tế trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng. Luật Biển là bộ luật cực kỳ lớn, rất phức tạp, rất dài, chứa đựng nhiều nội dung với những vấn đề khác nhau, phạm vi chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, mặc dù Luật Biển Việt Nam đã có hiệu lực, nhưng để đưa vào cuộc sống và làm cho nó phát huy hiệu lực hơn cần phải có thêm những hướng dẫn, bổ sung, sửa chữa thích hợp. Ví dụ về đường cơ sở: Trong Luật Biển Việt Nam có quy định nguyên tắc thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải theo Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ngày 12-11-1982. Tuy nhiên còn có những khu vực còn chưa tuyên bố cụ thể thì vẫn phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, vẫn cần điều chỉnh bằng một văn bản dưới luật hay bổ sung vào Luật này. Phạm vi các vùng biển hiện nay có một số nơi chưa xác định rõ, nên cần phải tiếp tục hoàn thiện...

Trong Luật Biển Việt Nam chủ yếu đề cập đến các định chế xử lý quan hệ trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam còn vấn đề quan trọng mà Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã dành quá nửa số chương, mục để đề cập tới; đó là Vùng - Di sản chung của nhân loại - thì Luật Biển Việt Nam, mặc đù đã có một số định nghĩa, nhưng vẫn chưa quy định cụ thể. Trong xu thế phát triển tất yếu của khoa học kỹ thuật, công nghệ nghiên cứu khai thác biển, hy vọng trong những năm sắp tới, việc tham gia nghiên cứu, khai thác Vùng, biển cả của công dân Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn. Thực tế đó đòi hỏi phải có những quy định bổ sung cho Luật Biển Việt Nam để xử lý tốt các quan hệ nảy sinh... Trong thực tế người dân phải đi làm ăn, vùng tranh chấp ở đâu? giải quyết như thế nào? áp dụng luật gì? Đó là những điều cần dày công hơn để chỉnh lý lại những nội dung đã công bố cho chuẩn xác hơn, chi tiết hơn. Càng cụ thể chi tiết càng làm cho Luật Biển Việt Nam dễ dàng đi vào cuộc sống, xứng đáng là công cụ pháp lý quan trọng của công tác quản lý Nhà nước trên các vùng biển, hải đảo./.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com