Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là “kim chỉ nam” cho tất cả những người làm báo, những người coi báo chí như một trong những mặt trận xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng, là vũ khí cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, một nhà báo lớn, đã từng dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người đòi hỏi cán bộ báo chí phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và nhận thức. Người nhận xét: “Ưu điểm của các nhà báo là cơ bản, nhưng khuyết điểm thì cũng nhiều” và một trong những khuyết điểm đó là: “Nắm vấn đề chính trị không được vững chắc”. Người yêu cầu: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962. Ảnh: TL |
Nói về phong cách báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng mới lọt tai quần chúng”, “viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch”. Người căn dặn không những phải viết có nội dung mà phải viết làm sao để tất cả người đọc ai cũng hiểu được nội dung mình viết. Người từng nhắc nhở: “Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? - Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh. - Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Từ đó Người dạy: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Người phê phán: “Viết ba hoa, dây cà dây muống là hình như để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy”, và chỉ trích: “Có người muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng, những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”. Người nhắc nhở đội ngũ nhà báo phải cẩn thận: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc đi đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa vô ích bỏ đi”; “Viết phải thiết thực”; “Nói có sách, mách có chứng”...
Trong tư duy của Người, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó, mà nhất thiết báo chí phải hướng về đại đa số quần chúng, phải dành cho đông đảo nhân dân. Người căn dặn: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng; một tờ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: Nội dung tức là các bài viết phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông thiết thực, hoạt bát. Và: Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”. Tính chất báo chí theo quan điểm Bác Hồ trước hết là “tính quần chúng và tính chiến đấu”. Người còn khuyên bảo thêm: “Muốn viết báo thì cần phải gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, mỗi nhà báo cần nhìn lại chính bản thân mình, học tập và làm theo lời Bác dạy để xứng đáng là nhà báo cách mạng, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.
N.Đ