Nhằm góp phần phục vụ kịp thời những hoạt động nghiệp vụ báo chí nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014), Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt cuốn sách “Giữ lửa một chuyên mục trên Báo Nhân Dân” của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh. Đây là tập hợp 120 bài viết được lựa chọn trong số hàng trăm bài trong chuyên mục “Vấn đề tháng này” trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng, kể từ số đầu tiên tháng 6-1997 đến số tháng 3-2014.
PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh quê xã Hồng Quang (Nam Trực) hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách: Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa X, XI. Nhắc đến nhà báo Hồng Vinh, bạn đọc thường nhớ ngay tới một cây viết chính luận sắc sảo với những bài viết mang đậm tính thời sự. Kể từ năm 1968 sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và bén duyên với nghiệp báo, ông đã có tới hơn 30 năm gắn bó với Báo Nhân Dân. Năm 1996, được Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trong bối cảnh sôi động của công cuộc đổi mới, ông luôn trăn trở với việc làm thế nào để phát huy hơn nữa vai trò của tờ báo được xem là “anh cả” của làng báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng với Ban Biên tập và tập thể cán bộ, phóng viên, ông đã thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển, đổi mới tờ báo, không chỉ tăng về số lượng trang Báo Nhân Dân hằng ngày; cải tiến, nâng cao chất lượng ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần mà còn ra thêm ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng với nhiều chuyên mục mới và lượng thông tin đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc. Từ thực tế cần có một bài báo ngắn, khái quát được vấn đề trọng tâm của mỗi số báo, gắn với sự kiện nổi bật của đời sống chính trị - xã hội đất nước, lại phải phù hợp với tính chất của tờ báo, ông được giao trực tiếp đảm nhiệm chuyên mục “Vấn đề tháng này” trên Nhân Dân hằng tháng. Chuyên mục mới ra mắt chưa lâu nhưng đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, bởi nó đã nêu bật được lập trường, quan điểm của tờ báo về một vấn đề thời sự quan trọng, “nóng hổi” của đất nước; qua đó đề ra những nhiệm vụ công tác cần kíp phải làm ngay hoặc mang tính định hướng dư luận rõ nét về tư tưởng, tình cảm, hành động. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã tạo được phong cách riêng cho mình ở các bài viết xã luận ngắn gọn, súc tích, thể hiện sự nhạy cảm và sắc sảo đặc biệt khi nhận định về những vấn đề thời sự nổi bật của mọi mặt đời sống xã hội. Thể loại xã luận vốn được xem là khô khan, khó viết hay, song qua giọng văn sắc ngọt mang dư vị tản văn của ông, mỗi bài viết của chuyên mục “Vấn đề tháng này” luôn tạo được sự hấp dẫn đối với bạn đọc. 18 năm “trụ vững” ở một chuyên mục, có nhiều lúc, nhà báo Hồng Vinh đã gặp khó khăn khi ngoài các sự kiện đột xuất, chuyên mục còn phải đề cập đến các vấn đề trọng tâm của từng tháng mang tính lặp lại như Tết dương lịch, Tết âm lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Ông đã phải trăn trở rất nhiều về cách tiếp cận vấn đề, cách diễn đạt sao cho không trùng lặp, lại có khía cạnh mới để người đọc không thấy nhàm chán. Chẳng hạn như, cùng một sự kiện kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, ông đã viết rất nhiều bài: “Nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn!”, “Động lực to lớn của hành trình đổi mới”, “Lời Người vẫn cổ vũ chúng ta đi tới”, “Lời Bác - tiếng ngàn xưa và cả tiếng mai sau”, “Đồng tâm làm theo lời Bác dạy!”…, nhưng mỗi bài viết đều khai thác một khía cạnh mới trong chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo cách này, các bài viết của ông đã chọn được những điểm nhấn để phân tích, bình luận sâu hơn ở các chủ đề chính luận quan trọng khác: bàn về một vấn đề sốt dẻo; bình luận về thời cuộc và đề ra nhiệm vụ trước mắt; nêu rõ nội dung tư tưởng của một nghị quyết, một chỉ thị của cơ quan lãnh đạo và nhấn mạnh nhiệm vụ thi hành; tổng kết kinh nghiệm và nêu ra những bài học về đấu tranh, sản xuất, công tác, học tập… Đặc biệt, mỗi mốc son lịch sử của đất nước được ông đề cập trong “Vấn đề tháng này” đã thực sự khơi dậy được trong các tầng lớp nhân dân lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự vững tin vào Đảng, từ đó đồng tâm chung sức xây dựng đất nước mạnh giàu, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Là nhà báo giỏi nghề, từng tạo được dấu ấn với bạn đọc ở nhiều thể loại báo chí, song với chuyên mục “Vấn đề tháng này”, dù chỉ trên dưới 500 chữ, ông luôn có sự cầu toàn khi không ít lần phải sửa đi, sửa lại; thậm chí có hôm báo lên mo-rát rồi vẫn xin được sửa hoặc bổ sung vài chữ. Đúng như cảm nhận của nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Mỗi bài dài chỉ trên dưới 500 chữ, nhưng trong văn chương, ngắn gọn đâu có đồng nghĩa với dễ dãi, mà thường là ngược lại; thiếu tài năng và tâm huyết sẽ khó thành công”. Tâm và tầm của nhà báo Hồng Vinh đã làm cho chuyên mục ngày càng đổi mới, nâng cao về chất lượng, được bạn đọc và đồng nghiệp thường xuyên theo dõi, cổ vũ. “Vấn đề tháng này” còn được lãnh đạo báo, đài, Ban Tuyên giáo ở nhiều tỉnh, thành phố coi như một tài liệu tham khảo bổ ích trong hoạt động tư tưởng và báo chí.
Đọc “Giữ lửa một chuyên mục trên Báo Nhân Dân” của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, chúng ta thấy được tài năng và những phẩm chất đáng quý của một nhà báo: sự nhạy bén, tư duy sắc sảo, tâm huyết, đam mê nghề nghiệp… Điều quan trọng hơn cả là ông không chỉ biết giữ lửa nhiệt huyết cho mình trong nghề báo mà thông qua những bài báo của mình còn truyền được, nhen được ngọn lửa tin yêu, hy vọng đến đông đảo người đọc. Mỗi bài báo được viết ra bằng “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, vì vậy luôn có sức thuyết phục, sức lay động mạnh mẽ và đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc đời.
Lam Hồng
Báo Nam Định trân trọng giới thiệu một tác phẩm của tác giả Hồng Vinh viết nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (6-2011), rút trong cuốn “Giữ lửa một chuyên mục trên Báo Nhân Dân”. Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh!
Một trăm năm đã trôi qua, kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã triệt để sử dụng báo chí làm phương tiện giáo dục, tập hợp, tổ chức quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng. Khi trở thành lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và dân tộc, Bác tâm sự: “là người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Bác hiểu và đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhờ báo chí cách mạng, đồng thời qua hoạt động viết báo trực tiếp, Bác đã tham gia vạch tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, thức tỉnh giai cấp cần lao tự giác đứng lên “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Chặng đường đầu tiên tham gia cách mạng, Bác tự mình làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành; đồng thời chính mình đi bán tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Tháng 6-1925, Người cũng làm các nhiệm vụ ấy khi sáng lập tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Nền báo chí cách mạng nước ta cũng hình thành từ ngày số báo Thanh Niên đầu tiên ấy xuất bản số đầu (21-6-1925), góp sức tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp ý chí chiến đấu chống thực dân, phong kiến, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc chiến đấu chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những người làm báo cách mạng Việt Nam mang nặng ơn sâu đối với người thầy vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định rõ mục tiêu và phương thức làm báo cách mạng. Bác Hồ dạy rằng, mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Bác chỉ rõ “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Phê bình và tự phê bình trên báo chí “là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén…”. “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng” với “tinh thần thành khẩn, xây dựng, trị bệnh cứu người”. Cùng với việc biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng, Bác thân tình chỉ ra những thiếu sót dễ thấy, như “Bài báo thường quá dài”, “dây cà ra dây muống” không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng”; “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích”; “đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng”; “lộ bí mật”; “khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”,… Những lời chỉ bảo thân tình trên đây của Bác thật sự là những “liều thuốc quý báu” giúp mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, mỗi cơ quan báo chí ngày một thấm sâu, vận dụng có hiệu quả vào việc cải tiến, đổi mới nhằm tăng sức hấp dẫn, thuyết phục từng dòng tin, từng bài viết, từng ấn phẩm báo chí theo phong cách làm báo Hồ Chí Minh./. |