Ngày 28-5, ngày làm việc thứ tám của kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII. Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (SX, KD). Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, việc quy định ngành, nghề và điều kiện kinh doanh (Điều 7) còn chung chung, do vậy Dự thảo Luật cần phải nói rõ ngành, nghề nào được phép kinh doanh; ngành, nghề nào kinh doanh có điều kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư lựa chọn ngành, nghề kinh doanh, bảo đảm tính ổn định để doanh nghiệp làm ăn. Cùng với đó, thời gian qua, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa chặt chẽ, cho nên doanh nghiệp xin giấy phép đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, dẫn đến tình trạng có không ít người đi làm giám đốc thuê, hình thành nhiều Cty "ma"..., gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Do vậy, cần quy định chặt chẽ việc cấp phép thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép kinh doanh.
Để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cùng với nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc đổi mới, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp, cần phải tăng cường công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp. Vì thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực y tế, văn hóa..., khi thực hiện liên quan đến nhiều ngành: Xây dựng, Công an, Công thương..., song do công tác kiểm tra chưa kịp thời, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, buôn bán hàng giả, gây bức xúc trong nhân dân.
Thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SX, KD, đề cập việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp khác (Điều 9), đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, việc mua lại cổ phần cần phải có điều kiện cụ thể. Vì tiền của Nhà nước cũng là tiền của nhân dân đóng góp, cho nên khi Nhà nước mua lại cổ phần của các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ. Bên cạnh đó, cần có chế tài cụ thể quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi lập đề án sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SX, KD. Khắc phục tình trạng cơ quan thẩm định không khách quan, trình độ hạn chế, hoặc viết đề án hay, nhưng khi làm lại dở, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung những chế tài cụ thể (thưởng, phạt rõ ràng).
Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, song bị thua lỗ, gây thất thoát, ảnh hưởng đến việc SX, KD của doanh nghiệp. Do vậy, nên quy định không cho doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành; giao quyền tự chủ, tự chịu tránh nhiệm trước Nhà nước và nhân dân; quy định chế độ kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SX, KD.
Minh bạch hoạt động công chứng
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH đối với Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu QH để rà soát, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý gồm 10 chương và 79 điều.
Nhiều đại biểu QH quan tâm khoản 3, Điều 4 (Nguyên tắc hành nghề công chứng) quy định: Không vì mục đích lợi nhuận. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy chỉ phù hợp với phòng công chứng do Nhà nước bao cấp mà không phù hợp với thực tế hoạt động công chứng thời gian qua. Bởi hiện nay, rất nhiều văn phòng công chứng tư được thành lập và để duy trì hoạt động, để xây dựng cơ sở vật chất, chủ sở hữu các văn phòng này phải bỏ kinh phí đầu tư. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định công chứng là một hình thức dịch vụ và còn cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng... Vì vậy, quy định như khoản 3, Điều 4 là không hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc loại bỏ nội dung này.
Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, có ý kiến đại biểu nhất trí với quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không nên quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa, như: luật sư, y, bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này. Công chứng viên có thể làm việc cho đến khi không đủ điều kiện sức khỏe.
Tại Điều 29, dự thảo Luật cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng, đồng thời quy định công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 5 năm kể từ khi chuyển nhượng. Về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng: Để hạn chế hiện tượng thành lập các văn phòng công chứng không phải để hoạt động nghề nghiệp mà chủ yếu là chuyển nhượng kiếm lời, dự thảo Luật cần bổ sung quy định sau khi thành lập văn phòng công chứng từ hai năm trở lên mới được phép chuyển nhượng.
Thứ năm, ngày 29-5-2014, buổi sáng, QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
Luật BHXH hiện hành có kết cấu gồm 11 chương và 141 điều. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa kết cấu này trên cơ sở bỏ 1 chương về BH thất nghiệp; gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH và gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm có 9 chương và 125 điều. Luật BHXH (sửa đổi) quy định về chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH; tổ chức BHXH; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý Nhà nước về BHXH. Luật này không áp dụng đối với BH thất nghiệp, BHYT, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh.
Thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, đa số đại biểu QH tán thành với những đề xuất sửa đổi, bổ sung của Chính phủ và nhận thấy nội dung dự thảo Luật đã bước đầu cụ thể hóa được một số yêu cầu đổi mới dạy nghề, khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành cũng như đã rà soát, chỉnh sửa các quy định cho phù hợp với thực tiễn và thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy vậy, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung được sửa đổi, bổ sung theo Tờ trình của Chính phủ còn chưa đủ và chưa thực sự căn bản để có thể tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sự nghiệp phát triển dạy nghề.
Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012./.
Theo Nhân dân