Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thời đại!

07:05, 07/05/2014

Điện Biên Phủ - Đất và người

Điện Biên Phủ là một vùng núi non hùng vĩ, điệp trùng của miền Tây Bắc Tổ quốc. Đây là mảnh đất lịch sử lâu đời, một vùng biên viễn nổi tiếng với một bề dày văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc anh em.

Ai đã từng đến Tây Bắc, cũng đều nghe nói đến câu ca: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nói về bốn vựa lúa lớn của miền Tây Bắc. Nhất Thanh là cánh đồng Mường Thanh - một cánh đồng lớn ở Điện Biên Phủ với đất đai màu mỡ, rộng tới 4.000ha, một cánh đồng rộng lớn nhất của vùng Tây Bắc, nằm giữa một vùng núi hiểm trở.

Đời Lý, đây là hạt Lâm Châu. Năm 1057, Vua Lý Thái Tông đã gả con gái cho tù trưởng người Thái ở Mường Thanh. Thời Lê Thánh Tông, Mường Thanh thuộc phủ Tây An, Hưng Hóa, Thành cổ Sam - Mứn, truyền lại có thể chứa được ba vạn người. Thế kỷ thứ 18, Mường Thanh bị giặc Phẻ tràn đến cướp phá rất dã man. Cạnh đồi Độc Lập ngày nay, trước đây có một cánh đồng tên là Tồng Khao, có nghĩa là đồng trắng, nơi bọn giặc giết hại đồng bào ta xương trắng phơi đầy đồng. Hai tướng Ngải và Khanh người Thái đã cùng Hoàng Công Chất, một thủ lĩnh nông dân người Thái Bình hợp sức đánh tan quân giặc.

Mấy trăm năm đã trôi qua, thành Bản Phủ của Hoàng Công Chất vẫn còn mãi trong lòng những người dân Mường Thanh. Đồng bào các dân tộc đã dựng Đền thờ ông, ở ngay nơi chiến trường xưa. Hằng năm, đồng bào kéo về tổ chức lễ hội tưởng nhớ ông. Nhưng hình ảnh khắc sâu vào lòng đồng bào các dân tộc lại là một cây cổ thụ lớn, dân cả vùng gọi là “Cây ba ngọn”. Đó là một gốc cây lớn hàng chục người ôm chưa xuể, bóng xanh trùm cả một khoảng đất rộng đến vài trăm mét vuông, phủ bóng mát xuống ngôi Đền thờ Hoàng Công Chất. Cả ba ngọn cây đa, đề, si cùng chung một gốc, đan xen, quấn quít vào nhau, như hình ảnh đoàn kết của các dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm...

Còn ngày nay, ba tiếng Điện Biên Phủ đã trở thành một danh từ Việt Nam nổi tiếng trên khắp thế giới. Đúng như câu thơ Tố Hữu: “Điện Biên vời vợi nghìn trùng. Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta!”.

Bản anh hùng ca tuyệt diệu!

Năm 1952-1953, sau nhiều thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam. Pháp đã cử sang Đông Dương viên Tổng Chỉ huy thứ 7 của quân đội viễn chinh, đó là tướng Na-va. Bọn địch tuyên truyền ầm ĩ cho kế hoạch Na-va và tên tướng này tuyên bố: “Trong thời hạn một năm sẽ làm đảo lộn tình thế chiến tranh”. Cùng với việc càn quét và đưa 34 tiểu đoàn có pháo binh, thiết giáp tiến đánh ra vùng Tây Nam Ninh Bình, quân Pháp liên tục nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với ý định xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm lớn mạnh chưa từng có gồm những binh lực tinh nhuệ nhất, có sự yểm trợ của pháo hạng nặng, xe tăng và máy bay, để án ngữ vùng Tây Bắc và có cơ hội tiêu diệt chủ lực của ta.

Địch đã tập trung ở đây 21 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng... Quân số lên tới 1 vạn 6 nghìn tên. Hằng ngày có tới 150 đến 250 lần máy bay chi viện cho chiến đấu. Chúng đào hầm ngầm, xây dựng sở chỉ huy chiến đấu, rào thép gai kiên cố... và tuyên bố Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm!

Được sự trực tiếp lãnh đạo của Bác Hồ và Bộ Chính trị, quân ta đã nêu quyết tâm chủ động tiêu diệt địch. Khẩu hiệu của quân ta là: “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”. “Địch cố thủ, kiên quyết đánh - địch bỏ chạy, kiên quyết truy - địch tăng cường, kiên quyết diệt”. Hoàn thành nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch giao, kiên quyết cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng lên Sở chỉ huy của giặc tại Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh trực tiếp lập Sở chỉ huy Chiến dịch tại khu rừng Mường Phăng, một vùng núi đá gần Điện Biên Phủ. Đứng trên đỉnh núi cao này, qua ống nhòm có thể nhìn thấy đồi A1 và hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát-xtơ-ri ở Mường Thanh.

Các sư đoàn chủ lực nổi tiếng của quân đội ta như 308, 312, 316 và các đơn vị pháo binh được lệnh kéo lên Điện Biên Phủ. Không chỉ quân đội, cả hậu phương lớn đều dồn sức cho mặt trận. Từng đoàn xe vận tải chạy suốt đêm. Hàng nghìn chiếc xe đạp thồ với sức trọng tải kỳ lạ từ 2 đến 3 trăm cân. Rồi hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, ngày đêm gánh gạo, tải đạn theo những con đường rừng hướng về Điện Biên Phủ. Cả những dòng sông cũng bè mảng nối nhau chở gạo, chở súng ra mặt trận.

Quân ta vượt qua mọi gian khổ, trèo đèo lội suối, kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Những cánh rừng xung quanh Điện Biên lặng lẽ một công trường khổng lồ. Đường mới mở, kéo pháo vào, lại lấp ngay dưới những dàn ngụy trang. Những đường hào chằng chịt nối liền những quả đồi, những hầm pháo kiên cố náu dưới 3m đất, hướng về phía địch. Chỉ riêng việc kéo pháo vào, kéo pháo ra... ở Điện Biên Phủ cũng đã là một bản anh hùng ca tuyệt diệu, mãi mãi sẽ còn âm vang trong bài ca kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân - một bài ca hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng chiến tranh của Pháp về Điện Biên Phủ.

Ngày 10 tháng 3 năm 1954: Bác Hồ gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Thư của Bác là nguồn cổ vũ lớn, động viên những người lính:

“Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to
Bác hôn các chú!"

Ngày 11 tháng 3 năm 1954:

Những khẩu pháo cuối cùng của quân ta đã vào đến trận địa. Các cứ điểm của địch đã nằm trong tầm ngắm. Chiến hào của bộ binh chỉ còn cách các cứ điểm thuộc phân khu bắc của địch vài ba trăm mét. Các tiểu đội mũi nhọn đã được các cấp chỉ huy trao tận tay cờ “Quyết chiến Quyết thắng” để cắm lên nóc vị trí địch.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954:

Lệnh động viên “Mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” được gửi tới tất cả các đơn vị.

“... Giờ ra trận đã đến!

Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch”.

5 giờ chiều: Cuộc đại tấn công lịch sử bắt đầu mở màn bằng một trận bão lửa của pháo binh. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Chưa bao giờ kẻ thù được nếm những đòn khủng khiếp như vậy. Các đài quan sát báo cáo về: Cột cờ trên đồi Him Lam bị bắn gẫy, những máy bay địch đỗ trên sân bay bị bắn cháy...”. Trong cuốn sách “Sự kết thúc của một cuộc chiến tranh”, hai nhà báo Pháp đã viết: "Những quả đạn pháo lớn của Việt Minh đã rơi qua lỗ châu mai của vị trí chỉ huy cứ điểm Bê-a Tơ-rít-xơ (Him Lam), giết chết ngay trung tá Gốt-sê, chỉ huy lữ đoàn lê dương thứ 13 và 3 người chỉ huy pháo của ông ta”. Hai ngày sau, 15 tháng 3, tên quan năm Pi-rốt, chỉ huy pháo binh của tập đoàn Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát!

Sau phút kinh hoàng, hơn 10 máy bay địch lập tức lồng lộn trên bầu trời, nhưng chúng cũng phải bay cao để tránh hỏa lực cao xạ của ta, vì thế thả bom không trúng đích. Các đơn vị xung kích của ta chia làm ba mũi nhanh chóng đánh vào Him Lam...

Chỉ trong 5 ngày, cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch bị quân ta đập tan, mở thông cửa vào khu trung tâm. Có cả tiểu đoàn lính ngụy hoảng sợ kéo ra hàng. Ta diệt và bắt sống hơn 2 nghìn tên. Địch phải vội vã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thêm hai tiểu đoàn nữa. Quân ta tiếp tục chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai. Những chiến hào của bộ binh dài khoảng hơn 100km, vây tròn lấy khu trung tâm của địch. Có nơi đã đến giáp hàng rào của các cao điểm phía đông.

Ngày 30 tháng 3 năm 1954:

Ta tập trung tiêu diệt các cao điểm phía đông Mường Thanh. Những trận chiến đấu quyết liệt, giành giật giữa hai bên. Suốt trong tháng 4 ta và địch giành đi giật lại từng khu vực trên các cao điểm quan trọng. Mỗi tấc đất đều mang dấu vết của cuộc chiến đấu quyết liệt. Quân ta đã khống chế được sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường hàng không của địch, ép chúng vào tình trạng nguy kịch. Địch thả dù súng đạn, lương thực phần lớn vào tay ta. Ở đồi A1 địch dựa vào hầm ngầm cố thủ, gây cho ta nhiều khó khăn. Đợt hai này, quân ta diệt của địch 2.300 tên. Tuy vậy, trên chiến trường địch vẫn còn trên 1 vạn quân và có ưu thế về không quân.

Những trận mưa lớn bắt đầu. Mưa như trút nước. Ở nhiều đoạn chiến hào, nước ngập đến bụng các chiến sĩ. Từ 23 tháng 3, Bác Hồ đã trực tiếp cử bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Giáo sư Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng nhiều bác sĩ giỏi lên tiếp viện cho chiến trường.

Sau này, đọc trong nhật ký của Giáo sư Tôn Thất Tùng, ta thấy ông đã viết: “Đường qua đèo Pha Đin rất khó khăn dưới trời mưa, trên bùn. Hình như đã có 5 xe bị lầy và đổ xuống đèo. Máy bay địch ầm ì trên đầu... Các bánh ô tô cày thành hai đường sâu. Hai bên đường, dân công vai gánh nặng tiến ra tiền tuyến... Đội điều trị 1 là nơi chứa thương binh nặng, dựng dưới rừng cây nhỏ, có 5-6 bác sĩ, hơn 30 y sĩ, y tá. Anh em thương binh nằm trên những sàn nứa. Tôi trực tiếp phụ trách các vết thương về sọ não. Các chiến sĩ của chúng ta là những con người đặc biệt quý và bộ óc của các anh em là đáng quý nhất.

... Anh Triệu đi các đội điều trị ở hỏa tuyến... Thiếu người phải lấy cả dân công lên làm hộ lý. Một chị dân công bị đạn đại bác bắn vào chân. Chị đã lấy thân mình che cho thương binh lúc máy bay oanh tạc. Dũng cảm quá! Bảo anh Quang chữa và cố cứu chị. Mai sẽ đi gắn Huy hiệu Hồ Chủ tịch cho chị...”.

Ngày 1 tháng 5 năm 1954:

Đợt tấn công thứ ba bắt đầu. Ta đồng loạt tấn công cả ba hướng đông, tây, đông bắc, liên tiếp diệt nhiều cứ điểm quan trọng của địch. Các chiến sĩ công binh đã ngày đêm bằng những chiếc cuốc chim và lưỡi xẻng mỏng đào được một đường hầm dài ngót 50m, luồn dưới chân các lô cốt địch, xuyên qua đất đồi A1 rắn như đá non, mang thuốc nổ vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch.

3 giờ chiều ngày 7 tháng 5, ta tổng công kích trên toàn bộ mặt trận. 5 giờ 30 phút chiều, toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng 4 chiến sĩ đã xông vào Sở chỉ huy địch bắt sống Tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ chỉ huy của địch.

Mặt trận Điện Biên Phủ toàn thắng!

Ta đã diệt và bắt sống 1 vạn 6 nghìn tên giặc, riêng bắt sống gần 10 nghìn tên, trong số đó có hơn 1 nghìn lính địch bị thương.

Tin Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền đi khắp thế giới. Trên những tờ báo lớn đã viết: “Điện Biên Phủ là tiếng còi báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ”, “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh!”.

Một tin vui nữa lại đến với các cán bộ và chiến sĩ ở Điện Biên Phủ. Bác Hồ gửi thư khen:

“Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.

Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để Chúc thọ Bác.

Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào thì tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao!

... Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”.

Các chú có tán thành không?

Bác hôn các chú!"
Bác

HỒ CHÍ MINH

Có một sự trùng hợp lịch sử rất có ý nghĩa: Ngày 7 tháng 5 ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ thì ngày hôm sau, mồng 8 tháng 5, Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Trước khi tôi đi Giơ-ne-vơ, Bác Hồ nói với tôi: “Chú cứ yên tâm đi đàm phán ở Pháp, Bác sẽ có quà cho chú!”. Bây giờ thì tôi đã biết món quà đó chính là Chiến thắng Điện Biên Phủ!”.

Một lần trả lời phỏng vấn Báo Văn hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói:

“Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện hùng hồn của chính nghĩa thắng phi nghĩa, của văn minh thắng bạo tàn: Đó là chiến thắng của lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất và trí tuệ Việt Nam, của văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh... Về mặt quốc tế, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một thời kỳ mới của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com