Điểm tựa tinh thần, niềm tự hào của chiến sĩ Trường Sơn

05:05, 23/05/2014

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa kỷ niệm trọng thể 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2014); đó không chỉ là con đường cụ thể mà còn là sự kết tinh lịch sử đấu tranh mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam; đồng thời là biểu hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của mỗi người Việt Nam, do đó nó trở nên bất diệt, không sức mạnh nào huỷ diệt được. Nhân dịp này, Báo Nam Định xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12.

Cách đây 55 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" - Đoàn 559, do đồng chí Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đối mặt với kẻ thù tàn bạo và bao cạm bẫy từ rừng thẳm Trường Sơn, để bảo đảm tuyệt đối bí mật, Đoàn 559 thực hiện khẩu hiệu: "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng"; phát triển nhanh chóng về lực lượng, đảm nhận nhiệm vụ chi viện cho miền Nam ruột thịt ngày một lớn hơn. Từ 500 cán bộ, chiến sĩ, sau gần hai năm thành lập, Đoàn 559 trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Đến đầu năm 1965, Đoàn được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh 559, tương đương cấp quân khu. Đến năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có lực lượng hùng hậu, gồm 9 sư đoàn binh chủng, cùng 21 trung đoàn trực thuộc, với hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn một vạn thanh niên xung phong (TNXP).

Tượng đài TNXP và bộ đội đường 20 - Quyết thắng, con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải. Ảnh: PV
Tượng đài TNXP và bộ đội đường 20 - Quyết thắng, con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải. Ảnh: Internet.

Để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, trong 16 năm, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn bốn triệu tấn bom, đạn các loại. Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn kiên cường bám trụ, làm nên hệ thống giao thông vĩ đại, gồm năm trục dọc, 21 trục ngang, với gần 17.000km đường xe cơ giới; vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực; chở bằng xe cơ giới 40 vạn quân và tổ chức 25 đoàn binh khí kỹ thuật hành quân vào chiến trường... Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại; mở 3.000km đường giao liên, tổ chức hơn hai triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại; mở 1.400km đường ống xăng dầu xuyên dọc tây và đông Trường Sơn vào thẳng chiến trường Nam Bộ. Cùng với đó, lực lượng Bộ đội Trường Sơn trực tiếp phục vụ, tham gia Tổng tấn công Mậu Thân và Chiến dịch Khe Sanh năm 1968; tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; tham gia Chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân - hè năm 1972. Đầu năm 1975, Sư đoàn Bộ đội Trường Sơn trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 6 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn phối hợp cùng các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng tham mưu ngụy và chiếm dinh Độc lập ngày 30-4-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với thành tích xuất sắc kể trên, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng. 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Thời gian dần lùi xa, nhưng với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn năm xưa, đã từng tham gia chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh dẫu có gian khổ, ác liệt nhất, song tất cả luôn coi đây là niềm vinh quang và tự hào. Trường Sơn vẫn vẹn nguyên, khắc khoải và nóng bỏng trong từng hơi thở, trong mỗi con tim của cựu chiến binh...

Đầu năm 1989, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn khu vực Hà Nội ra đời, là trung tâm của các Ban Liên lạc và đơn vị truyền thống cả nước. Lần lượt nhiều Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn các địa phương, đơn vị ra đời, không chỉ tập hợp cán bộ, chiến sĩ đơn vị họp mặt truyền thống, mà còn giúp nhau cả về vật chất và tinh thần, động viên nhau tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu...

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các cựu chiến binh Trường Sơn, ngày 13-5-2011, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1032/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đây là dấu ấn lịch sử, mốc son ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại...

Sau gần ba năm thành lập, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam có 130 đầu mối, với tổ chức Hội và Ban Liên lạc của 45 tỉnh, thành phố trong cả nước; 83 đơn vị truyền thống. Nhiều địa phương cơ bản hoàn thành tổ chức Hội ở ba cấp và hoạt động hiệu quả. Hội tập hợp được gần 30 vạn hội viên sinh hoạt tại tổ chức Hội các cấp trong cả nước. Hội đã khai thác các nguồn lực xã hội và sự đóng góp của hội viên để xây dựng 1.025 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá 52,5 tỷ đồng tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; tặng 342 suất học bổng cho con hội viên; hàng chục nghìn phần quà tặng hội viên nghèo, trị giá hơn 8 tỷ đồng. Tổ chức giao lưu, họp mặt và thăm chiến trường xưa cho hàng chục nghìn hội viên; giải quyết chế độ cho hơn 9.000 hội viên nhiễm chất độc da cam; hỗ trợ chính sách và tìm kiếm mộ liệt sĩ cho 266 trường hợp... Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp Binh đoàn 12 tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận Di tích lịch sử Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, với 34 di tích lịch sử tại 11 tỉnh là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Năm 2013, Hội phát động hai cuộc vận động lớn trong cả nước là: "Viết ký ức Trường Sơn" và "Hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo". Hàng trăm hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi tiêu biểu, được tuyên dương tại các Hội nghị chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi của nhiều địa phương. Các đơn vị xuất bản hàng chục cuốn lịch sử và các tuyển tập thơ, văn. Trang Thông tin điện tử của Hội ra mắt, trở thành địa chỉ tin cậy, tuyên truyền và cung cấp thông tin chính thống hoạt động của Hội trong cả nước; là địa chỉ để các chiến sĩ Trường Sơn gửi gắm tình cảm và những hồi ức sống động về Trường Sơn, về cuộc sống hôm nay qua tác phẩm thơ, văn của mình... Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam không chỉ trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín, hoạt động có hiệu quả trong hệ thống chính trị xã hội, mà còn là điểm tựa tinh thần, niềm tự hào của hàng chục vạn chiến sĩ Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn trong cả nước.

Nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam rất vẻ vang, nhưng cũng nhiều thử thách, đòi hỏi bản lĩnh vượt khó, sáng tạo vươn lên của chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Đó là, hoạt động tình nghĩa và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Tự hào về Trường Sơn, về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, các cấp Hội và mỗi hội viên càng thấy trọng trách to lớn trong việc phát huy các giá trị của các thế hệ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Các hội viên Trường Sơn đều tâm nguyện: Tiếp tục sống, cống hiến những năm tháng cuối của cuộc đời có ý nghĩa, giá trị hơn vì Trường Sơn, cho Trường Sơn mãi mãi trường tồn...; góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha ông, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com