Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin vào sự nghiệp đổi mới

07:04, 22/04/2014

Hôm nay (22-4), cùng với nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, chúng ta long trọng kỷ niệm 144 năm Ngày sinh V.I.Lênin - Nhà tư tưởng vĩ đại, Nhà lý luận chính trị kiệt xuất, vị lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới, người sáng lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Kỷ niệm Ngày sinh Lênin là dịp để chúng ta khẳng định giá trị trường tồn trong tư tưởng và sự nghiệp của Người; vai trò, ý nghĩa của những tư tưởng đó đối với phong trào cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, sự kiên định của Đảng và nhân dân ta đi theo con đường của Lênin, đặc biệt là đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mát-xcơ-va trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh: TL
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mát-xcơ-va trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh: TL

V.I.Lênin sinh ngày 22-4-1870 ở Xim-biếc (nay là U-li-a-nốp-xcơ), tên thật là Vla-đi-mia I-lích U-li-a-nốp.
Năm 1887, V.I.Lênin vào Trường Đại học Tổng hợp Ka-gian. Tại đây, V.I.Lênin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí mật Xa-ma-xkô - Xim-biếc-xkôi.

Mùa thu 1895, V.I.Lênin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Pê-téc-bua và những thành phố khác. Đêm 9-12-1895, do bị tố giác, nhiều hội viên của Hội Liên hiệp, trong đó có V.I.Lênin bị cảnh sát bắt. Sau 14 tháng bị cầm tù, tháng 2-1897, V.I.Lênin bị đi đày 3 năm ở làng Xu-xen-kôi (miền Đông Xi-bi-ri). Năm 1900, thời hạn lưu đày của V.I.Lênin kết thúc. Người lại tập hợp những người mác-xít cách mạng thành lập đảng. Chính quyền Nga hoàng cấm V.I.Lênin sống ở thủ đô và các thành phố lớn. V.I.Lênin phải ra nước ngoài cùng với Plê-kha-nốp lập ra tờ báo Tia lửa. Năm 1903, tại Luân-đôn đã diễn ra Đại hội lần thứ II Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. V.I.Lênin phát biểu phải xây dựng một đảng mác-xít kiểu mới, có khả năng là người tổ chức cách mạng của quần chúng.

Tối ngày 6-11-1917 tại Cung điện Xmôn-nưi, V.I.Lênin trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng 10. Đến rạng sáng ngày 7-11-1917, toàn Thành phố Pê-téc-bua nằm trong tay những người khởi nghĩa, và đến đêm ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng, chính quyền về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.
Từ 23-12-1922 đến 2-3-1923, V.I.Lênin đọc ghi âm lại một số bài báo quan trọng như: “Những trang nhật ký”, “Bàn về chế độ hợp tác xã”, “Về cuộc cách mạng của chúng ta”, “Thà ít mà tốt”, các bài báo trên xứng đáng được coi là di huấn chính trị của Lênin. Ngày 21-1-1924, V.I.Lênin - vị lãnh tụ, người thầy, người bạn của những người lao động trên toàn thể thế giới đã qua đời tại làng Goóc-ki (Mát-xcơ-va).

V.I.Lênin đã kế tục, bảo vệ và phát triển một cách xuất sắc, toàn diện chủ nghĩa Mác trên các mặt: Triết học duy vật biện chứng, kinh tế chính trị học Mác-xít, chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện mới; phát triển chủ nghĩa Mác lên một giai đoạn mới. Vừa đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng, trào lưu lý luận sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin vừa bổ sung, phát triển nhiều quan điểm cụ thể của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Lênin đã giải đáp được những vấn đề cơ bản nhất mà thời đại đặt ra cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, làm rõ tính tất yếu của con đường đi lên CNXH của các dân tộc, rằng sớm hay muộn các dân tộc sẽ đi lên CNXH bằng cách riêng của mình. Lênin cũng chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng XHCN trong thời kỳ mới: “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”. Đó là kim chỉ nam cho các dân tộc trong quá trình lựa chọn con đường phát triển của mình. Những di sản khoa học và cách mạng do V.I.Lênin để lại có giá trị lý luận cũng như thực tiễn đối với nhân loại, như vấn đề Nhà nước và cách mạng, xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN, xây dựng Đảng kiểu mới… V.I.Lênin đặc biệt quan tâm tới công tác quần chúng trong quá trình tập hợp lực lượng cách mạng XHCN.

Khi đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Lênin và truyền bá vào nước ta. Người khẳng định, chủ nghĩa Lênin là: “Cái cẩm nang thần kỳ”, “Là kim chỉ nam”, “Là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện nước ta. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Mặt trận dân tộc thống nhất và Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Với sáng tạo to lớn về lý luận và thực tiễn, Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Với đường lối cách mạng đúng đắn, 84 năm qua, kể từ khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi mang tầm vóc lịch sử và thời đại. Đó là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên theo con đường XHCN. Những thắng lợi vĩ đại ấy, cùng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta, một đảng cách mạng kiên cường được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân ta và sự khâm phục của bạn bè quốc tế.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta nguyện kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục con đường độc lập dân tộc và CNXH, tiếp tục bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Lênin, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra./.

N.Đ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com